Giáo dục U Minh bứt phá

Hoạt động giáo dục thể chất, vui chơi của học sinh được quan tâm đúng mức.

Những năm qua, huyện đặc biệt quan tâm phát triển sự nghiệp giáo dục địa phương, nâng cao trình độ dân trí. Ngành giáo dục – đào tạo huyện không ngừng được đầu tư cơ sở vật chất khang trang, đáp ứng yêu cầu dạy và học, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Đội ngũ giáo viên được chăm lo tốt, các chế độ được đảm bảo, tạo động lực khích lệ rất lớn để giáo viên cố gắng hơn, tâm huyết hơn với nghề. Chất lượng học sinh nâng cao qua từng năm…

Điểm lại những kết quả nổi bật của 40 năm qua, ông Trần Hoàng Lạc, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện: “Lúc huyện được thành lập, chia tách từ huyện Thới Bình, hiện trạng nền giáo dục địa phương khi ấy chỉ có một vài trường tiểu học. Từ 1976 – 1978, huyện được thành lập trường cấp 2 đầu tiên tại Khánh Lâm. Trên yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, huyện đặt ra nhiều mục tiêu lớn, trong đó có phát triển sự nghiệp giáo dục”.

Các phòng học, phòng chức năng đều được trang bị đầy đủ, phục vụ học tập của học sinh.

Tại huyện U Minh khi ấy, đa phần là trường nhỏ lẻ, làm bằng cây lá tạm, vật liệu địa phương. Trên cơ sở trường cấp 2 đã có, đầu năm 2000, Trường THPT U Minh chính thức ra đời. Đây là bước ngoặt quan trọng đánh dấu sự đi lên của nền giáo dục huyện.

Huy động mọi nguồn đầu tư, từ nguồn ngân sách, các chương trình mục tiêu quốc gia đến nguồn xã hội hóa, sau năm 2000, sự nghiệp giáo dục U Minh có bước tiến, có nhiều chương trình được triển khai thực hiện: Dự án giáo dục tiểu học, THCS; kiên cố hóa trường, lớp…

Và “quả ngọt” là, từ chỉ có 3 trường tiểu học bằng cây lá tạm, đến nay quy mô giáo dục và hệ thống trường lớp được phát triển đều khắp trên địa bàn huyện. Huyện hiện có 45 cơ sở trường học, gồm 9 trường mẫu giáo, mầm non, 21 trường tiểu học, 4 trường tiểu  học và THCS, 8 trường THCS và 3 trường THPT. Trong đó, có gần 60% trường đạt chuẩn Quốc gia. Năm học 2017 – 2018, toàn huyện có trên 99,7% học sinh được công nhận tốt nghiệp THCS, 99,9% học sinh tốt nghiệp THPT.

Cơ sở vật chất trường học khang trang, đáp ứng yêu cầu dạy và học.Huyện U Minh được công nhận đạt chuẩn Quốc gia về công tác phổ cập giáo dục tiểu học, chống mù chữ vào năm 1997.

Đội ngũ giáo viên ở các ngành học, bậc học phát triển đủ về số lượng, chất lượng tăng dần theo hướng chuẩn hóa. Huyện U Minh được công nhận đạt chuẩn Quốc gia về công tác phổ cập giáo dục tiểu học, chống mù chữ vào năm 1997 và được công nhận phổ cập giáo dục THCS vào năm 2004. Địa phương hiện vẫn duy trì đạt chuẩn Quốc gia về phổ cập giáo dục ở bậc mầm non, tiểu học và THCS; trong đó, bậc tiểu học đạt chuẩn phổ cập mức độ 3, THCS đạt chuẩn mức độ 4.

Những kết quả tích cực trên, một phần đến từ hiệu quả phong trào xã hội hóa giáo dục ở huyện. Việc chung sức vì sự phát triển giáo dục được nhân dân đồng tình hưởng ứng cao. Từ năm 1993 đến nay, đã có 52 hộ dân hiến trên 98.000m2 đất để xây dựng trường và có 35 tổ chức, cá nhân tài trợ xây dựng mới 20 điểm trường với 82 phòng học. Ngoài ra, vận động quyên góp nhiều quần áo, tập vở, dụng cụ học tập và hàng ngàn suất học bổng được trao cho học sinh giỏi, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh người dân tộc…

“Phấn khởi với những kết quả đạt được, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện tiếp tục chủ động tham mưu xây dựng kế hoạch, đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng cho phù hợp với thực tế của huyện. Sắp xếp, luân chuyển giáo viên hợp lý, quan tâm đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên, tạo nền móng vững chắc trong đào tạo học sinh. Chủ động ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới và chỉ đạo quyết liệt việc kiểm tra đánh giá, tổ chức thi nghiêm túc, tạo sự công bằng, công khai. Tổ chức cho các trường trong huyện học tập, trao đổi kinh nghiệm. Tiếp tục đổi mới công tác thi đua khen thưởng để kịp thời động viên, khích lệ các nhà trường, nhằm không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn huyện”, ông Trần Hoàng Lạc cho biết.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *