Hệ lụy từ tín dụng đen Kỳ cuối: Chung tay đẩy lùi “tín dụng đen”

Đại tá Trương Ngọc Danh – Phó Giám đốc Công an tỉnh.

Vay và cho vay không thông qua hệ thống các ngân hàng và tổ chức tín dụng được pháp luật công nhận

* “Tín dụng đen” hiện có muôn hình vạn trạng. Theo ông, người dân có thể nhận diện được các loại hình của “tín dụng đen”qua những dấu hiệu gì?

Đại tá Trương Ngọc Danh, Phó Giám đốc Công an tỉnh: Hoạt động “tín dụng đen” trên địa bàn tỉnh Cà Mau thời gian qua diễn ra khá phức tạp. Theo thống kê, năm 2018 lực lượng Công an trong tỉnh rà soát, phát hiện, đưa vào diện quản lý 9 công ty và 297 người chuyên hoạt động “tín dụng đen”, trong đó có 86 đối tượng ngoài tỉnh. Hoạt động “tín dụng đen” khá phổ biến và đa dạng về hình thức hoạt động, nhưng chủ yếu là hoạt động vay và cho vay không thông qua hệ thống các ngân hàng và tổ chức tín dụng được pháp luật công nhận.

Được nhận diện qua các hình thức: Các đối tượng thường quảng cáo việc cho vay bằng cách phát tờ rơi tại các nơi công cộng, dán trên cột điện, cây xanh, tường rào hoặc thông qua các trang mạng xã hội, ứng dụng trên điện thoại, với các nội dung: “Cho vay không cần thế chấp”, “A lô là có tiền”, “Cho vay trả góp, không thế chấp”. Việc vay tiền thực hiện rất nhanh chóng, 10 – 30 phút là có thể nhận tiền; thủ tục vay rất đơn giản, chỉ cần photo hoặc thế chấp giấy chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu, giấy phép lái xe…, cá biệt, nhiều trường hợp vay tiền không cần thế chấp. Người vay và người cho vay có thể giao dịch bằng miệng, không cần hợp đồng hoặc lập hợp đồng nhưng rất đơn giản, không ghi mức lãi suất cho vay vào hợp đồng hoặc ghi lãi suất mập mờ, chung chung để lừa người vay.

Đối tượng cho vay bằng cách lập hợp đồng mua tài sản như xe máy, ô tô… của người vay, sau đó cho người vay thuê lại chính tài sản đó. Lãi suất cho vay rất cao, từ 145 – 450%/năm. Các đối tượng cho vay thường khấu trừ luôn tiền lãi vào tiền gốc ngay khi giao tiền, gộp lãi vào vốn để tính lãi tiếp hoặc lấy lãi theo ngày, tuần. Các đối tượng cho vay sẵn sàng đe dọa, khủng bố tinh thần, hành hung người vay nếu người vay không trả tiền hoặc trả không đúng hạn.

Không để người dân vì khó khăn mà phải đi vay tiền lãi cao

* Trước hoạt động tinh vi của “tín dụng đen”, lực lượng chức năng có những giải pháp gì để làm dừng, làm giảm hoạt động trá hình này, thưa ông?

Đại tá Trương Ngọc Danh: Đánh giá được tính chất phức tạp của “tín dụng đen”, thời gian qua, Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an tỉnh đã quan tâm chỉ đạo chặt chẽ, quyết liệt, tập trung thực hiện nhiều giải pháp nhằm kiềm chế, ngăn chặn, từng bước làm dừng, làm giảm đối với loại hình hoạt động này. Cụ thể, chỉ đạo rà soát, lập danh sách đưa vào diện quản lý đối với các tổ chức, cá nhân chuyên hoạt động “tín dụng đen”; nhất là các cơ sở kinh doanh núp bóng, số đối tượng cầm đầu, cốt cán, lưu manh, côn đồ. Làm tốt công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm liên quan đến hoạt động cho vay lãi nặng; đồng thời lập chuyên án đấu tranh, bắt, xử lý nghiêm các băng nhóm, đối tượng hoạt động cho vay lãi nặng trên địa bàn. Kết quả, trong Quý I/2019 đã xử lý, vô hiệu hóa hoạt động của 3 công ty và 152 đối tượng; khởi tố 1 vụ, 4 bị can; xử lý hành chính 33 đối tượng. Qua đó kéo giảm 3 công ty, 189 đối tượng, trong đó có 46 đối tượng ngoài tỉnh so với năm 2018.

Chỉ đạo thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự; thường xuyên tổ chức kiểm tra hành chính những trường hợp nghi vấn: Kiểm tra lưu trú, nhân khẩu, hợp đồng lao động, nhà cho thuê, dịch vụ cầm đồ… nhằm kịp thời phát hiện, xử lý các đối tượng từ nơi khác đến cư trú để hoạt động cho vay lãi nặng, siết nợ, đòi nợ thuê.

Bên cạnh đó, tham mưu, kiến nghị UBND tỉnh đề nghị Ngân hàng Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp và người dân có nhu cầu được vay tiền từ các tổ chức tín dụng của Nhà nước, không để họ vì khó khăn mà phải đi vay tiền của các đối tượng cho vay lãi cao.

Phối hợp với các sở, ngành có liên quan, nhất là cơ quan báo, đài tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, thông báo công khai phương thức, thủ đoạn, hoạt động của đối tượng cho vay lãi cao, siết nợ, đòi nợ thuê để người dân, doanh nghiệp biết, từ đó cảnh giác, phòng tránh, không bị các đối tượng lừa gạt, dụ dỗ vay tiền, không tham gia, tiếp tay cho các đối tượng; mạnh dạn tố giác hành vi vi phạm pháp luật, đồng thời hợp tác với cơ quan công an trong điều tra, xác minh, xử lý các đối tượng.

Phối hợp Sở Tư pháp lập đoàn kiểm tra, chấn chỉnh công tác công chứng trên địa bàn tỉnh, đảm bảo đúng quy định pháp luật, không để các đối tượng lợi dụng hợp thức hóa thủ tục thế chấp tài sản, nhất là đất đai và nhà ở, để vay tiền, làm ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người dân.

Song song đó, tổ chức, bố trí lực lượng tuần tra, kiểm soát phát hiện, bắt, xử lý các đối tượng phát, dán tờ rơi, quảng cáo cho vay trái pháp luật. Về công tác này, đã phát hiện, xử lý 10 vụ, 18 đối tượng, thu giữ 4.500 tờ rơi, quảng cáo. Phát động nhiều đợt ra quân tẩy xóa các tờ dán quảng cáo trái phép tại các nơi công cộng, trên cây xanh, cột điện, tường rào… trên địa bàn toàn tỉnh.

“Để phối hợp cùng với Bộ Công an và các Bộ, ngành liên quan trong việc ngăn chặn, đẩy lùi nạn tín dụng đen, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã chủ động và đang quyết liệt tổ chức triển khai các giải pháp về tín dụng ngân hàng. Cụ thể, chỉ đạo các tổ chức tín dụng đơn giản hóa thủ tục vay vốn nhưng vẫn đảm bảo với quy định của pháp luật nhằm tạo điều kiện thuận lợi, nâng cao khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay, nhất là ở khu vực nông nghiệp, nông thôn, góp phần giảm nạn cho vay nặng lãi ở nông thôn. Khuyến khích các tổ chức tín dụng mở rộng mạng lưới hoạt động ngân hàng ở khu vực nông nghiệp, nông thôn…”.

Ông Trần Văn Tần, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam).

 

Người dân cần mạnh dạn tố giác

* Thưa ông, đối với những người đã và đang vướng vào “tín dụng đen” thì họ phải làm thế nào để thoát ra được “cái bẫy” này và pháp luật sẽ bảo vệ họ như thế nào?

Đại tá Trương Ngọc Danh: Khi người dân, doanh nghiệp cần vốn nên liên hệ, giao dịch với ngân hàng hoặc các tổ chức tín dụng hợp pháp như Quỹ Tín dụng nhân dân ở phường, xã… Không nên giao dịch, vay tiền của các đối tượng “tín dụng đen”, nhất là các đối tượng lưu manh, côn đồ, chuyên cho vay lãi cao.

Tuy nhiên, khi người dân đã vay tiền của các đối tượng “tín dụng đen”, thì cần thực hiện một số biện pháp như: Thông qua luật sư hoặc các cơ quan, đơn vị trợ giúp pháp lý để tư vấn, xác định tính chất, mức độ của hoạt động cho vay và lãi suất cụ thể của các khoản vay. Nếu lãi suất các khoản vay còn trong mức giao dịch dân sự theo quy định pháp luật thì khởi kiện tại tòa án các cấp, để toà án xem xét quyết định áp dụng mức lãi suất theo quy định pháp luật. Nếu mức lãi suất và tính chất, mức độ hoạt động cho vay đủ cơ sở để xử lý hình sự, thì tố cáo hoặc trình báo đến cơ quan công an các cấp để điều tra, xử lý theo quy định pháp luật.

Ngoài ra, người dân cần mạnh dạn tố giác các hành vi vi phạm pháp luật của đối tượng cho vay lãi cao, siết nợ, đòi nợ thuê đến cơ quan công an để có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời, không để đối tượng hoạt động manh động, gây nguy hiểm đến bản thân và gia đình. Đồng thời tích cực phối hợp với cơ quan công an trong điều tra, xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ để xử lý các đối tượng theo quy định pháp luật

* Xin cảm ơn ông!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *