Hiến kế nâng chất dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4

Ông Hồ Chí Linh (trái), Phó Giám đốc Trung tâm Giải quyết thủ tục hành chính tỉnh, đại diện nhận Giấy khen của Ban Tổ chức Cuộc thi “Đề xuất giải pháp cải cách hành chính” tỉnh Cà Mau năm 2019 tặng giải pháp đoạt giải Nhất.

Ông Hồ Chí Linh, Phó Giám đốc Trung tâm Giải quyết TTHC tỉnh, cho biết: “Đề xuất giải pháp sáng kiến được nghiên cứu đưa vào ứng dụng khả thi trên cơ sở thực tiễn quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị. Là gói giải pháp vừa tác động đến nhân tố kỹ thuật (tác động tới hệ thống cổng dịch vụ công) vừa tác động đến quy trình tác nghiệp tại bộ phận một cửa, đồng thời cũng tác động thay đổi thói quen giải quyết thủ tục theo phương pháp thủ công truyền thống sang ứng dụng công nghệ của người dân, doanh nghiệp”.

Giải pháp này được áp dụng, đã góp phần hiện thực hóa mục tiêu đẩy mạnh cải cách TTHC, nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính, dịch vụ công, tiết kiệm tối đa thời gian, chi phí tuân thủ giải quyết TTHC, góp phần xây dựng nền hành chính công khai, minh bạch, hướng đến chính quyền “Liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ nhân dân và doanh nghiệp”. Từ đó, đóng góp tích cực vào việc cải thiện các chỉ số liên quan đến chất lượng giải quyết TTHC (Chỉ số năng lực cạnh tranh, Chỉ số cải cách hành chính…). Từng bước thiết lập các công dân điện tử, tạo tiền đề cho việc thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch hành động về phát triển Chính phủ điện tử trên địa bàn tỉnh.

Gói giải pháp được thiết lập trên cơ sở tích hợp đồng bộ nhiều dịch vụ hỗ trợ trên Cổng dịch vụ công: Thiết lập tài khoản người dùng; kích hoạt công cụ hỗ trợ tạo lập dữ liệu TTHC theo người dùng nộp hồ sơ để có thể sử dụng lại thành phần hồ sơ điện tử đã nộp trước đó; kích hoạt hỗ trợ dịch vụ tư vấn khách hàng qua Zalo…

Về tính hiệu quả, theo ông Linh chia sẻ, giải pháp này giúp giảm thời gian, chi phí đi lại cho việc gửi hồ sơ và nhận kết quả của các tổ chức, cá nhân; đặc biệt là tránh được tệ nạn nhũng nhiễu, quan liêu, phiền hà từ một bộ phận một cửa; tăng tính công khai, minh mạch của TTHC; nâng cao trách nhiệm, trình độ chuyên môn và kiến thức về công nghệ thông tin của cán bộ công chức được phân công xử lý hồ sơ TTHC… góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội. Bên cạnh đó, các tổ chức, cá nhân dễ dàng thực hiện TTHC, có thể giao dịch 24/24 giờ tại bất cứ đâu có kết nối mạng Internet. Thay thế dần phương thức giao dịch thủ công, truyền thống theo cách thức trực tiếp (tốn kém thời gian, chờ đợi thực hiện quy trình do phải đi đến nơi, chờ phiếu lấy số thứ tự, chờ cán bộ tiếp nhận thẩm định hồ sơ…) bằng phương thức trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 hết sức linh hoạt, dễ dàng theo dõi, giám sát được tình trạng giải quyết hồ sơ.

Về hiệu quả kinh tế mang lại, giải pháp sẽ tiết kiệm rất lớn thời gian và kinh phí cập nhật thông tin khách hàng. Nếu thực hiện tốt việc nộp hồ sơ trực tuyến, người dân, doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được thời gian đi lại dành cho việc nộp hồ sơ (thời gian đi lại và chờ nộp được hồ sơ khoảng 2 – 4 giờ/hồ sơ); tiết kiệm được đáng kể thời gian tra cứu, tìm hiểu thông tin hồ sơ (thời gian gọi điện, liên lạc tìm hiểu tình trạng giải quyết hồ sơ bình quân mất khoảng 30 phút/hồ sơ) nhờ công cụ hỗ trợ qua Zalo.

Giải pháp nâng cao hiệu quả giải quyết TTHC thông qua các giao dịch trực tuyến TTHC mức độ 3, mức độ 4 trên địa bàn tỉnh đã mang lại những chuyển biến tích cực trong việc cải cách TTHC nói chung và tăng cường các hoạt động giao dịch TTHC mức độ 3, 4 nói riêng.

Với những thế mạnh về tính thực tiễn, tính mới, tính sáng tạo đáp ứng yêu cầu của nền hành chính hiện đại, hiệu quả, giải pháp này của Trung tâm Giải quyết TTHC tỉnh đã đoạt giải Nhất tại Cuộc thi “Đề xuất giải pháp CCHC” tỉnh Cà Mau năm 2019 được tổ chức mới đây.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *