Khai mạc Kỳ họp thứ 12 – HĐND tỉnh khóa IX: Biến khó khăn, thách thức thành cơ hội phát triển

Ông Trần Văn Hiện – Chủ tịch HĐND tỉnh, phát biểu khai mạc Kỳ họp.

Nêu lên những khó khăn từ ảnh hưởng nghiêm trọng, tác động đến mọi mặt đời sống, kinh tế của người dân từ đại dịch COVID-19 và đại hạn, phát biểu khai mạc kỳ họp, ông Trần Văn Hiện – Chủ tịch HĐND tỉnh, cho rằng nhiệm vụ từ nay đến cuối năm là rất nặng nề, đòi hỏi cả hệ thống chính trị cùng cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh phải nỗ lực phấn đấu cao nhất, nêu cao tinh thần đoàn kết, sáng tạo thực hiện chức trách, nhiệm vụ, biến khó khăn, thách thức thành cơ hội phát triển để hoàn thành các chỉ tiêu KT-XH năm 2020 và cũng là năm kết thúc nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV.

Thay mặt UBND tỉnh báo cáo trước HĐND tỉnh về tình hình thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh về kế hoạch phát triển KT-XH tỉnh 6 tháng đầu năm và Chương trình công tác 6 tháng cuối năm 2020 trong điều kiện tác động của dịch COVID-19 và hạn hán, ông Lâm Văn Bi – Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết đại dịch COVID-19 đã tác động lớn nhiều mặt đời sống KT-XH cả nước nói chung và tỉnh Cà Mau nói riêng, làm cho ngành nuôi nuôi trồng thủy sản gặp nhiều khó khăn; giao thông, thương mại, dịch vụ bị trì trệ; tiến độ xây dựng nông thôn mới bị chậm lại. Cùng với đó, đợt đại hạn lịch sử cũng đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến KT-XH của địa phương.

Tác động kép đã buộc tỉnh phải chi nguồn ngân sách đột xuất 343,7 tỷ đồng để chủ động, xử lý kịp thời, trong đó chi cho ứng phó đại dịch COVID-19 khoảng 236,2 tỷ đồng.

Mọi mặt giảm sâu do tác động kép

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Văn Bi báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh về kế hoạch phát triển KT-XH tỉnh 6 tháng đầu năm và Chương trình công tác 6 tháng cuối năm.

Với đặc điểm nền kinh tế có độ mở cao, hội nhập sâu khi xuất khẩu thủy sản vào thị trường 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, kim ngạch chiếm khoảng 50% GRDP của tỉnh…, nên khi thế giớ bị ảnh hưởng của đại dịch thì Cà Mau cũng chịu tác động rất lớn trên các ngành, lĩnh vực thế mạnh của tỉnh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Văn Bi đánh giá tình hình.

Từ thực tế trên, nền kinh tế Cà Mau giảm sâu, khi tốc độ tăng trưởng kinh tế 6 tháng qua chỉ ở mức 1,6%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ giảm 2,1% so với cùng kỳ; kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 31,2% kế hoạch, giảm 12,2% so với cùng kỳ, hiện hàng tồn kho còn 19.000 tấn.

Thu ngân sách tuy có tăng, nhưng thiếu bền vững. Nếu trừ các khoản phát sinh đột xuất thì số thu ngân sách 6 tháng qua chỉ bằng 44,93%, giảm 10,82% so với cùng kỳ.

Bên cạnh đại dịch COVID-19 thì đại hạn cũng đã tác động, ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống, sinh hoạt của người dân, đặc biệt tại vùng ngọt, tập trung nhiều ở huyện Trần Văn Thời. Sông, rạch bị cạn nước, không những gây tê liệt giao thông thủy, mà còn là nguyên nhân dẫn đến sụt lún đất, thiệt hại đến hạ tầng giao thông, làm cho nhiều vùng bị ảnh hưởng, giao thông bộ gần như bị chia cắt…    

“Tuy nhiên, với sự quyết tâm, nỗ lực của các cấp ủy, chính quyền và người dân trong tỉnh, tình hình KT-XH của địa phương vẫn có một số điểm sáng, như: giá trị giải ngân vốn đầu tư công tăng 1,8 lần so với cùng kỳ. Đến thời điểm hiện nay, Cà Mau không có trường hợp nào nhiễm COVID-19. Tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí so với cùng kỳ. Các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, thương mại từng bước được khôi phục và hoạt động có chiều hướng tích cực…”, ông Lâm Văn Bi thông tin. 

Bàn tiến, chứ không bàn lùi

Đại dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp trên thế giới, nhiều nước bùng phát đại dịch lần 2, theo đó thị trường xuất khẩu của Việt Nam nói chung và Cà Mau nói riêng sẽ còn tiếp tục bị ảnh hưởng, dẫn đến việc thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH trong 6 tháng cuối năm gặp rất nhiều khó khăn, nguy cơ tiếp tục sụt giảm.

Sản lượng chế biến thủy sản 6 tháng ước đạt 53.776 tấn, bằng 36,5% kế hoạch, tăng 6,8% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, hàng tồn kho 19.000 tấn, ảnh hưởng rất lớn đến nghề nuôi do giá tôm nguyên liệu giảm.

Trên tinh thần phấn đấu cao nhất, quyết tâm cao nhất, tập thể UBND tỉnh, các ngành, các địa phương bàn tiến chứ không bàn lùi, khả năng tốc độ tăng trưởng của tỉnh cả năm 2020 khoảng 3,8%. Khu vực ngư – nông – lâm nghiệp tăng trưởng khoảng 3,5%; công nghiệp – xây dựng tăng trưởng khoảng 2,2%; dịch vụ tăng trưởng 5%.

Để có được con số trên, những tháng cuối năm, Cà Mau tập trung thực hiện các giải pháp cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp và nhân dân khôi phục sản xuất các sản phẩm ngư, nông, lâm nghiệp chủ lực của tỉnh; đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất để tăng năng suất, sản lượng hàng hóa. Duy trì hoạt động ổn định của các nhà máy thuộc tổ hợp công nghiệp Khí – Điện – Đạm.

Về ngân sách, Cà Mau chủ trương thực hiện cắt giảm 70% kinh phí hội nghị, công tác trong và nước ngoài và tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên những tháng còn lại của năm; đồng thời cắt giảm các khoản chi mua sắm chưa thật sự cần thiết.

Kiên quyết đến ngày 30/9, thực hiện cắt giảm đưa về dự phòng đối với những danh mục chi chưa triển khai thủ tục theo quy định hoặc sử dụng không hết.

Thực hiện cắt giảm, tiết kiệm từ nay đến cuối năm, dự kiến Cà Mau dự phòng cho ngân sách được trên 254,6 tỷ đồng. Cụ thể, tiết kiệm tiền đi công tác trong và ngoài nước l14,82 tỷ đồng; tiết kiệm thêm 10% của 7 tháng (từ tháng 6 – tháng 12) là 39,795 tỷ đồng; dự kiến cắt giảm các khoản chi mua sắm chưa thật sự cần thiết khoảng 100 tỷ đồng; cắt giảm dự toán, nhiệm vụ chi do dự kiến không triển khai kịp hoặc đến ngày 30/9 chưa triển khai, khoảng 100 tỷ đồng.  

Về vốn đầu tư công từ năm 2018 và năm 2019 chuyển sang, phải được giải ngân hết trong tháng 8. Đối với các dự án sử dụng từ nguồn ngân sách trung ương, đến ngày 30/9, tỷ lệ giải ngân phải đạt từ 60% trở lên.

Kiên quyết điều chỉnh, chuyển nguồn từ những dự án chậm giải ngân sang những dự án giải ngân nhanh mà còn thiếu vốn. Kiên quyết thực hiện giải ngân vốn đầu tư công và các nguồn kinh phí có tính chất đầu tư đạt 100% kế hoạch vốn.

Trường hợp, kết quả giải ngân không đạt 100%, thì không xét hoàn thành tốt nhiệm vụ, đồng thời kiểm điểm người đứng đầu, chủ đầu tư dự án và các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Cũng trong phiên làm việc sáng nay, UBND tỉnh thông qua 6 báo cáo kết quả các mặt công tác 6 tháng đầu năm, chương trình hoạt động 6 tháng cuối năm, gồm: Tình hình thực hiện dự toán ngân sách; giải quyết các kiến nghị của cử tri tại Kỳ họp thứ 9, Kỳ họp thứ 11 và trước Kỳ họp thứ 12; kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo; phòng, chống tham nhũng; phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh báo cáo kết quả hoạt động của Đoàn tại Kỳ họp thứ 9 – Quốc hội khóa XIV và kết quả của Kỳ họp.

Kỳ họp dự kiến sẽ bế mạc vào trưa mai 10/7.

Dự kiến đến cuối năm nay sẽ chỉ có 11/15 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra. 4 chỉ tiêu đạt thấp so với kế hoạch, gồm: Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) ước chỉ tăng 3,8% (kế hoạch 7%); kim ngạch xuất khẩu đạt 950 triệu USD (kế hoạch 1,2 tỷ USD); tỷ lệ hộ nghèo ước giảm còn 1,87% ( kế hoạch 1,82%); giải quyết việc làm ước đạt 33.300 người (kế hoạch 39.000 người).

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *