Khó về tiêu chí hộ nghèo

Cơ sở hạ tầng xã Hiệp Tùng (huyện Năm Căn) được đầu tư nâng cấp.

Kết quả rà soát của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, cuối năm 2016, toàn tỉnh có 23.646 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 7,96% so với tổng số hộ dân toàn tỉnh; hộ cận nghèo có 11.388 hộ, chiếm tỷ lệ 3,83%. Địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất là huyện U Minh với 16,78%; tiếp theo là huyện Đầm Dơi (12,8%), huyện Trần Văn Thời (10,03%), huyện Ngọc Hiển (9,35%)…

Từ khi bắt tay xây dựng nông thôn mới, diện mạo nông thôn xã Tân Lộc (huyện Thới Bình) có nhiều khởi sắc.

Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, để đạt tiêu chí hộ nghèo, các xã phải đạt tỷ lệ hộ nghèo thấp hơn hoặc bằng 4%. Vấn đề đặt ra là hiện nay, việc áp dụng theo chuẩn nghèo đa chiều, tỷ lệ hộ nghèo của nhiều xã tăng lên rất cao. Từ đó tạo nên áp lực lớn đối với các xã phấn đấu về đích NTM. Thông tin từ Văn phòng Điều phối xây dựng NTM tỉnh, trong 8 xã được tỉnh chỉ đạo xây dựng đạt chuẩn NTM trong năm nay, hiện còn 3 xã chưa đạt tiêu chí này, gồm: Tạ An Khương (7,01%), Tân Lộc (7,09%) và Hòa Mỹ (5,04%).

Bà Nguyễn Thị Xanh (ấp Tân Điền A, xã Tạ An Khương, huyện Đầm Dơi) tận dụng đất trống trồng rau má, thu nhập hàng tháng từ 1,5 – 3 triệu đồng.

Tìm hiểu thực tế tại xã Tân Lộc (huyện Thới Bình) và xã Tạ An Khương (huyện Đầm Dơi), đối chiếu với tiêu chí hộ nghèo cũ, 2 địa phương này gần “cán đích” NTM trong năm 2016. Thế nhưng, theo chuẩn nghèo đa chiều, tỷ lệ hộ nghèo lại tăng lên rất nhiều. Theo đó, để kịp đạt chuẩn trong năm nay, xã Tân Lộc phải giảm được 90 hộ nghèo, xã Tạ An Khương phải giảm 77 hộ nghèo. Ông Lê Minh Dương, Chủ tịch UBND xã Tạ An Khương, cho biết: “Việc áp dụng chuẩn nghèo đa chiều gây áp lực lớn đối với xã. Để hoàn thành tiêu chí hộ nghèo, huyện đã thành lập Ban chỉ đạo có sự tham gia của các phòng, ban chức năng làm việc với cấp ủy, chính quyền và các tổ chức, đoàn thể xã rà soát, thống kê lại tỷ lệ hộ nghèo, thực hiện các giải pháp giảm nghèo. Theo đó, sẽ tranh thủ nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội 1.250 triệu đồng (nguồn vốn hỗ trợ giải quyết việc làm, nước sạch vệ sinh môi trường; hỗ trợ sản xuất); 190 triệu đồng từ nguồn vốn khoa học công nghệ; cùng nguồn vốn Chương trình 135; Quỹ Hỗ trợ nông dân… để hỗ trợ hộ nghèo, tạo điều kiện về giống vốn, khoa học kỹ thuật, hỗ trợ nhà ở để họ vươn lên thoát nghèo, phấn đấu đạt tiêu chí về hộ nghèo trong năm nay”.

Tuy nhiên, theo phản ánh của các địa phương, khó khăn nhất hiện nay là các hộ nghèo rơi vào trường hợp người cao tuổi, không còn khả năng lao động; hoặc không đất sản xuất; nghề nghiệp không ổn định. Bên cạnh đó, tiến độ giải ngân các nguồn vốn quá chậm, kéo theo nguồn vốn đến tay người dân cũng chậm. Tuy nhiên, để đưa vốn đầu tư thực hiện mô hình, chờ kết quả, ít nhất cũng phải mất thời gian từ 3 – 5 tháng, chưa kể đến trường hợp rủi ro. Ông Hứa Văn Tý, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Lộc: “Trong khả năng có thể, địa phương đã tranh thủ các mối quan hệ với các công ty, xí nghiệp thủy sản, giới thiệu việc làm cho hộ nghèo, lao động nông thôn; tận dụng các nguồn vốn hỗ trợ nông dân sản xuất; nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả; vận động mạnh thường quân hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo… Tuy nhiên, xã rất cần sự hỗ trợ từ cấp trên, tiếp sức cùng xã thực hiện đạt tiêu chí này, nhất là giải ngân nhanh các nguồn vốn hỗ trợ để người dân sớm tiếp cận, đầu tư sản xuất, nâng cao thu nhập”.

Để thực hiện tiêu chí hộ nghèo trong xây dựng NTM, cùng với nỗ lực của các cấp, các ngành, thì với bản thân các hộ nghèo cần bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại, tự giác nỗ lực vươn lên thoát nghèo. Điều này còn góp phần thực hiện giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế – xã hội địa phương.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *