Khơi nguồn “mạch máu” thông tin

Người tiên phong “mở đường ra biển” – nguyên Giám đốc Viễn thông Cà Mau Lê Hoàng Phước, rất nhiều năm là doanh nhân tiêu biểu của tỉnh Cà Mau. Ảnh: Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Hải (trái) và Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Bạch Đằng trao hoa và biểu trưng doanh nhân tiêu biểu tỉnh Cà Mau năm 2016 cho ông Lê Hoàng Phước.

Hành trình gian khó

Vận chuyển trang thiết bị trên biển đã khó, lắp đặt ở đảo càng khó khăn gấp nhiều lần; ấy vậy mà khó khăn đã không ngăn cản được ý chí của những con người mang trên mình sứ mệnh vì biển đảo quê hương.

Mất 2 tháng, 3 ca xây dựng ăng-ten cả ngày lẫn đêm để lắp máy phát sóng thông tin di động và lắp đặt máy thu phát tín hiệu từ Hòn Khoai về đất liền. Không phụ lòng người, đúng 0 giờ ngày 1/6/2005 có tín hiệu tốt đầu tiên: Các chiến sĩ, ngư dân trên đảo Hòn Khoai nói chuyện được qua sóng điện thoại với cha mẹ, vợ con, người thân trong đất liền trong niềm vui khôn xiết… Đây được xem là khởi đầu cho những công trình tiếp theo, mà người tiên phong mở lối không ai khác chính là ông Lê Hoàng Phước và những cộng sự của ông. Công trình này đã để lại dấu ấn và thành tích đáng ghi nhận của những người công tác trong ngành Viễn thông của mảnh đất cực Nam Tổ quốc này.

Năm 2009, Viễn thông Cà Mau tiếp tục vượt biển, mang sóng 2G và điện năng lượng mặt trời ra với Nhà giàn DK1/10 bãi cạn mũi Cà Mau. Đây là địa bàn khó khăn, hơn cả việc lắp đặt trên đảo Hòn Khoai và Hòn Chuối trước kia, nhưng một lần nữa ý chí của những người mang sứ mệnh đem công nghệ thông tin ra hải đảo đã chiến thắng những trở ngại, thử thách.

Đến thời điểm này, Viễn thông Cà Mau đã lắp đặt, đưa vào phát sóng hơn 380 trạm phát sóng thông tin di động, trong đó có gần 10 trạm phục vụ thiết thực cho sự chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy đảng và chính quyền địa phương trong công tác phòng, chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai, bảo đảm quốc phòng – an ninh, giữ vững chủ quyền biển, đảo và phục vụ bà con ngư dân yên tâm bám biển trên khu vực thềm lục địa từ hướng biển Đông Nam sang biển Tây Nam của Tổ quốc.

Ông Lê Hoàng Phước giờ đây đã nghỉ hưu, không còn công tác trong ngành Viễn thông (ông vừa được bầu giữ chức vụ Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh), song vẫn được mọi người nhắc đến bằng sự trân trọng qua cách gọi ví von là “người mở đường ra biển”. Tiếp nối “công trình vươn khơi xa” của lớp người đi trước, giờ đây, những người trẻ Viễn thông Cà Mau tiếp tục khơi mạch viễn thông 3G, 4G và ước mơ 5G trong tương lai không xa, đặc biệt là nơi hải đảo, vùng sâu, vùng xa.

Vận chuyển pin năng lượng mặt trời lên nhà giàn.

Người trẻ kế thừa

May mắn được đồng hành cùng Đoàn Thanh niên Viễn thông Cà Mau trong chuyến đi duy tu, sửa chữa và lắp đặt trạm phát sóng 3G, điện năng lượng mặt trời, điện gió trên đảo Hòn Chuối, Nhà giàn DK1/10 bãi cạn Mũi Cà Mau vào cuối tháng 5 vừa qua, tôi cảm thấy háo hức lạ, bởi bản thân sắp có một trải nghiệm mới ở nơi mà không phải ai muốn đến cũng đến được – mang chung niềm vui đến cán bộ, chiến sĩ nhà giàn.

Sau nhiều nỗ lực của Viễn thông Cà Mau, đến nay Nhà giàn DK1/10 bãi cạn mũi Cà Mau đã có thêm hệ thống điện gió hoạt động.

Chỉ mới xuất phát nhưng thời tiết không ủng hộ, một cơn mưa đầu mùa đến bất chợt và ngập cả cảng cá Sông Đốc. Mưa mặc mưa, đoàn viên thanh niên Viễn thông Cà Mau xông xáo vận chuyển trang thiết bị, vật tư hàng hóa, thực phẩm dự trữ hàng trăm ký cho hành trình vài ngày nơi biển khơi; khó nhất là vừa vận chuyển vừa bảo vệ vật tư với khối lượng lớn, sợ hư hỏng thì công trình sẽ không hoàn thành đúng tiến độ. Đêm hôm ấy, sóng to, hơn một nửa thành viên của đoàn bị say sóng; trong giấc ngủ chập chờn, ai cũng háo hức và mong chờ trời mau sáng để được làm nhiệm vụ. Say sóng là thế, nhưng khi tàu cập bến thì như khỏe hẳn ra, ai vào việc nấy như kế hoạch, khẩn trương triển khai các công trình, phần việc như chạy đua với thời gian.

Tàu thanh tra thủy sản của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có nhiệm vụ trung chuyển người và trang thiết bị, vật tư lên nhà giàn. Khi tàu vừa cập nhà giàn, dù lúc này thời tiết khá thuận lợi, thế nhưng chúng tôi phải mất hơn 1 giờ đồng hồ để vận chuyển mọi thứ lên để triển khai các công trình như kế hoạch ban đầu. Không ai bảo ai, mọi người cùng bắt tay vào việc. Anh em cán bộ, chiến sĩ thì thấp thỏm chờ màn hình điện thoại báo nhận được sóng 3G. Để rồi tất cả cùng vỡ òa niềm vui, những cái bắt tay, những nụ cười của cả người cho và người nhận khi nhiều tiếng hô vang: “Có sóng 3G rồi!”.

Anh em cán bộ, chiến sĩ nhà giàn reo hò trong tiếng vỗ tay. Làm xong công việc chuyên môn và tiếp khách, các anh chạy ngay về phòng, gọi video cho người thân và gia đình. Người thì gọi cho mẹ, người thì gọi cho vợ, cho con gái mình… ai nấy đều vui mừng khôn tả, bởi hơn nửa năm nay nhiều người vẫn chưa nhìn thấy tận mặt người thân của mình.

Anh Trần Ngọc Khuê, Phó Giám đốc Trung tâm Điều hành thông tin, Viễn thông Cà Mau, hồi tưởng: “Cách đây hơn 10 năm, được đồng hành cùng đoàn công tác của Viễn thông Cà Mau ra lắp trạm phát sóng 2G trên nhà giàn, rồi đảo Hòn Chuối, đi cùng với người mở đường là sếp Lê Hoàng Phước, hình ảnh vỡ òa cảm xúc khi công trình được hoàn thành khiến bản thân cứ nhớ mãi và trở thành động lực cho sự phấn đấu trong nghề nghiệp như bây giờ. Hôm nay trở lại, biết bao kỷ niệm ùa về, lâng lâng khó tả, bởi bản thân đã góp phần sức nhỏ bé mang lại niềm vui cho cán bộ, chiến sĩ và người dân nơi đây những tiện ích công nghệ thông tin, nối gần hơn khoảng cách giữa đất liền và hải đảo xa xôi. Thật xúc động khi cán bộ, chiến sĩ có thể gọi video về nhà, có thể nhìn thấy mặt của người thân, đặc biệt là vợ con của mình sau bao ngày xa cách”.

Để chuẩn bị cho hành trình, tập thể cán bộ, nhân viên Viễn thông Cà Mau đã chuẩn bị rất lâu trước đó. Là người lo hậu cần cho cả đoàn, anh Dư Việt Triều tất tả lo mọi thứ: Thịt, trứng, gạo, rau cải, đồ tươi… cho đoàn và anh em cán bộ, chiến sĩ dùng trong vài ngày. Anh Triều cũng không quên chuẩn bị tất cả các món gia vị cần thiết, món nào anh cũng mua dư chút, vì nghĩ nơi đây anh em rất thiếu thốn; đặc biệt là không quên mang theo nước uống, bởi lẽ nước trên nhà giàn rất quý, nhất là vào mùa khô thì chế độ anh em chỉ có 2 lít/ngày/người – ngần ấy nước dùng trong sinh hoạt hàng ngày và cả tưới rau cải.Anh Ngô Văn Huấn, Phó Bí thư Đoàn cơ sở Viễn thông Cà Mau, thì đảm nhận nhiệm vụ “bếp trưởng” của đoàn trong những ngày làm nhiệm vụ tại đây. Người cán bộ Đoàn siêng năng, ít nói ấy đã để lại ấn tượng trong anh em trên nhà giàn về khả năng nấu rất ngon cả các món ăn miền Bắc lẫn miền Nam, góp cho bữa ăn giữa mênh mông biển trời thêm ấm áp, nghĩa tình…

Đoàn làm xong nhiệm vụ thì khi ấy anh em tàu kiểm ngư cũng hết lương khô, tàu về trong niềm vui rất lạ. Xa xa, cán bộ, chiến sĩ vẫy tay tạm biệt trong sự quyến luyến, bịn rịn. Chiến sĩ trẻ nói với theo đoàn: “Các anh về tới đất liền, gọi video báo tin cho em nhé!”. Mọi người xúc động, bồi hồi khó tả.

Đoàn về đến TP. Cà Mau đúng lúc trời hừng sáng. Anh Phạm Hoàng Hải – Phó Giám đốc Trung tâm Viễn thông TP. Cà Mau, Bí thư Đoàn cở sở Viễn thông Cà Mau, vui vẻ gửi lời cám ơn anh em và hẹn đoàn gặp lại nếu có điều kiện lắp đặt trạm 4G trên đảo Hòn Chuối và nhà giàn trong những ngày không xa.

Rời hành trình, tôi mang theo cái nhìn trân trọng về những người trẻ nhiệt huyết trên “mặt trận” công nghệ thông tin. Họ đã biết kế thừa và phát huy tốt truyền thống của cha anh đi trước và luôn có chí cầu tiến, mong muốn mang những tiện ích công nghệ hiện đại nhất đến với người dân, đặc biệt là những vùng hải đảo xa xôi.

Một hình ảnh đẹp đọng lại trong tôi: Hay tin có sóng 3G, các ghe khai thác xa bờ mà lâu quá chưa về, đậu lại gần đó; thuyền trưởng, ngư phủ cùng gọi video về thăm hỏi gia đình trong sự hào hứng lạ thường – chưa bao giờ khoảng cách đất liền và biển đảo quê hương lại gần nhau đến thế. Đó là nhờ vào cái tình của những người mở đường và khơi mạch viễn thông nơi cuối trời phương Nam.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *