Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị tỉnh Cà Mau: 18 năm trưởng thành và phát triển

Năm 2006, Liên hiệp hữu nghị được Tỉnh ủy chỉ đạo sáp nhập một phần về cơ cấu tổ chức, được xem là một bộ phận phòng ban của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh. Ban đầu hoạt động còn nhiều khó khăn do thiếu kinh phí, thiếu nhân lực, song với sự quyết tâm cao, Liên hiệp hữu nghị đã vượt qua mọi khó khăn, trở ngại để tồn tại và trưởng thành. Từ số lượng biên chế 5 người vào năm 2006, tăng lên 15 người năm 2010 và Liên hiệp hữu nghị chính thức tách ra khỏi Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, hoạt động độc lập, chuyên trách về đối ngoại nhân dân, dưới sự trực thuộc, quản lý về mặt nhà nước của UBND tỉnh. Đến nay, Liên hiệp hữu nghị chính thức được xác định là một tổ chức chính trị- xã hội, hoạt động chuyên trách về đối ngoại nhân dân; vận động người Việt Nam ở nước ngoài hướng về Tổ quốc; làm đầu mối trong công tác vận động viện trợ phi chính phủ nhằm huy động mọi nguồn lực phát triển kinh tế – xã hội, cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân tỉnh…

Sở Ngoại vụ phối hợp với Trung tâm Đào tạo, bồi dưỡng kiến thức ngoại giao và ngoại ngữ (CEFALT) trực thuộc Bộ Ngoại giao tại TP. Hồ Chí Minh, tổ chức lớp bồi dưỡng kỹ năng đối ngoại cho công chức, viên chức làm công tác đối ngoại tỉnh.

Ông Nguyễn Công Minh, Phó Chủ tịch phụ trách Liên hiệp hữu nghị tỉnh: “Sau 18 năm trưởng thành và phát triển, Liên hiệp hữu nghị tỉnh Cà Mau đã có nhiều nỗ lực trong thực hiện nhiệm vụ công tác đối ngoại nhân dân và đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên các mặt. Hoạt động hòa bình, đoàn kết hữu nghị được tích cực triển khai, tạo bước phát triển mới, nổi bật trên các hoạt động giao lưu hữu nghị, hoạt động trao đổi đoàn, tri ân với bạn bè quốc tế. Công tác phi chính phủ nước ngoài (PCPNN) ngày càng được quan tâm chỉ đạo thực hiện, có sự phối hợp chặt chẽ, thống nhất, phân giao trách nhiệm cụ thể giữa các cấp, các ngành và địa phương trong công tác vận động viện trợ, quản lý, sử dụng các khoản viện trợ và quản lý hoạt động của các tổ chức PCPNN; giá trị viện trợ các chương trình, dự án so với nhiệm kỳ 2005 – 2010 được tăng cao cả về số lượng và chất lượng. Công tác thông tin tuyên truyền các hoạt động đối ngoại nhân dân được chú trọng triển khai một cách bài bản hơn; quá trình thực hiện có sự gắn kết phối hợp giữa các ngành có liên quan… Từ đó, tạo hiệu quả tốt trong hoạt động đối ngoại nhân dân, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của tỉnh trong tình hình mới”.

Ông Nakajima Satoshi (thứ 4 từ trái qua), Tổng Lãnh sự Nhật Bản tại TP. Hồ Chí Minh, tham quan và chụp hình lưu niệm tại Đất Mũi.

Từ khi đi vào hoạt động đến nay, Liên hiệp hữu nghị tỉnh đã tăng cường công tác tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chủ trương của tỉnh về công tác đối ngoại nhân dân tới các tổ chức thành viên và đông đảo các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Phát huy vai trò tích cực trong công tác nghiên cứu, tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh tổng kết, đánh giá kết quả triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan đến công tác đối ngoại nhân dân: Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 36 của Ban Bí thư về công tác người Việt Nam ở nước ngoài; tổng kết 10 năm hoạt động của các tổ chức PCPNN; tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quy chế quản lý thống nhất các hoạt động đối ngoại trên địa bàn tỉnh; chương trình xúc tiến vận động viện trợ PCPNN tỉnh Cà Mau giai đoạn 2006 – 2010 và 2014 – 2017…

Song song với những thành tựu đạt được từ công tác xây dựng bộ máy tổ chức, hoạt động đối ngoại nhân dân trong tỉnh không ngừng được phát triển mở rộng và đi vào chiều sâu. Đến nay, Liên hiệp hữu nghị đã thiết lập mối quan hệ đối tác với hầu hết các tổng lãnh sự quán, các tổ chức PCPNN tại TP. Hồ Chí Minh và mở rộng ra Hà Nội; làm cầu nối với kiều bào nước ngoài hướng về Tổ quốc, góp sức xây dựng quê hương. Kết quả từ năm 2006 đến nay, có trên 9.000 lượt kiều bào về Cà Mau và tìm cơ hội đầu tư kinh doanh, hiện có 17 doanh nghiệp do Việt kiều đầu tư tại Cà Mau. Công tác vận động viện trợ PCPNN được đẩy mạnh, từ năm 2003 đến nay, Liên hiệp hữu nghị chủ trì phối hợp các ngành có liên quan tổ chức 137 đoàn, trên 400 lượt cán bộ đi dự họp mặt, quan hệ giao lưu hữu nghị, làm việc với các tổng lãnh sự quán, các tổ chức PCPNN tại TP. Hồ Chí Minh; tổ chức tiếp 107 đoàn, với 507 lượt khách thuộc các tổ chức quốc tế và các tổ chức PCPNN đến thăm và làm việc với tỉnh. Bên cạnh đó, để mở rộng mối quan hệ đối tác, làm cầu nối cho công tác vận động viện trợ PCPNN, Liên hiệp hữu nghị đã biên soạn và phát hành 1.000 tập ảnh “Cà Mau với bầu bạn nước ngoài” cho các tổ chức quốc tế, tổ chức PCPNN và người Việt Nam ở nước ngoài; phối hợp Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị Việt Nam chủ trì tổ chức thành công Hội nghị Xúc tiến vận động viện trợ PCPNN tại Cà Mau năm 2007 và Hội thảo khoa học về “Bảo tồn các giá trị Khu dự trữ sinh quyển và bảo vệ văn hóa, cư dân Cà Mau trước biến đổi khí hậu”…

Lễ trao gói dụng cụ học tập cho học sinh Trường Tiểu học Đông Thới 2, xã Đông Thới, huyện Cái Nước, do tổ chức Loreto Kids Charity (Úc) tài trợ.

Với những nỗ lực và cố gắng của tập thể cán bộ Liên hiệp hữu nghị tỉnh cùng những thành tích đạt được, tập thể đơn vị và nhiều cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong công tác đối ngoại nhân dân được Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị Việt Nam tặng bằng khen. Riêng năm 2014, đơn vị được UBND tỉnh tặng Cờ thi đua hạng Nhất.

Thời gian tới, Liên hiệp hữu nghị tỉnh tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị và các tổ chức hữu nghị thành viên; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ; đổi mới nội dung hoạt động các tổ chức hữu nghị thành viên và các hoạt động PCPNN; đẩy mạnh hoạt động hữu nghị, giao lưu nhân dân; tăng cường các hoạt động phối hợp, kết hợp với Trung ương, địa phương và các sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan để nâng cao hiệu quả hoạt động; nỗ lực củng cố và tăng cường công tác đối ngoại nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Thông qua các hoạt động, tỉnh Cà Mau đã thiết lập quan hệ với 85 tổ chức PCPNN và tổ chức quốc tế, trong đó có 79 tổ chức có chương trình, dự án, phi dự án với tổng giá trị cam kết viện trợ từ năm 2003 – 2015 hơn 29 triệu USD. Các chương trình, dự án được triển khai, quản lý chặt chẽ, sử dụng đúng mục đích, tập trung giải quyết những vấn đề bức xúc ở địa phương, đã góp phần thực hiện tốt mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, xóa đói giảm nghèo của tỉnh.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *