Liệu có còn nhà máy đường ở Thới Bình?

Từng được kỳ vọng khi đặt nhà máy trên vùng nguyên liệu mía. Là doanh nghiệp nhà nước, nguồn gốc của nhà máy xem ra cũng rất “oách”, theo công nghệ tiên tiến của nước ngoài, với tổng nguồn lên đến 6 triệu USD, được xem là hiện đại nhất cả miền Nam vào thập niên 90, với sứ mệnh góp phần quan trọng đạt 1 triệu tấn đường/năm, theo chủ trương của Chính phủ. Tuy nhiên, sau thời gian hoạt động, càng sản xuất càng thâm hụt tài chính, đến tháng 10/2009, Nhà máy Đường Thới Bình được cổ phần, trở thành thành viên thuộc Công ty CP Mía đường Tây Nam.

Bến sông tập kết nguồn nguyên liệu vắng tanh.

Chuyển đổi hình thức kinh doanh, tuy nhiên, đơn vị tiếp tục hoạt động không hiệu quả. Trong nhiều yếu tố dẫn đến hệ lụy này là do không thể mở rộng công suất nhà máy, bởi công nghệ không thể thay thế; cùng với đó là nguồn nguyên liệu tại chỗ ngoài việc không đáp ứng đủ nguồn, chất lượng cũng không đảm bảo, đã làm tăng giá trị sản xuất, dẫn đến thua lỗ kéo dài. Nếu như người trồng mía ở Hậu Giang đã tiến lên trồng thâm canh, năng suất đạt trên 250 tấn/ha/vụ, thì người trồng mía ở Cà Mau vẫn cứ theo kiểu canh tác truyền thống, năng suất chỉ đạt ở mức 70 tấn/ha/vụ. “Nhiều năm liền, nguồn nguyên liệu trong tỉnh chưa bao giờ cung cấp vượt mức 30% cho chế biến, chúng tôi phải thu mua thêm tại các tỉnh lân cận, chi phí càng đội thêm”, ông Triều thông tin, đồng thời cho biết, để sản xuất được 1kg đường ra thị trường, nhà máy đã lỗ 1.000 đồng.

Công xưởng nhà máy gần như hoang phế.

Nhiều vụ mía “đắng” đã liên tục xuất hiện trên vùng nguyên liệu Thới Bình. Xót xa hơn khi có thời điểm người trồng mía phải đốt rẫy mía, nguy cơ xóa sổ cây mía ở Cà Mau luôn trong tình cảnh chực chờ. Từ định hướng quy hoạch lên 5.000ha rồi 10.000ha trồng mía nguyên liệu, giờ lác đác từng khoảnh mía ít ỏi còn lại tại xã Trí Lực, xã Biển Bạch, chưa đến 100ha.

Không trả lời thẳng câu hỏi liệu nhà máy sẽ tồn tại, ông Lý Việt Triều cho biết đã cho khoảng 100 công nhân nhà máy nghỉ việc nhiều tháng nay, đang giải quyết các chế độ chính sách, đồng thời tiến hành bán một số thiết bị để chi trả trợ cấp 1 lần cho công nhân khi mất việc.

Về giải pháp giải phóng nguồn nguyên liệu đã được ký kết với người sản xuất, ông Lý Việt Triều cho rằng đã chuyển giao hợp đồng về nhà máy đường ở Cần Thơ mua theo hợp đồng cam kết trước đó. Qua tìm hiểu thực tế, hợp đồng ký kết giữa nhà máy với người trồng mía là giao nguồn nguyên liệu ngay tại nhà máy, nay buộc người dân giao nguyên liệu lên tận Cần Thơ, xem ra người trồng mía vốn đã khó vì những mùa mía “đắng” lại càng thêm khổ, vùng nguyên liệu tới đây sẽ khó mà giữ vững, dù tỉnh và ngành mía đường có nhiều quyết tâm.

Công xưởng nhà máy gần như hoang phế, cho công nhân nghỉ việc đã lâu, nguồn nguyên liệu tại chỗ vốn đã có quá nhiều thăng trầm nay đứng trước nguy cơ xóa sổ… Việc tồn tại nhà máy đường tại Cà Mau hay không, thật ra đã có câu trả lời.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *