Người… gánh vác!

Bí thư Chi bộ Lê Đoàn Kết thăm hỏi chuyện làm ăn của gia đình ông Nguyễn Tấn Dũng.
Từ giáo viên đến tù chính trị

Tiết trời mát mẻ, chúng tôi hỏi đường để đến được nhà ông Chín Kết. Con đường vào Ấp 5, xã Tân Lộc trải bê-tông rộng rãi, mát mẻ, người dân trồng hàng cây xanh gần giáp xóm. Nhà ông Chín Kết đơn sơ, xung quanh có nhiều hoa kiểng, điểm làm chúng tôi chú ý nhất là bàn sách vở, tài liệu chất cao ngang đầu đặt ở góc làm việc. Ông Chín nói, đó là sách về những sự kiện, hồi ký, kỷ niệm ở các giai đoạn lịch sử mà bạn bè, đồng đội tặng ông bao năm. Ông Chín xem đó là tài sản quý giá, bởi lẽ mỗi ngăn sách đều ghi dấu về cuộc đời cách mạng tự hào, vẻ vang…

Sinh ra và lớn lên trong gia đình cách mạng trí thức, Chín Kết được chăm chút chuyện học hành từ nhỏ. Sau khi kết thúc khóa học tại Trường Sư phạm Tây Nam Bộ vào tháng 8/1965, Chín Kết được phân công nhiệm vụ tại Tiểu ban Giáo dục huyện Thới Bình, được thử thách, rèn luyện qua những chuyến đi cơ sở dựng lại trường bị giặc đánh phá, cất trường mới ở nơi có nhu cầu hay củng cố đội ngũ giáo viên cho các địa phương… Tuổi trẻ nhiệt thành và năng động, Chín Kết được giao giảng dạy ở ngôi trường cấp 2 đầu tiên của huyện Thới Bình trong chiến tranh. Đó là Trường Nội trú Ninh Bình, khai giảng ngày 2/9/1966, với 38 học sinh là con liệt sĩ và con cán bộ.

Làm “kỹ sư tâm hồn” chưa bao lâu, do yêu cầu cách mạng, Chín Kết trở thành chiến sĩ giải phóng quân. Niềm ao ước bấy lâu được cầm súng AK trực tiếp chiến đấu đã thành hiện thực. Những ngày làm y tá ở Tiểu đoàn U Minh 2, Tiểu đoàn 410 – Quân khu 9, rồi bị địch bắt chuyển từ khám lớn Rạch Giá đến nhà tù Phú Quốc… có lẽ mãi không mờ phai trong ký ức của Chín Kết. Ông hồi tưởng: “Bảy năm ở nơi được xem là “địa ngục trần gian”, tôi và đồng đội luôn giữ gìn khí tiết của người chiến sĩ cách mạng, động viên nhau rèn tâm trí vững vàng. Có lần chúng tôi bị bắt đi làm tạp dịch, lợi dụng tình thế, tôi và anh em chung khám giết chết tên trung sĩ quân cảnh Mỹ, gây hoang mang trong lòng địch”.

Chín Kết được ra tù theo tinh thần Hiệp định Paris năm 1973, tuy nhiên sức khỏe không đảm bảo cho những đợt hành quân sau bao ngày tù đày tra tấn dã man, ông được phân công làm Phó văn phòng Khu đoàn Thanh niên. Hòa bình, ông tiếp tục góp sức tại Trường Văn hóa bổ túc công nông, ở Ban Tổ chức Tỉnh ủy… Chín Kết nói tâm đắc: “So với đồng đội đã hy sinh, tôi còn được may mắn trở về, vậy nên còn sức khỏe tôi vẫn tiếp tục cống hiến”.

Bí thư Chi bộ Lê Đoàn Kết hướng dẫn bà con cắt tỉa hàng rào cây xanh.

Nhân cách “thu phục” lòng người

Dáng người nhỏ bé nhưng tác phong nhanh nhẹn, quyết đoán, là cảm nhận đầu tiên khi mọi người tiếp xúc với ông Chín Kết. Có lẽ vì thế mà có lần ông bị “ép” làm cán bộ. Đó là vào năm 1985, khi gia đình ông đến Viên An (huyện Năm Căn cũ) làm ăn, mong có cuộc sống khấm khá hơn. Trong những buổi trà dư tửu hậu, ông thường tâm sự đời “chinh chiến” cho hàng xóm nghe, cùng với cách sống khiêm nhường, chân thành, ông được bà con tín nhiệm làm ở xã Viên An. Là người có năng lực, từ vai trò cán bộ tư pháp đến thường trực Đảng ủy xã, Chín Kết đã tham mưu giải quyết nhanh chóng, kịp thời các thủ tục liên quan đến chính sách cho đối tượng thương binh, người có công… trên địa bàn.

Thật đáng trân trọng với tinh thần cống hiến không mệt mỏi của ông Chín Kết. Từ năm 2000, khi trở về Ấp 5, xã Tân Lộc sinh sống, ông tiếp tục đảm nhiệm Bí thư Chi bộ cho đến nay. Những năm qua, Chi bộ luôn nỗ lực chăm bồi thế hệ kế thừa, nhưng còn gặp khó do ai cũng lo kinh tế gia đình, nếu nhận nhiệm vụ sợ không lo nổi công ăn việc làm, mà lương thì chẳng bao nhiêu. Ông Chín bộc bạch: “Giờ các con tôi đều đi làm việc ở TP.Cà Mau, tôi không còn lo bươn chải kinh tế như trước, mà nghỉ ngơi an hưởng thì không chịu nổi, có lẽ “máu” cách mạng trong người, nên tôi vẫn cứ tiếp tục… gánh vác”.

Cực thì có, nhưng đổi lại Chín Kết vui lắm vì Ấp 5 còn ít hộ nghèo nhất của xã Tân Lộc (4 hộ nghèo/234 hộ), ngày càng có nhiều gia đình lo cho con ăn học, giáo dục con cái nên người, xứng đáng với truyền thống quê hương. Ông Chín lẩm bẩm, giờ có 7 đứa ra trường đã đi làm, còn 12 đứa đang học cao đẳng, đại học, mấy chục đứa đang học cấp 3, cấp 2… Rồi ông từ tốn kể cho chúng tôi nghe chuyện làm kinh tế giỏi của đảng viên Lê Việt Sừ, chuyện vươn lên thoát nghèo của hộ Nguyễn Văn Lây, Đặng Văn Thống…

Ông Chín tâm niệm, làm bí thư không phải chỉ biết hô hào mà phải sâu sát với nhân dân, để tìm hiểu thực tế cuộc sống của từng gia đình, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, vận dụng linh hoạt mọi chủ trương của cấp trên vào cuộc sống. Nông dân Nguyễn Tấn Dũng chia sẻ: “Lúc trước hoàn cảnh tôi rất khó khăn, ông Chín thường xuyên đến nhà động viên, san sẻ. Thấy tôi thực hiện mô hình nuôi chim cút, ông giúp tôi vốn mua giống, hỏi cán bộ nông nghiệp cách chăm sóc, vệ sinh chuồng nuôi sao cho hiệu quả cao; rồi giới thiệu người thân, xóm giềng mua ủng hộ… Đến nay tôi đã duy trì mô hình được 5 năm, với hơn 1.000 con cút giống, đang hướng dẫn cho nhiều hộ cùng nuôi. Mới đây, ông Chín đề xuất với xã hỗ trợ tôi mua thêm máy ấp trứng, để mở rộng mô hình”.

Anh Nguyễn Chí Phương, Trưởng ban Nhân dân ấp, bộc bạch: “Gần gũi nhưng chú nghiêm túc lắm, chú thường nhắc nhở đảng viên phải đi đầu mọi việc, nhất là trong phát triển kinh tế và xây dựng gia đình văn hóa. Vì thế 24 đảng viên không ai thuộc diện hộ nghèo và không còn hộ nghèo thuộc diện chính sách. Mọi công việc của ấp, chú đều đưa ra họp bàn, lấy ý kiến công khai và khi nào đa số người dân đồng thuận mới triển khai thực hiện”. Cách làm này đã đưa Ấp 5 giữ vững danh hiệu văn hóa, nhanh chóng đạt các tiêu chí, góp phần để xã Tân Lộc trở thành xã nông thôn mới vào cuối năm nay”.

Trong nhà mình, ông Chín không treo giấy khen hay thành tích. Thế nhưng, ông Lê Thành Tây, Bí thư Đảng ủy xã, cho biết: “Chi bộ Ấp 5 nhiều năm liền dẫn đầu về thành tích trong sạch vững mạnh, trong sạch vững mạnh tiêu biểu. Bí thư Chi bộ Lê Đoàn Kết là tấm gương mẫu mực, tận tụy, hết lòng với công việc, với nhân dân, ông luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của người Bí thư Chi bộ”.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *