Nhiệt huyết như cô Bảy Dung

Tranh thủ thời gian rảnh, cô Bảy Dung phụ các con vá lưới, chuẩn bị cho kịp chuyến ra khơi.

Trong tiết trời se lạnh, chị Nguyễn Ánh Nguyệt, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Tam Giang Tây, đón chúng tôi bằng nụ cười tươi rói, xua tan sự mệt mỏi của đường xa và cái “giận” sau nhiều lần lỡ hẹn. Chị bắt chuyện ngay: “Trong công tác Hội, Chợ Thủ B là một trong những ấp khó khăn nhất, việc tập hợp các chị vào Hội là việc làm không dễ, điều kiện đi lại của một xã ven biển cũng vô cùng khó khăn nhưng cô Dung đã làm được việc đó. Là lao động chính trong gia đình, vừa lo cho chồng bị bệnh vừa làm tốt công tác Hội, cô xứng đáng là tấm gương phụ nữ tiêu biểu, điển hình để mọi người học hỏi”.

Năm 2013, được mọi người tin tưởng bầu là Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp, gắn bó với hội viên phụ nữ, cô đã nắm bắt được tâm tư từng hội viên và trong sinh hoạt chi hội, cô luôn tạo điều kiện để hội viên chia sẻ buồn vui, cùng nhau xây dựng cuộc sống gia đình. Chính vì vậy mà cô được mọi người yêu mến, tin tưởng. Nhiệt tình với mọi người, chia sẻ khó khăn với hội viên nên cô rất được mọi người quý mến; đi đến đâu, làm gì cũng nhắc đến cô Bảy Dung.

Ấp Chợ Thủ B là ấp ven biển, đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn, phụ nữ nơi đây phải vất vả cùng chồng lo cho gia đình nên đâu hiểu tham gia vào Hội là như thế nào. Cô Bảy Dung phải lần lượt đến “gõ cửa” từng hộ gia đình để vận động chị em vào Hội. Để thu hút hội viên, cô tìm cách đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt Hội, vận động chị em đóng hội phí xây dựng quỹ để có nguồn thăm hỏi và giúp đỡ phụ nữ nghèo. Song song đó, cô còn vận động các chị em tham gia thực hiện tiết kiệm, tạo nguồn quỹ xoay vòng, nhằm giúp phụ nữ nghèo được vay vốn sản xuất. Đặc biệt cô còn thành lập tổ “Hũ gạo tình thương”, hỗ trợ mỗi hội viên nghèo 20kg gạo/tháng. Từ 164 hội viên, sau 3 năm, Chi hội đã có hơn 310 hội viên và là ấp đầu tiên xóa trắng được hội viên trên địa bàn xã. “Mô hình này phát triển khá tốt và dự định sẽ được nhân rộng tại các chi hội trên địa bàn xã”, chị Nguyệt cho biết.

Cô Bảy luôn làm tốt vai trò trong công tác Hội và công việc gia đình, chăm sóc chồng bị tai biến.

Cô Bảy còn là địa chỉ đáng tin cậy cho nhiều chị em có hoàn cảnh khó khăn cần giúp đỡ. Năm 2015, thương cho hoàn cảnh của chị Nguyễn Kiều Trang, chồng mất, để lại cho chị 2 đứa con nhỏ đang tuổi ăn, tuổi học; cô Bảy Dung lặn lội lên huyện vận động giúp đỡ. Trao được đồng vốn cho chị Trang, cô mừng đến rơi nước mắt, vì cô biết hai cháu nhỏ được tiếp tục đến trường và chị Trang sẽ có điều kiện để vươn lên phát triển kinh tế.

Chia sẻ về cách làm hay, cô Bảy Dung cười tươi: “Được tín nhiệm, tôi không thể phụ lòng mong mỏi của chị em. Vận động các chị em vào Hội bằng cách chia sẻ kinh nghiệm cuộc đời của chính tôi, chị em thấy đúng nên tự nguyện vào”.

Câu chuyện về cuộc đời của cô cũng nhiều nước mắt. Mỗi khi nhắc lại luôn nhận được sự cảm phục về tinh thần vượt khó của người phụ nữ chân yếu tay mềm. Sinh ra và lớn lên trên quê hương Tam Giang đầy nắng và gió; lập gia đình rồi hạnh phúc khi 5 người con lần lượt ra đời, nhưng cuộc sống cô cũng rất vất vả bởi không đất sản xuất, phương tiện duy nhất để mưu sinh là chiếc ghe cũ cùng với nghề đi biển của chồng. Sống tạm bợ, tằn tiện, đôi khi thiếu trước hụt sau nhưng cô vẫn quyết tâm nuôi 5 người con được đến trường.

Thương cảm cho hoàn cảnh của cô, Chi hội Phụ nữ ấp vận động cô vào hội và cho mượn vốn xoay vòng. Có vốn, cô bắt đầu nuôi heo, lúc rảnh thì vá lưới thuê, phụ cắt cá, làm mắm… cứ thế kinh tế gia đình cũng dần khởi sắc. Năm 2010, chồng cô bị tai biến liệt nửa người, kinh tế gia đình đi vào ngõ cụt. Vốn liếng dành dụm lần lượt “đội nón ra đi” mà căn bệnh của chồng không thuyên giảm, với hy vọng “còn nước còn tát” cô chạy vạy khắp nơi vay nợ gần 40 triệu đồng để tiếp tục trị bệnh cho chồng. Hết điều trị thuốc tây, rồi sang châm cứu, ai mách đâu có thầy hay là cô liền đưa chồng đến chạy chữa.

Cô Bảy Dung xúc động: “Nhớ lại thời gian ấy thật khó khăn, con trai út thì đang đi nghĩa vụ, 4 đứa lớn thì đã có gia đình riêng không thể phụ giúp được nhiều, chỉ một mình tôi với ổng nương tựa nhau. Nhờ trời thương sức khỏe của ổng cũng dần bình phục, dù mọi sinh hoạt đều phải nhờ vào tôi nhưng còn ổng bầu bạn là tôi mang ơn rồi”.

Khi hỏi bận chăm chồng như vậy thì thời gian đâu lo cho công việc của Hội, cô cười hiền cho biết, ở đây đi lại khó khăn, có hôm xuống nhà hội viên, gặp nước ròng, về không kịp, ngày nào có việc, cô phải dậy từ 3 giờ sáng, chuẩn bị cơm nước, làm vệ sinh và đút cho chồng ăn, rồi nhờ hàng xóm nhìn chừng giúp. Mặc dù bận rộn nhiều công việc nhưng cô vẫn sắp xếp chu đáo việc nhà. Dù mức phụ cấp rất khiêm tốn nhưng hằng ngày cô vẫn nhiệt tình và hết mình với công việc. Không chỉ tâm huyết với các phong trào tổ chức Hội, cô còn gương mẫu đi đầu trong phát triển kinh tế gia đình. Để vực dậy gia đình sau khó khăn, cô làm đủ mọi việc, từ vá lưới thuê, bán chuối nướng, nuôi heo, động viên người con trai út theo nghiệp cha phát triển nghề biển để tăng thêm thu nhập.

Vất vả là thế nhưng chưa bao giờ nghe cô than dù chỉ nửa lời, đi đâu, làm gì cô cũng lạc quan, nhiệt tình hướng dẫn, vận động chị em cùng nhau phát triển kinh tế, lo cho cuộc sống gia đình. Cô còn tham gia vào tổ hòa giải, chịu khó lắng nghe những bức xúc của hội viên, khuyên nhủ chị em vươn lên trong cuộc sống. Chính những việc làm ấy, cô thấy cuộc sống của mình ở tuổi xế chiều càng có ý nghĩa hơn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *