Nhiều bất ổn về an toàn giao thông đường thủy nội địa

Theo thống kê trong năm 2018, trên địa bàn tỉnh xảy ra 7 vụ TNGT đường thủy, làm chết 8 người. Hầu hết nguyên nhân dẫn đến TNGT đường thủy là do phương tiện đi đêm không đèn chiếu sáng, phóng nhanh, vượt ẩu, vi phạm quy tắc tránh vượt; nguyên nhân chính dẫn đến tử vong khi TNGT xảy ra là do không sử dụng áo phao, dụng cụ nổi khi đi trên phương tiện thủy.

Ngoài ra trong năm, thông qua kiểm tra, xử lý vi phạm, đoàn kiểm tra liên ngành đã phối hợp tổ chức 89 lượt, tổ chức kiểm tra 827 trường hợp, nội dung kiểm tra tập trung vào điều kiện hoạt động của phương tiện, thuyền viên, người lái phương tiện, các hành vi vi phạm quy định về xây dựng, bảo vệ và khai thác kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa, các hành vi vi phạm quy định về khai thác cảng, bến thủy nội địa… và phát hiện 219 trường hợp vi phạm. Theo đó, đoàn đã quyết định đình chỉ 65 trường hợp, nhắc nhở, khắc phục 87 trường hợp, lập biên bản xử phạt 67 trường hợp, với số tiền gần 130 triệu đồng.

Ông Phan Châu Trinh cho biết: Tình trạng tồn tại bến thủy nội địa hoạt động không phép, bến thủy nội địa hoạt động nằm trong hành lang an toàn cầu, gây mất an toàn cầu và vi phạm trật tự an toàn giao thông (ATGT) đường thủy nội địa vẫn diễn ra. Để xử lý, ngăn chặn hành vi vi phạm này, đoàn liên ngành cũng đã xây dựng kế hoạch chuyên đề phối hợp với Ban ATGT các huyện, thành phố triển khai xử lý quyết liệt (trong thời gian qua đã triển khai xử lý thí điểm bến thủy nội địa vi phạm khu vực cầu Khánh An, cầu Huỳnh Thúc Kháng và cầu Lương Thế Trân). Nhìn chung, quá trình triển khai thực hiện, các lực lượng cũng đã tổ chức tuyên truyền, nhắc nhở, vận động chủ quan tự giác chấp hành. Đồng thời cương quyết xử lý, đình chỉ hoạt động đối với đối tượng cố tình vi phạm. Tuy nhiên, trên thực tế, hoạt động của các bến vẫn tồn tại và gây mất trật tự ATGT đường thủy nội địa điển hình là khu vực cầu Lương Thế Trân và cầu Huỳnh Thúc Kháng.

Tình trạng tái lấn chiếm, đặt nò, đó, lú trên sông vẫn còn diễn ra.

Thêm vào đó, hoạt động thi công công trình trên đường thủy nội địa không tuân thủ nghiêm các biện pháp đảm bảo ATGT. Trong quá trình thi công không triển khai phương án bảo đảm ATGT theo quy định, gây mất trật tự ATGT đường thủy nội địa khu vực. Bên cạnh đó, Thường trực liên ngành cũng đã chỉ đạo cho các đoàn kiểm tra liên ngành tăng cường công tác kiểm tra đối với việc thi công công trình trên đường thủy nội địa. Qua công tác kiểm tra, các đoàn liên ngành đã phát hiện nhiều trường hợp vi phạm trong quá trình thi công (điển hình như các công trình thi công kè ven sông TP. Cà Mau và các công trình thi công bắc qua sông). Cụ thể là thi công không có phương án bảo đảm ATGT thủy, neo đậu phương tiện, thiết bị thi công gây cản trở giao thông thủy. Đồng thời, các đoàn liên ngành cũng đã xử phạt vi phạm hành chính trên 50 triệu đồng và đình chỉ thi công đối với các công trình vi phạm trên đường thủy nội địa.

Ông Trinh cho biết: “Thời gian tới, để thực hiện tốt công tác đảm bảo trật tự ATGT đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh, nhiệm vụ được đoàn liên ngành đặt ra là đôn đốc các cơ quan, đơn vị có liên quan trong việc quản lý, quy hoạch và cấp phép hoạt động các bến khách ngang sông (nếu đủ điều kiện) nằm trong khu vực TP. Cà Mau và trên các tuyến sông giáp ranh địa giới hành chính của hai tỉnh: Cà Mau, Bạc Liêu. Vì hiện nay tồn tại các bến chưa được cấp phép. Đồng thời đề xuất xử lý, giải quyết dứt điểm những bến khách ngang sông tranh chấp đã kéo dài nhiều năm nay, gây mất ATGT đường thủy nội địa”. Đồng thời đề nghị các ngành chức năng tăng cường công tác phối hợp kiểm tra, cương quyết xử lý các bến thủy nội địa hoạt động không phép nằm trong hành lang an toàn cầu vượt sông, hành lang bảo vệ luồng, có lộ trình quy hoạch, sắp xếp, kiên quyết di dời các bến thủy nội địa hoạt động trong hành lang an toàn cầu, khu vực luồng hẹp, nội ô thành phố, nhằm đảm bảo an toàn cho các cầu vượt sông và ATGT đường thủy nội địa khu vực. Kiến nghị tỉnh tiếp tục chỉ đạo các cấp, các ngành liên quan quan tâm, tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, xử lý vi phạm, ngăn chặn kịp thời đối với hành vi xâm phạm luồng và hành lang bảo vệ luồng, xây dựng công trình nhà ven sông lấn chiếm hành lang bảo vệ luồng (trên thực tế, hiện nay, một số tuyến sông, kênh trên địa bàn tỉnh xuất hiện tình trạng người dân vi phạm xây dựng công trình, nhà cửa vi phạm hành lang bảo vệ luồng). Tiếp tục giải tỏa vật chướng ngại, các hoạt động khai thác, nuôi trồng thủy sản trên luồng (mặc dù các địa phương đã tích cực triển khai giải tỏa nhưng trên thực tế ở một số tuyến sông, kênh vẫn còn tình trạng tái lấn chiếm).

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *