Quyết tâm giữ màu xanh rừng U Minh Hạ!

Do là rừng nguyên sinh nên khi có sự cố xảy ra sẽ rất khó chữa cháy tại Vườn Quốc gia U Minh Hạ. Vì thế, đơn vị đề cao công tác tuyên truyền, ký cam kết với người dân vùng đệm, ký liên kết với các đơn vị chữa cháy…

Xây đường “băng trắng” bảo vệ rừng nguyên sinh

Thường xuyên xuống địa bàn đôn đốc lực lượng đề cao cảnh giác, những ngày này, ông Huỳnh Minh Nguyên không ngày nào vắng mặt tại Vườn Quốc gia U Minh Hạ, nơi mà ông được giao nhiệm vụ làm người đứng đầu bảo vệ và phát triển trên 800 ngàn hecta rừng nguyên sinh được công nhận là Khu dự trữ sinh quyển của thế giới. “10/14 tổ máy đã được bố trí xuống địa bàn. Các chốt, trạm đều đã ứng trực 24/24 giờ”, Giám đốc Vườn Quốc gia U Minh Hạ thông tin, đồng thời cho biết đơn vị đã thành lập các tổ, luồn rừng hằng ngày, vừa tuần tra quản lý vừa đánh giá sát thực trạng khô hạn nhằm kịp thời, chủ động bổ sung, thay đổi phương án phòng cháy chữa cháy rừng.

Tuy nhiên, đặc thù Vườn là rừng nguyên sinh với lớp thực bì và than bùn rất dày, ông Nguyên lo lắng rằng khi xảy ra sự cố thì sẽ rất khó chữa. Đánh giá được tình hình này, lần đầu tiên Vườn triển khai xây dựng đường “băng trắng” với mặt đường 3m, vừa thuận tiện trong cơ động lực lượng, vừa là đường băng ngăn cản cháy lan. Hiện, gần 1.500 lực lượng đang có mặt trực canh, theo dõi sát sao mọi diễn biến của rừng. Cùng với đó, các đơn vị huấn luyện dân quân tự vệ cũng đang tập trung quân số kề cận Vườn, sẵn sàng cơ động khi có lệnh. “Sẽ cố gắng hết sức nhằm làm giảm nguy cơ cháy rừng mùa khô năm nay”, ông Huỳnh Minh Nguyên bày tỏ quyết tâm.

Một số khu vực gò cao, mức cảnh báo cháy rừng đã nâng nên cấp cực kỳ nguy hiểm, chỉ một sơ xuất nhỏ cũng có thể gây cháy lớn, cháy lan.

Chủ động điều chỉnh phương án phòng cháy chữa cháy rừng

Là đơn vị sản xuất kinh doanh, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ hiện đang quản lý 19.000ha và có khoảng 3.000ha rừng giao khoán cho người dân. “Hầu hết rừng được trồng thâm canh theo nhu cầu thị trường. Những năm qua, kinh tế rừng phát triển khá nhanh nên người dân quyết tâm bảo vệ tài sản, góp phần giảm áp lực cho đơn vị trong công tác phòng cháy chữa cháy rừng”, Giám đốc Công ty, ông Trần Văn Hiếu chia sẻ.

Phương án phòng cháy chữa cháy rừng được Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ chủ động điều chỉnh theo tình hình thời tiết đang diễn biến phức tạp. Tại những vị trí khô hạn, đơn vị xây dựng những hố chứa nước nhỏ trữ lượng khoảng 60m3 nước/hố, cùng với đó là cắt cử một tổ máy bơm nhỏ ứng trực. Khi có sự cố, tổ máy này sẽ là tuyến đầu và sự hỗ trợ ngay sau đó của 18 tổ máy bơm lớn được cơ động tiếp sức kịp thời.

Biện pháp chữa cháy rừng tại Cà Mau được triển khai theo phương án: Tạo đường băng cản lửa, khoanh vùng cô lập đám cháy; áp dụng biện pháp “đốt trước có kiểm soát” để chữa cháy khi có đủ điều kiện cho phép; đào kênh, mương, rãnh để chống cháy ngầm và chữa cháy.

“Cà Mau đang vào cao điểm, trong đó ưu tiên toàn lực bảo vệ phân khu chức năng rừng nguyên sinh Vườn Quốc gia U Minh Hạ”, ông Lê Văn Hải, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Cà Mau chia sẻ, đồng thời cho biết sẽ tiếp tục phát huy thành tích mùa khô 2018 – 2019 khi không để xảy ra cháy. Cà Mau hiện đã chủ động và sẵn sàng về con người, phương tiện cho phòng cháy và chữa cháy rừng, quyết tâm bảo vệ an toàn rừng U Minh Hạ, giảm thiểu thiệt hại thấp nhất khi có sự cố.

“Vai trò của chủ rừng và UBND huyện, xã trong quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng ngày càng được nâng cao. Sự phối hợp giữa lực lượng kiểm lâm với các chủ rừng, các địa phương và các lực lượng liên quan (công an, bộ đội, biên phòng) chặt chẽ và thường xuyên hơn, đem lại kết quả cao hơn. Các thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh, các ban chỉ đạo huyện đã chủ động chỉ đạo quyết liệt, kịp thời và sâu sát.”

Ông Trần Văn Thức – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *