Tạo được lòng tin trong người dân đối với bộ máy nhà nước

Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch UBND huyện Thới Bình, cho biết: “CCHC là mặt công tác quan trọng, tác động trực tiếp đến việc phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương, đặc biệt là góp phần quan trọng vào việc hoàn thành mục tiêu xây dựng một nền hành chính hiện đại, hiệu quả, tăng tính phục vụ người dân. Trước tầm quan trọng ấy, trong những năm qua, thực hiện kế hoạch của tỉnh, UBND huyện đều có xây dựng kế hoạch cụ thể, kịp thời triển khai đến các ngành, đơn vị. Qua đó, đều được các ngành, các cấp quan tâm triển khai tất cả 6 nội dung; trong quá trình thực hiện có sơ kết, tổng kết đánh giá thường xuyên. Công tác CCHC đã được cấp ủy, chính quyền quan tâm chỉ đạo, các quy định của cấp trên đều được triển khai thực hiện kịp thời”.

Tất cả các thủ tục hành chính đều được niêm yết công khai theo quy định.

Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo

Công tác kiểm soát TTHC được quan tâm thường xuyên và có sự chuyển biến, các TTHC được công khai minh bạch, kỷ luật, kỷ cương hành chính được nâng cao. Tất cả các TTHC thực hiện theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đến liên hệ thực hiện, giảm thời gian và chi phí thực hiện.

Một số cơ quan, đơn vị được sáp nhập, giải thể, kịp thời giúp cho bộ máy huyện gọn nhẹ, giảm đầu mối, phát huy hiệu quả trong hoạt động; sự chấp hành, thực thi công vụ của công chức, viên chức (CC,VC) có nhiều tiến bộ; công tác kiểm tra, đôn đốc thực hiện đúng theo quy định.

Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện, cấp xã được kiện toàn đi vào hoạt động ngày càng hiệu quả, tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả ngày càng chặt chẽ, chuyên nghiệp, tỷ lệ hồ sơ trễ hẹn giảm, từ đó nâng cao mức độ hài lòng của tổ chức, cá nhân trong thực hiện TTHC.  

Hằng năm, UBND huyện đều ban hành Kế hoạch kiểm tra và thành lập Đoàn kiểm tra CCHC tại các đơn vị trực thuộc và tiến hành kiểm tra tại các đơn vị xã, thị trấn 2 đợt/năm, mỗi đợt 6/12 xã, thị trấn, đạt tỷ lệ 100% so với kế hoạch. Qua công tác kiểm tra, đoàn kiểm tra đã chỉ ra những mặt làm được, chưa được của đơn vị và đề nghị đơn vị khắc phục nhằm thực hiện tốt hơn trong công tác CCHC. Từ đó, ý thức trách nhiệm của cán bộ, CC,VC trong thực hiện nhiệm vụ CCHC được nâng lên; bộ máy hành chính nhà nước hoạt động hiệu quả hơn, nhất là việc giải quyết TTHC cho tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp, được người dân đánh giá cao…

Ông Dũng cho biết thêm, hàng năm, UBND huyện đều ban hành Kế hoạch tuyên truyền công tác CCHC, đẩy mạnh nhiều hình thức tuyên truyền nhằm triển khai sâu rộng đến từng cán bộ, CC,VC và người dân. Cụ thể, tuyên truyền thông qua các hình thức: Lồng ghép nội dung tuyên truyền CCHC vào các cuộc hội nghị, họp báo, họp cơ quan, công tác phổ biến giáo dục pháp luật, các sự kiện quan trọng của địa phương, Trang thông tin điện tử huyện; Đài truyền thanh huyện thực hiện xây dựng chuyên mục CCHC, phát thanh định kỳ mỗi tháng 1 lần… Ngoài ra, tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả huyện và các xã, thị trấn thực hiện tuyên truyền bằng 2 khẩu hiệu: “Sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp là mục tiêu phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước” và “Trách nhiệm của công chức đối với nhân dân: Đón tiếp niềm nở; hướng dẫn tận tình; giải quyết TTHC nhanh chóng đúng quy định”.  Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả huyện tuyên truyền về dịch vụ công trực tuyến trên màn hình tivi tại Bộ phận; cử công chức hướng dẫn tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ trực tuyến khi có yêu cầu. Từ đó, góp phần nâng cao nhận thức về CCHC cho cán bộ, CC,VC và nhân dân.

Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức

Năm 2016, huyện xây dựng Đề án vị trí việc làm và được UBND tỉnh phê duyệt. Triển khai thực hiện, tổng số biên chế cán bộ, CC,VC không tăng so với biên chế được giao khi sắp xếp, bố trí lại theo Đề án vị trí việc làm. Năm 2017, huyện đã xây dựng lại Đề án vị trí việc làm theo hướng kiện toàn, tinh gọn trình UBND tỉnh phê duyệt. Đến nay, tỷ lệ CC,VC được bố trí phù hợp với vị trí việc làm là 93,86%.

Năm 2019, huyện xây dựng Đề án vị trí việc làm và được UBND tỉnh phê duyệt, bố trí viên chức đúng theo đề án. Thực hiện tinh giản biên chế đối với những người không phù hợp và không đủ năng lực về chuyên môn nghiệp vụ, đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ hoặc hoàn thành nhiệm vụ nhưng chưa đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ mới. Việc thực hiện đổi mới công tác tuyển dụng, thăng hạng viên chức theo nguyên tắc cạnh tranh; đổi mới công tác đánh giá, phân loại cán bộ, CC,VC. “Việc tuyển dụng, sử dụng cán bộ, CC,VC được thực hiện trên cơ sở phân cấp của UBND tỉnh và các nghị định của Chính phủ. Song song với việc tinh giản biên chế theo chủ trương, UBND huyện cũng thực hiện việc tuyển dụng để đảm bảo đội ngũ kế thừa, trong đó thực hiện nghiêm chủ trương của UBND tỉnh là đảm bảo công chức tuyển mới không quá 50% số công chức đã thực hiện tinh giản biên chế và không quá 50% số công chức đã được giải quyết chế độ nghỉ hưu hoặc thôi việc tại cơ quan chuyên môn có nhu cầu tuyển dụng. Việc thực hiện thi thăng hạng viên chức theo nguyên tắc cạnh tranh theo quy định mới tại Nghị định số 161/2018/NĐ-CP”, ông Trần Văn Dũng cho biết.

Bên cạnh đó, huyện chú trọng đổi mới công tác đánh giá, phân loại cán bộ, CC,VC: Hằng năm, UBND huyện có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn đến toàn bộ các cơ quan, đơn vị hành chính, sự nghiệp, các xã, thị trấn thực hiện đánh giá, phân loại cán bộ, CC,VC, nhân viên; gắn với nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc đánh giá cán bộ, công chức. Kết quả đánh giá là căn cứ để bố trí, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng, khen thưởng, kỷ luật và thực hiện chính sách đối với cán bộ, công chức. Việc đánh giá, phân loại cán bộ, công chức được gắn với các tiêu chí cụ thể cho từng đối tượng trong các loại hình tổ chức, cơ quan, đơn vị; gắn với chất lượng, hiệu quả công việc.

Ngoài ra, việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính và đạo đức công vụ của cán bộ, CC,VC cũng được địa phương xác định là nhiệm vụ quan trọng. Địa phương xem đây là nhân tố quan trọng trong việc chấn chỉnh đội ngũ cán bộ, công chức trong thực thi công vụ. Sau triển khai thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, đã có nhiều chuyển biến tích cực, kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm của đội ngũ công chức đã được nâng lên. Các hiện tượng gây phiền hà, nhũng nhiễu trong cán bộ, công chức thực thi công vụ, giải quyết các TTHC đối với tổ chức, doanh nghiệp đã được hạn chế. Các hiện tượng bỏ giờ làm việc, “đi muộn, về sớm” đã giảm hẳn; không có tình trạng cán bộ sử dụng bia, rượu, đồ uống có cồn trong giờ làm việc, giờ nghỉ trưa. Đã tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, tỉnh về chấn chỉnh và tăng cường kỷ luật, siết chặt kỷ cương hành chính. Thông qua các cuộc kiểm tra đột xuất đã triển khai thực hiện công tác kiểm tra việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính; văn hóa công sở; trách nhiệm và đạo đức ứng xử, giao tiếp của cán bộ, CC,VC trong thi hành nhiệm vụ, công vụ.

Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, công tác cải cách hành chính ở huyện Thới Bình đã có những chuyển biến tích cực, tạo được lòng tin đối với người dân.

Xác định nhiều nhóm nhiệm vụ quan trọng

Theo Chủ tịch UBND huyện, để đưa hoạt động CCHC của địa phương phát triển trong môt giai đoại mới, huyện đã xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện với nhiều nhóm nhiệm vụ quan trọng. Trong đó sẽ thực hiện tự kiểm tra, kiểm tra 100% văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) theo thẩm quyền và đề xuất xử lý văn bản QPPL có dấu hiệu trái pháp luật (nếu có). Đồng thời, thực hiện hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ đối với công tác kiểm tra, rà soát và hệ thống hóa văn bản QPPL trên địa bàn huyện. Thường xuyên thực hiện rà soát những văn bản QPPL không còn phù hợp, không cần thiết với tình hình thực tế của địa phương để đề xuất UBND huyện ban hành mới, hủy bỏ, bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với quy định hiện hành.

Tiếp tục chỉ đạo kịp thời niêm yết công khai TTHC mới ban hành; thực hiện tốt việc rà soát, thống kê các TTHC còn thiếu, hoặc đề nghị sửa đổi, cắt giảm và đơn giản hóa thủ tục rườm rà, không phù hợp. Thực hiện tốt công tác tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính; đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện TTHC của các cơ quan hành chính nhà nước trong phạm vi quản lý của huyện. Tăng cường kiểm tra, chỉ đạo công tác CCHC, giải quyết TTHC tại các đơn vị (các cuộc kiểm tra theo kế hoạch hàng năm và đột xuất); thực hiện nghiêm việc xin lỗi tổ chức, cá nhân nếu giải quyết hồ sơ trễ hẹn.

Tiến hành rà soát vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và biên chế của các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập để điều chỉnh, sắp xếp lại hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền điều chỉnh, sắp xếp lại các cơ quan, tổ chức bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển. Đẩy mạnh phân cấp quản lý trên các lĩnh vực nhằm đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính, tạo sự chủ động và nâng cao năng lực của từng cấp, từng ngành trong CCHC. Tiếp tục xác định rõ phạm vi và nội dung quản lý nhà nước về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan chuyên môn và các đơn vị sự nghiệp trực thuộc. Trên cơ sở đó, xác định chuyển giao những công việc mà cơ quan hành chính nhà nước không nên làm hoặc làm hiệu quả thấp cho xã hội, các tổ chức xã hội đảm nhận theo đúng quy định của pháp luật.

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức. Thực hiện sắp xếp, bố trí CC,VC phù hợp chuyên môn theo vị trí việc làm được phê duyệt; đề bạt, bổ nhiệm bảo đảm sát thực tế trên cơ sở kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao; xây dựng đội ngũ cán bộ, CC,VC có số lượng, cơ cấu hợp lý, đủ trình độ và năng lực thực thi công vụ, phục vụ nhân dân. Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, CC,VC; quan tâm bồi dưỡng kỹ năng giao tiếp cho cán bộ, CC,VC thường xuyên tiếp xúc với công dân. Việc xây dựng kế hoạch đào tạo cán bộ, CC,VC hàng năm phải dựa trên cơ sở yêu cầu thực tế của công việc và có tính khả thi cao. Bảo đảm, hàng năm thực hiện đạt 100% kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đề ra…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *