Tiêu chí số 13 “làm khó” xã nông thôn mới

Các địa phương chủ động liên kết với các ngành chức năng, mở các lớp tập huấn tại cơ sở cho các THT, HTX góp phần giúp tổ viên, thành viên THT, HTX nâng cao hiệu quả sản xuất .(Ảnh chụp tại Trụ sở sinh hoạt văn hóa Ấp 1, xã Tân Lộc Bắc, huyện Thới Bình).

Nội dung của tiêu chí số 13 nêu rõ, để đạt tiêu chí này mỗi xã phải có ít nhất một hợp tác xã (HTX) hoặc tổ hợp tác (THT) hoạt động hiệu quả, số hộ nông dân tham gia là xã viên và có góp vốn chiếm 50% tổng số hộ nông dân trên địa bàn, để từ đó nâng cao thu nhập cho người dân. Ngoài ra, theo quy định, một HTX hiệu quả phải thực hiện được các dịch vụ cơ bản: Thủy lợi, cung cấp cây trồng, con giống và tiêu thụ nông sản; hoạt động ổn định, làm ăn có hiệu quả trong 3 năm liên tiếp; đồng thời phải thực hiện được chế độ kế toán thống kê, báo cáo tài chính… Để thỏa mãn được trọn vẹn các yêu cầu trên, ngay cả các địa phương đã hoàn thành tiêu chí này cũng vẫn còn “gượng ép”. Bởi đa số các xã trên địa bàn tỉnh hiện nay có THT hoặc HTX nhưng hoạt động sản xuất kinh doanh còn mang tính manh mún, nhỏ lẻ, lợi nhuận ít, hiệu quả hoạt động không cao. Nhiều thành viên sau khi tham gia chưa thật sự thiết tha với mô hình này.

Lợi nhuận kéo theo hiệu quả hoạt động của HTX là một trong những yếu tố quyết định “tuổi thọ” của HTX, THT. Tính đến nay, các địa phương trong tỉnh đã thành lập mới 68 THT, 19 HTX, nâng tổng số HTX trong toàn tỉnh hiện có 167 HTX. Trong đó, ở lĩnh vực nông nghiệp có 94 HTX, thì chỉ có khoảng 20 HTX hoạt động ở loại hình dịch vụ nông nghiệp làm ăn hiệu quả. Phần lớn các HTX còn lại là sản xuất con giống và nuôi trồng thủy sản đang gặp nhiều khó khăn (khoảng 20% có lợi nhuận khá, 30% hòa vốn, số còn lại đều thua lỗ).

Cải tiến phương thức sản xuất, đảm bảo đầu ra, qua đó góp phần nâng cao thu nhập, ổn định cho người tham gia là yếu tố quyết định thành công hay thất bại của THT, HTX.

Ông Trần Quốc Việt, Giám đốc HTX nuôi tôm công nghiệp Thành Công (xã Tân Dân, huyện Đầm Dơi), cho biết: Việc thành lập HTX, THT không khó, nhưng để duy trì hoạt động có hiệu quả thì vô cùng khó. Bởi khi lợi ích, lợi nhuận thành viên được đảm bảo cao hơn so với trước đây, thì mới thu hút anh em tình nguyện tham gia và gắn bó lâu dài với mô hình này.

Ông Nguyễn Đông Dương, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Lý Văn Lâm (TP. Cà Mau), thông tin: Với sự vào cuộc giúp sức nhiệt tình của các sở, ngành liên quan, mô hình trồng rau an toàn theo hướng VietGAP của HTX dịch vụ nông nghiệp Lý Văn Lâm dần đi vào nền nếp và hoạt động hiệu quả, hộ tham gia đã thực hiện canh tác 5 loại rau theo quy trình kỹ thuật VietGAP: Cải xanh, rau muống, dưa leo, khổ qua, cà chua. Năng suất bình quân đạt khoảng 8,5 tấn/ha với tổng thu nhập hơn 120 triệu đồng/ha, tăng 15 – 20% so với trước đây. Sau khi trừ chi phí, người dân thu lợi nhuận trên 70 triệu đồng/ha. Thông qua hợp đồng bao tiêu thu mua cho người dân thì HTX sẽ liên kết với doanh nghiệp nhằm đảm bảo đầu ra cho sản phẩm. Đồng thời, mục tiêu trong năm nay, đơn vị sẽ xây dựng được 5/9 điểm bán lẻ; mở rộng diện tích từ 5ha lên 10ha…

Các thành viên HTX nuôi tôm công nghiệp Thành Công rất phấn khởi khi được cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi tôm, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, nhưng lo ngại lớn nhất của các thành viên là chưa kết nối được với doanh nghiệp, tìm đầu ra ổn định cho người nuôi.

Thực tế cho thấy, rào cản lớn nhất khiến các HTX, THT khó tồn tại là khâu giải quyết đầu ra cho sản phẩm. Do đó, để xây dựng HTX hoạt động hiệu quả, tỉnh đang thực hiện Kế hoạch số 22/KH-UBND ngày 27/3/2017 về triển khai thực hiện Quyết định số 445/QĐ-TTg ngày 21/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Thí điểm hoàn thiện, nhân rộng mô hình HTX kiểu mới tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, giai đoạn 2016 – 2020”. Qua đó, đã chọn 15 HTX thí điểm, tập trung đầu tư về quản lý, cơ sở hạ tầng, hỗ trợ liên kết làm cơ sở nhân rộng. Bước đầu, các HTX đều mở rộng về quy mô sản xuất, nhất là các HTX sản xuất lúa do liên kết được với doanh nghiệp đầu ra nên đã tăng diện tích, sản lượng vùng nguyên liệu của HTX. Chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kết nối 22 doanh nghiệp ký kết 61 lượt hợp đồng hợp tác phát triển chuỗi giá trị ngành hàng tôm với 15 HTX/THT (800 hộ, diện tích 1.323,3ha) để cung ứng vật tư đầu vào và xây dựng vùng nguyên liệu tôm có chứng nhận quốc tế, gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm; phối hợp với các tổ chức phi chính phủ hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ dân thực hành nuôi tôm bền vững có trách nhiệm theo các tiêu chuẩn… Đối với lĩnh vực trồng trọt, các ngành chức năng liên quan đã tổ chức 5 cuộc hội thảo kết nối các doanh nghiệp với HTX trong lĩnh vực sản xuất lúa, chuối, rau màu tập trung. Bước đầu, đã xây dựng được chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa cao sản an toàn tại xã Khánh Bình Tây, Khánh BìnhTây Bắc, Khánh Bình Đông, huyện Trần Văn Thời; chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa tôm đặc sản an toàn tại xã Trí Lực, Trí Phải, huyện Thới Bình, chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ rau màu xã Lý Văn Lâm. Đối với lĩnh vực lâm nghiệp: Đã thành lập 1 HTX sản xuất tổng hợp ở khu vực rừng tràm; đang hoàn thiện 1 mô hình kinh tế hợp tác liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm gỗ keo lai; tiếp tục duy trì và phát triển mô hình nuôi tôm dưới tán rừng để đạt 30.000ha tôm – rừng được chứng nhận vào năm 2020.

Hiện nay, tỉnh đã và đang tiếp tục đẩy mạnh tìm kiếm, thu hút, mời gọi các doanh nghiệp liên kết với các HTX theo hướng đặt hàng. Các doanh nghiệp cung ứng giống, vốn, quản lý kỹ thuật, quy trình sản xuất, chất lượng và bao tiêu sản phẩm; các HTX tổ chức sản xuất theo hợp đồng liên kết. Từ đó sẽ giúp các HTX nâng cao trình độ quản lý và tổ chức sản xuất… Qua đó góp phần nâng cao thu nhập một cách bền vững cho người dân, tạo nguồn lực trong dân chung tay cùng địa phương xây dựng NTM và giúp các địa phương, nhất là các xã NTM hoàn thành tiêu chí số 13.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *