Tổng Bí thư Đỗ Mười Nhà lãnh đạo tài năng của sự nghiệp đổi mới

Những quyết sách đổi mới sáng tạo

Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười được coi là một trong những “nhân vật xuất sắc” của thời đại về kế thừa và thực hiện đường lối đổi mới của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, đưa đất nước thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu. Ông cũng là lãnh tụ điển hình, được coi là “nhân vật lịch sử của thời đại” về đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới chủ nghĩa xã hội của Việt Nam ở thế kỷ XX.

Cuối thập niên 80 của thế kỷ XX, mặc dù nước ta thực hiện đường lối đổi mới từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 6 (tháng 12/1986), song nền kinh tế lúc ấy vẫn đang ở “chặng đường thai nghén”. Lý do của “chặng đường thai nghén” đó là vì dân tộc phải gánh chịu thiệt hại nặng nề về tàn dư sau chiến tranh; cơ chế kinh tế “tập trung bao cấp, bình quân đầu người” đã ít nhiều “ăn, bám” vào lối nghĩ người dân; sự “bắt nhịp” vào đổi mới chậm chạp; nền kinh tế giữa các vùng, miền bộc lộ nhiều hạn chế, gọi là “sức ì chưa thoát tư duy cũ”…

Trước thực tiễn đó, Tổng Bí thư Đỗ Mười đã đề ra nhiều chủ trương, quyết sách có tính chất “đột phá”, phát triển nền kinh tế đất nước và củng cố tăng cường sự lãnh đạo của Đảng.

Những quyết sách của Tổng Bí thư đưa ra đó là: “Tiếp tục đổi mới ổn định vững chắc tình hình tạo thế phát triển mạnh hơn” (năm 1991); “Về con đường xây dựng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam” (năm 1992); “Sửa đổi Hiến pháp, xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam, đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới” (năm 1992); “Phát huy vai trò của Quốc hội, xây dựng nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân” (năm 1992); “Thể hiện khát vọng của nhân dân về chân – thiện – mỹ” (năm 1993); “Đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng Đảng, nhiệm vụ then chốt trong giai đoạn mới” (năm 1994); “Trí thức Việt Nam trong sự nghiệp đổi mới xây dựng đất nước” (năm 1995)…

Khi chưa giữ chức Tổng Bí thư của Đảng, với trách nhiệm là Phó Chủ tịch rồi Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, đồng chí Đỗ Mười đã cùng với nhiều đồng chí lãnh đạo và các cán bộ đi sâu đi sát cơ sở, nghiên cứu tìm tòi từ thực tiễn, đề xuất với Đảng và Chính phủ nhiều giải pháp sáng tạo trong lãnh đạo điều hành để thực hiện những bước đi quan trọng về phát huy dân chủ trong kinh tế, từng bước đổi mới mô hình phát triển kinh tế. Nhờ đó, những khó khăn của nền kinh tế dần được tháo gỡ, sản xuất và đời sống nhân dân được từng bước cải thiện.

Trên cơ sở phát huy nội lực, từ một nước nghèo nàn, lạc hậu, Việt Nam đã kiềm chế được lạm phát phi mã từ 774% năm 1986 xuống 34% năm 1989, 14% năm 1992. Đời sống của nhân dân từng bước được cải thiện và đi vào ổn định; xóa bỏ hoàn toàn tàn dư bao cấp, bình quân đầu người; nhà nhà thi đua làm kinh tế giỏi; ngành ngành thi đua thực hiện đổi mới; toàn dân phấn khởi; toàn Đảng quyết tâm, dân tộc bừng sáng bước vào thời đại mới.

New Zealand đón Tổng Bí thư Đỗ Mười thăm chính thức, tháng 7/1995.

Nhà ngoại giao tài năng

Gắn liền với sự nghiệp đổi mới đất nước, Tổng Bí thư Đỗ Mười là người “kết nối, truyền tình cảm” làm cho Việt Nam và Mỹ xích lại gần nhau.

Từng là đất nước đem quân sang xâm lược và cấm vận Việt Nam toàn diện trên nhiều mặt; qua hàng trăm cuộc đàm phán cấp quốc gia đề nghị Mỹ bỏ cấm vận Việt Nam, song mãi đến năm 1995, tức là sau 23 năm kể từ ngày Việt Nam giải phóng đất nước thống nhất, Tổng thống Mỹ Bill Clinton mới tuyên bố chính thức bình thường hóa quân hệ ngoại giao với Việt Nam ngày 11/7.

Sự việc ấy được nhân dân Việt Nam nức lòng ủng hộ, thế giới khâm phục tài trí xử lý của Việt Nam, và không quên đánh giá tài năng ngoại giao của Tổng Bí thư Đỗ Mười, mở ra thời kỳ mới cho ngoại giao Việt Nam bắt đầu tỏa sáng trên chính trường quốc tế.

Sinh thời, Tổng Bí thư Đỗ Mười nói một câu rất nổi tiếng “Việt Nam sẵn sàng là bạn với tất cả các nước”. Quan điểm ấy được đánh giá như một nguyên tắc chiến lược thời kỳ hội nhập và phát triển với nền kinh tế toàn cầu, sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia trong hiện tại và tương lai. Từ quan điểm “là bạn với tất cả các nước trên thế giới” của Tổng Bí thư Đỗ Mười, Việt Nam đã thực hiện, từng bước đẩy mạnh quan hệ quốc tế. Sự nghiệp đổi mới thành công của Việt Nam sau 32 năm với nền kinh tế phát triển không ngừng, nền chính trị ổn định, đã minh chứng công lao kế thừa, thúc đẩy và phát triển của Tổng Bí thư Đỗ Mười. Thế giới đánh giá ông là chính khách quốc tế tài năng, là một trong những nhà ngoại giao giỏi của Việt Nam ở thế kỷ XX.

Tổng Bí thư Đỗ Mười nói chuyện thân mật với nhân dân xã Lê Lợi, huyện Thường Tín (Hà Tây cũ), ngày 1/11/1992.

Nhà lãnh đạo gần dân, thương yêu nhân dân

Vào những năm 70 của thế kỷ XX, hình ảnh Thứ trưởng Bộ Thương nghiệp, rồi Bộ trưởng Bộ Nội thương Việt Nam, ông mặc quần áo giản dị xắn quần lội nước cùng với dân; đi vào các khu vực bị úng lụt, xuống đồng cùng bà con khắc phục khó khăn khiến người dân đồng cảm, khâm phục, xúc động. Đến năm 1991, khi được bầu giữ chức Tổng Bí thư của Đảng, tác phong gần dân, giản dị ấy vẫn được nhân dân kính trọng khâm phục. Đó là những lần đến thăm với bà con ở Hải Dương, Bắc Ninh, Hà Nội. Lần nào Tổng Bí thư cũng hỏi thăm sức khỏe, công việc làm ăn, lắng nghe, trăn trở ý kiến đề đạt của nhân dân để sau đó bàn với Bộ Chính trị đề ra những chủ trương, chính sách hợp lý, có lợi cho dân.

Cho đến bây giờ, sau 21 năm Tổng Bí thư Đỗ Mười nghỉ hưu theo chế độ, người dân Việt Nam không thể nào quên vị Tổng Bí thư bắt tay thân mật cụ bà cao tuổi ở xã Lê Lợi, huyện Thường Tín, Hà Nội tháng 11/1992 khi về thăm nhân dân ở đây. Trước nhân dân, Tổng Bí thư ân cần động viên: Dân mình còn nghèo nhưng chí mình đã mạnh. Chúng ta phải phấn đấu làm kinh tế giỏi, dân ấm no, Nhà nước vững mạnh để sánh vai cùng bạn bè thế giới. Chúng ta là nước nhỏ, nhưng lớn về ý chí, mạnh về tự lực tự cường…

Tổng Bí thư Đỗ Mười đã từ trần ở tuổi 101, sau 6 tháng điều trị ở Viện Quân y 108, Bộ Quốc phòng. Quy luật tạo hóa “sinh – lão – bệnh – tử” của mỗi đời người là lẽ thường; song sự ra đi của Tổng Bí thư Đỗ Mười vẫn để lại tiếc nuối trong lòng nhân dân. Người dân Việt Nam mãi biết ơn Tổng Bí thư Đỗ Mười về tác phong gần dân, gần gũi thương yêu. Những người cộng sản chân chính nhớ mãi tinh thần làm việc tận tụy và trình độ lý luận sắc bén với nhiều đóng góp trong công tác xây dựng Đảng của ông. Bè bạn thế giới khâm phục ông về tài trí ngoại giao.

Xin vĩnh biệt Tổng Bí thư Đỗ Mười!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *