Trăn trở với tiêu chí hộ nghèo

Tỷ lệ hộ nghèo còn cao

Trở lại Đông Thới vào những ngày này mới thấy được sự “thay da đổi thịt” của một xã nghèo. Lộ nhựa khang trang, nhà cao tầng mọc lên đông đúc. Đời sống người dân từng bước được cải thiện. Ông Bùi Hoàng Vũ, Chủ tịch UBND xã, phấn khởi: “Năm 2017, xã giảm tỷ lệ hộ nghèo được trên 2,04%, tương đương 59 hộ nghèo và 38 hộ cận nghèo”.

Ông Nguyễn Văn Lên, Bí thư Chi bộ ấp Khánh Tư, cho biết: “Trước đây, hộ dân tộc nghèo còn nhiều khó khăn, nhưng nhờ chí thú làm ăn, biết vươn lên trong cuộc sống, đã có nhiều hộ xin thoát nghèo, có hộ có của ăn, của để”. Những hộ có đất thì đầu tư sản xuất, nuôi nhiều vật nuôi trên cùng diện tích như mô hình tôm – cua – sò huyết. Hộ nào không đất sản xuất thì mò sò dưới sông, làm thuê, hay có những hộ làm giàu nhờ biết cách vèo sò giống, nhưng số này không có nhiều.

Điệp khúc được mùa – mất giá là nguyên nhân khiến các hộ khó thoát nghèo.

Năm 2018, tổng số hộ nghèo của xã là 188 hộ (727 khẩu), chiếm 9,92% và 86 hộ cận nghèo (318 khẩu), chiếm 4,53%. Nguyên nhân căn cơ để Đông Thới có tỷ lệ hộ nghèo còn cao là do toàn xã có 127 hộ đồng bào dân tộc, 39 hộ nghèo. Trong đó, ấp Khánh Tư có 78 hộ (25 hộ nghèo, 5 hộ cận nghèo). Tỷ lệ hộ dân tộc nghèo còn chiếm tỷ lệ khá cao. Ông Vũ chia sẻ: “Đa số đồng bào dân tộc con đông, ra riêng không đất, nên họ chỉ sống bằng cách làm thuê, dẫn đến thu nhập bấp bênh, khó có khả năng thoát nghèo”.

Xã đang phấn đấu đến cuối năm có 10 hộ dân tộc thoát nghèo (9 hộ nghèo và 1 hộ cận nghèo). Tuy nhiên, con số này vẫn còn khá khiêm tốn đối với một xã có tỷ lệ hộ nghèo cao như Đông Thới. Để giảm được trên 2% hộ nghèo đã là nỗ lực đáng khích lệ của cả hệ thống chính trị và sự chung lòng của nhân dân. Dù địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động với mục đích “mưa dầm thấm lâu”, nhưng kết quả vẫn chưa được như mong đợi.

Loay hoay tìm cách thoát nghèo

Về câu chuyện tìm hướng thoát nghèo, Chủ tịch UBND xã Bùi Hoàng Vũ cho biết thêm: “Thời gian tới, xã cho triển khai nhân rộng các mô hình chăn nuôi có hiệu quả để bà con áp dụng, tăng cường cán bộ khuyến nông, khuyến ngư hướng dẫn người dân xây dựng các mô hình sản xuất theo cách “cầm tay chỉ việc”. Đồng thời, đối với những hộ nghèo không đất sản xuất thì giúp cho họ vay vốn từ các nguồn hỗ trợ hộ nghèo, để họ có điều kiện vươn lên phát triển kinh tế”.

Hiện trên địa bàn xã có 1 hợp tác xã và 25 tổ hợp tác sản xuất hoạt động khá hiệu quả. Chủ yếu là nuôi tôm công nghiệp, nuôi tôm quảng canh cải tiến, nuôi cua, nuôi sò huyết thương phẩm, tập trung nhiều ở các ấp: Bào Tròn, Kinh Lớn, Khánh Tư, Mỹ Điền và Nhà Thính.

Cầu nông thôn được quan tâm xây dựng, phục vụ cho lưu thông và trao đổi mua bán.

Đặc biệt là mô hình nuôi sò huyết thương phẩm trong vuông tôm thời gian qua mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đến nay, toàn xã có hơn 525ha nuôi sò huyết. Mô hình này có thể nói là hướng đi bền vững cho nông dân nơi đây. Song, sản xuất nông – thủy sản còn phụ thuộc nhiều vào yếu tố tự nhiên. Thực tế mô hình này chỉ mang lại hiệu quả ban đầu, hiện nông dân đang đối mặt với rất nhiều khó khăn do thời tiết không thuận lợi.

Ông Danh Văn Nhiếp (ấp Khánh Tư): “Năm rồi tôi thả sò giống khoảng 10 triệu đồng, cứ ngỡ là cuối vụ cho thu nhập được vài chục triệu, nhưng không ngờ sò chết, vốn hết”. Ông Nhiếp là thương binh 4/4, số tiền 10 triệu đồng là ông vay của xã để đầu tư mua giống nhưng do ảnh hưởng của thời tiết, gia đình ông trắng tay. Ông Nhiếp bùi ngùi: “Năm nay hết vốn, tôi với vợ tôi xuống sông mò sò giống, con lớn thì bán lấy tiền chi tiêu hằng ngày, con nhỏ thì thả lại nuôi trong vuông tôm. Với 7.000m2, tôi thả được trên 35kg sò giống rồi”.

Không chỉ riêng hộ ông Nhiếp mà nhiều hộ trên địa bàn xã cũng bị ảnh hưởng và thất thu hoàn toàn từ vụ sò vừa rồi. Những hộ khá, giàu thì còn vốn thả lại, nhưng những hộ như ông Nhiếp thì nguy cơ tái nghèo là rất cao.

Ông Vũ trăn trở: “Khó khăn nhất hiện nay của xã là việc ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất còn ít. Các mô hình sản xuất có hiệu quả được chỉ đạo nhân rộng nhưng kết quả chưa cao. Giá cả thủy sản bấp bênh, ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất cũng như thu nhập cho bà con”.

Điệp khúc được mùa – mất giá lặp lại hàng năm, trong khi người dân chắt chiu chăm chút cho từng sản phẩm để mong có thu nhập, giống như hộ ông Nhiếp, cứ ngỡ sẽ được trúng vụ sò năm 2017 để thay đổi cuộc sống, chỉ vì thay đổi đột ngột của thời tiết mà gia đình ông bị thất trắng. Ranh giới mong manh giữa ngưỡng thoát nghèo và tái nghèo luôn là bài toán khó, thách thức chính quyền địa phương và là gánh nặng cho người dân trong hành trình về đích NTM.

Với lộ trình đạt chuẩn NTM vào năm 2020, nhưng đến nay xã mới đạt 10/19 tiêu chí. Cùng với những tiêu chí khác, tiêu chí hộ nghèo vẫn luôn là vấn đề trăn trở của Đông Thới.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *