Cơ hội và vận hội mới từ EVFTA

Hiệp định này đã và đang mang đến nhiều cơ hội lớn cho Việt Nam nói chung và Cà Mau nói riêng, nhất là các ngành hàng thế mạnh của địa phương. Theo đó, khi tham gia EVFTA, sẽ giúp KNXK của Việt Nam sang EU tăng 20% trong năm 2020 và 42,75% vào năm 2025; GDP tăng từ 2,18 – 3,25%/năm trong giai đoạn đến năm 2023. Các chuyên gia dự báo, các ngành hàng tăng trưởng sang EU vào năm 2025 gồm: Gạo tăng 65%, đường 8%, thịt heo 4%, thịt gia cầm 4%, lâm sản 3%, may mặc 81%. Sau tác động của đại dịch COVID-19, thị trường EU khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực là cơ hội lớn để Việt Nam phục hồi xuất khẩu, nhưng phải cơ cấu lại mặt hàng và thị trường; các mặt hàng nông sản sẽ có nhiều cơ hội gia tăng xuất khẩu hơn các ngành nghề dệt may, da giày…

Ngành nuôi tôm Cà Mau sẽ thêm cơ hội phát triển nếu tận dụng tốt EVFTA.

Tín hiệu vui cho ngành xuất khẩu

Trong khi KNXK tôm của tỉnh tại các thị trường khác giảm mạnh, thì tại thị trường EU vẫn tăng trưởng. Theo đánh giá của các ngành chức năng, tín hiệu khả quan này đến từ EVFTA; khi hiệp định có hiệu lực, EU được xem là thị trường đầy tiềm năng, tuy nhiên, thị trường này rất “khó tính” nên vẫn còn những thách thức.

Theo Sở Công thương, KNXK tôm 8 tháng đầu năm của tỉnh ước đạt khoảng 550 triệu USD. Xuất khẩu tôm qua các thị trường truyền thống đang gặp khó khăn: Qua Mỹ mới đạt 74 triệu USD, giảm 50% so với cùng kỳ; qua Trung Quốc đạt gần 24 triệu USD, giảm 29% so với cùng kỳ. Trong khi đó, KNXK tôm vào thị trường EU có bước tăng trưởng đáng kể, hiện đạt khoảng 65 triệu USD. Nếu như trước đây, hàng năm KNXK vào thị trường này chỉ chiếm khoảng 5% thì nay đang chiếm khoảng 12% trong cơ cấu các thị trường. Nguyên nhân xuất khẩu tôm vào thị trường EU tăng mạnh được nhận định đến từ Hiệp định EVFTA đã có hiệu lực.

Phó Giám đốc Sở Công thương, ông Dương Vũ Nam cho biết, EVFTA đã mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp (DN) nước ta nói chung, Cà Mau nói riêng tiếp cận thị trường tiêu thụ khổng lồ, với 27 nước thành viên và dân số khoảng 500 triệu người. Trong lĩnh vực thủy sản, mức ưu đãi xóa bỏ thuế quan đối với 86,5% KNXK trong vòng 3 năm, 90,3% trong vòng 5 năm và 100% trong vòng 7 năm tới, tạo ra cơ hội rất lớn. Đặc biệt, trong bối cảnh kinh tế nhiều nước trên thế giới đang bị ảnh hưởng xấu do dịch COVID-19, còn tình hình dịch bệnh ở nước ta dần được khống chế, thì những cơ chế mở ở thị trường EU đã giúp DN nước ta thâm nhập thị trường dễ dàng hơn. Với tiềm năng lớn trong chế biến, xuất khẩu và sản phẩm tôm của tỉnh đã có khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế, thì Hiệp định EVFTA được kỳ vọng tạo cú hích để ngành tôm Cà Mau phát triển, trước tác động kép của dịch bệnh cũng như xuất khẩu đang gặp khó.

Xuất khẩu tôm Cà Mau vào thị trường EU tăng mạnh thời gian qua và có nhiều kỳ vọng trong thời gian tới.

Đồng hành cùng doanh nghiệp

Để thực thi hiệu quả EVFTA, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1201/QĐ-TTg ngày 6/8/2020 phê duyệt Kế hoạch thực hiện Hiệp định Thương mại tự do giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên minh châu Âu. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Cà Mau đã có Kế hoạch số 94/KH-UBND ngày 3/9/2020 triển khai thực hiện Hiệp định trên địa bàn tỉnh. Theo đó, đề ra 5 nhiệm vụ chủ yếu các sở, ban, ngành, địa phương phải thực hiện, gồm: Công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin về EVFTA và thị trường của các nước EU; công tác xây dựng pháp luật, thể chế; nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển nguồn nhân lực; thực hiện chủ trương và chính sách đối với tổ chức công đoàn và các tổ chức của người lao động tại cơ sở, DN; chính sách an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Liên quan vấn đề này, Sở Công thương đã có văn bản gửi các DN trên địa bàn để tìm hiểu khó khăn, vướng mắc đang gặp phải nhằm tìm giải pháp khắc phục và khai thác hiệu quả các tiềm năng từ Hiệp định EVFTA. Đa số ý kiến phản hồi từ các DN đều xoay quanh tình hình kinh doanh bị sụt giảm nghiêm trọng do ảnh hưởng dịch COVID-19; có những DN phải cắt giảm lao động, cho lao động nghỉ luân phiên. Khó khăn cơ bản nhất là thiếu vốn để tái đầu tư và DN đề xuất giãn, giảm thuế, lãi ngân hàng.

Với phương châm đồng hành cùng DN, Sở Công thương sẵn sàng hỗ trợ các DN của tỉnh trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Giám đốc Sở Công thương, ông Nguyễn Văn Đô nhấn mạnh: “Năm 2020, Hiệp định EVFTA sẽ mang đến nhiều cơ hội to lớn cho DN trong nước nói chung và tỉnh Cà Mau nói riêng, nhất là các ngành hàng thế mạnh của tỉnh. Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình thế giới có những diễn biến phức tạp, nhất là đại dịch COVID-19 bùng phát đã tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến các DN xuất khẩu của tỉnh. Vì vậy, các DN xuất khẩu cần có kế hoạch, biện pháp vận dụng kịp thời các cơ chế, các chính sách được hưởng lợi và phòng ngừa những bất lợi, để cơ quan, DN tận dụng tốt các ưu đãi, các cơ hội tốt từ Hiệp định này mang lại”.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *