Đảm bảo an toàn giao thông đường thủy nội địa

Theo đó, kế hoạch được thực hiện nhằm huy động các lực lượng liên ngành trong đảm bảo trật tự ATGT đường thủy nội địa. Trong đó, giải quyết các vấn đề nổi cộm, phức tạp về ATGT trên các tuyến. Tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý chuyên ngành về giao thông đường thủy nội địa của các cơ quan nhà nước liên quan.

Để nhiệm vụ đặt ra đạt hiệu quả, liên ngành xác định tuyên truyền là nội dung quan trọng cần thực hiện. Trong đó tập trung tuyên truyền, vận động chủ phương tiện, chủ bến khách, người tham gia giao thông về trang bị, sử dụng áo phao, cặp phao, dụng cụ nổi cứu sinh. Tiếp tục tổ chức cho chủ bến khách, chủ phương tiện vận tải hành khách ngang sông, các phương tiện vận chuyển hành khách du lịch, đò ngang, đò dọc, ký cam kết chấp hành pháp luật về trật tự ATGT đường thủy nội địa, gắn với việc thực hiện phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước 2016 – 2020”.

Ngoài ra, đối với công tác kiểm tra, xử lý sẽ được thực hiện nghiêm và định kỳ. Trong đó, tập trung vào các lỗi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông và tập trung vào các chuyên đề: Công tác đảm bảo trật tự ATGT đường thủy nội địa vào các dịp lễ hội năm 2018; kiểm tra, xử lý nghiêm các phương tiện tham gia giao thông ban đêm không trang bị đèn tín hiệu; kiểm tra, xử lý các vi phạm luồng và hành lang bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa, hoạt động xây dựng công trình trên đường thủy nội địa; kiểm tra, xử lý các vi phạm chở hàng hóa quá vạch dấu mớn nước an toàn, quá tải đối với phương tiện thủy nội địa trên tuyến đường thủy nội địa và tại các cảng, bến thủy nội địa…

Tháo dỡ các chướng ngại vật trên sông, đảm bảo lưu thông đường thủy được thông thoáng là nhiệm vụ quan trọng được đặt ra trong năm 2018.

Song song đó, nội dung nhiệm vụ được đặt ra trong năm 2018, liên ngành sẽ phối hợp với Phòng Kinh tế – Hạ tầng, công an các huyện, thành phố, chính quyền các địa phương tổ chức kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm hành lang bảo vệ luồng và tiến hành thanh thải, giải tỏa vật chướng ngại trên sông để làm thông thoáng luồng tuyến và bàn giao cho địa phương tiếp tục quản lý chống tái chiếm.

Trong năm 2017, các đoàn kiểm tra liên ngành đã tăng cường hoạt động phối hợp kiểm tra, xử lý vi phạm liên quan đến đường thủy nội địa. Theo đó, đã phối hợp tổ chức kiểm tra đối với 1.264 trường hợp. Qua đây phát hiện 466 trường hợp vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính với số tiền hơn 170 triệu đồng.

Phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức giải tỏa vật chướng ngại gây cản trở giao thông trên đường thủy nội địa. Qua đây giải tỏa 66 miệng lú, 45 miệng đáy neo, thanh thải 1.900 cây cọc các loại dùng đặt lú, đáy cá. Tuyên truyền, vận động nhân dân tự tháo dỡ, thanh thải 1.641 vật chướng ngại trên đường thủy nội địa (các cọc đáy cá, chà, cây cọc các loại cắm đặt lú lấn chiếm luồng chạy tàu thuyền…).

Sau khi giải tỏa xong, đoàn kiểm tra liên ngành tổ chức bàn giao cho chính quyền các địa phương ven sông tiếp tục quản lý địa bàn và có biện pháp chống tái chiếm.

Theo Cơ quan thường trực Liên ngành, hiện tại, trên địa bàn tỉnh, tình hình vi phạm trật tự ATGT đường thủy nội địa, xâm phạm đến luồng và hành lang bảo vệ luồng trên đường thủy nội địa thực tế vẫn còn tái diễn, chưa có giải pháp mạnh mẽ và xử lý triệt để. Một số bộ phận người tham gia giao thông chưa có ý thức cao trong việc chấp hành pháp luật về trật tự ATGT đường thủy nội địa.

Thực trạng bến thủy nội địa (bên hàng hóa) không phép đa phần hoạt động ở các tuyến kênh khu vực luồng hẹp, vị trí bến nằm trong hành lang bảo vệ luồng, không đủ điều kiện để cấp phép hoạt động. Điển hình là các bến trung tâm nội ô TP. Cà Mau. Mặc dù trong thời gia qua, các lực lượng có thẩm quyền cũng đã nhiều lần tổ chức kiểm tra, xử lý vi phạm và có nhiều biện pháp ngăn chặn. Tuy nhiên, do nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương và đặc thù sông kênh ở khu vực trung tâm nội ô TP. Cà Mau nhỏ, hẹp cho nên việc quy hoạch, quản lý, cấp phép và kiểm tra, xử lý của ngành chức năng gặp khó khăn, chưa triệt để, dẫn đến tồn tại nhiều bến hàng hóa không phép.

Thêm vào đó, hiện tại, đoàn kiểm tra liên ngành cũng gặp không ít khó khăn trong kiểm tra, xử lý các hoạt động bơm, hút cát để san lấp mặt bằng. Bởi khi đến kiểm tra thường chỉ gặp công nhân làm thuê, không gặp được chủ hoặc người có trách nhiệm.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *