Đem tinh thần chống dịch vào quyết tâm khôi phục và phát triển kinh tế – xã hội

Bí thư Tỉnh ủy – Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Hải phát biểu tại Kỳ họp.

Vẫn là vấn đề tệ nạn xã hội và ô nhiễm môi trường

Đại biểu Nguyễn Minh Đương lo lắng trước thực trạng tệ nạn xã hội đang có chiều hướng gia tăng. Cùng với đó, tệ nạn ma túy không những chưa giảm, mà còn tăng qua từng năm. Hiện toàn tỉnh chỉ còn 4 xã không có tệ nạn ma túy, ngành Công an đang quản lý theo hồ sơ 1.800 người nghiện, tuy nhiên trên thực tế còn nhiều hơn.

Theo đại biểu Đương, một người nghiện sẽ làm gia đình tan nát, địa phương bị ảnh hưởng, để lại nhiều hệ quả, trong khi toàn dân đang chung sức, quyết tâm xây dựng nông thôn mới. Đại biểu mong muốn ngành chuyên môn và cả hệ thống chính trị cùng chung tay, quyết tâm hơn nữa nhằm ngăn chặn trước thực trạng đáng báo động này, để xóm làng được bình yên, để thế hệ trẻ không phải sa chân vào con đường nghiện ngập.

Đại biểu Phan Mộng Thành bức xúc việc tiến độ giải ngân vốn cho Chương trình mục tiêu Quốc gia về công tác giảm nghèo còn quá chậm. “Khi chúng ta vận động người nghèo xây dựng nơi chăn nuôi để “đón” nguồn vốn nhân văn này, nhưng khi có nguồn thì giải ngân quá chậm vì phải trải qua rất nhiều thủ tục, rất nhiêu khê. Khi con giống đến tay người nuôi, thì nơi chăn nuôi đã xuống cấp”, ông Thành nói.

Đại biểu Phan Mộng Thành tham gia thảo luận tại Kỳ họp.

Quan tâm công tác bảo vệ môi trường, đại biểu Nguyễn Chí Công lo lắng về vấn đề  thu gom rác thải sinh hoạt, khi lượng rác còn tồn ngoài môi trường là rất lớn.

Làm con số thống kê: tại thành thị còn trên 31 tấn/ngày đêm, nông thôn là 80 tấn/ngày đêm chưa được thu gom – với đà này, theo đại biểu Công, trong vòng khoảng từ 20 – 25 năm nữa thì lượng rác thải rắn sinh hoạt sẽ đủ để lấp đầy phần diện tích đất liền hơn 5.000km2 của tỉnh Cà Mau với bề dày là 10cm.

Theo đó, trong thời gian tới, đòi hỏi các ngành, các cấp, đặc biệt là mỗi người dân, mỗi cử tri, cần phải có sự quan tâm đúng mức. Ngoài sự tham mưu của ngành chức năng gắn với sự chỉ đạo kỳ quyết của UBND tỉnh và các cấp chính quyền địa phương, thì đòi hỏi cần có sự chung tay của cả cộng đồng.

“Người dân phải là chủ thể trong vấn đề này, phải nêu cao ý thức trong việc thu gom và xử lý rác thải rắn sinh hoạt ngay tại nguồn. Cán bộ, đảng viên, chủ hộ gia đình phải là những người gương mẫu thực hiện, qua đó làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục để mọi người xung quanh học hỏi, noi theo. Qua đó cùng góp phần với tỉnh hoàn thành nhiệm vụ công tác bảo vệ môi trường, nhất là năm 2020 là năm bắt đầu thực hiện Bộ chỉ số đánh giá kết quả bảo vệ môi trường của các, tỉnh thành phố theo Quyết định 2782, ngày 31/10/2019 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường”, đại biểu Công nhấn mạnh.

Giải trình trước Kỳ họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh – ông Lâm Văn Bi cho rằng tỷ lệ giải ngân các nguồn vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia hiện nay chỉ đạt 22% là quá thấp. Nguồn Trung ương đưa về kịp thời, chậm là do chúng ta giao vốn cho các địa phương chậm, các địa phương thụ hưởng làm hồ sơ, thủ tục cũng chậm. Vấn đề này Chủ tịch UBND tỉnh đã giao Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư kiểm tra, giám sát, dứt khoát không thể để chậm như đã qua.

“Về môi trường, UBND tỉnh đã có nhiều giải pháp, tôi đề nghị các sở, ngành liên quan, các địa phương tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh, cần hành động quyết liệt, tạo thành phong trào hành động cao hơn nữa, tạo ý thức toàn dân trong vấn đề xả thải và thu gom rác sinh hoạt”, ông Lâm Văn Bi đề nghị.

Phải tìm ra giải pháp để hạn chế, ít bị ảnh hưởng, có giải pháp phù hợp hơn trong điều kiện không bình thường

Phát biểu tại Kỳ họp, Bí thư Tỉnh ủy – Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Hải nêu lên những khó khăn, tác động rất nghiêm trọng đến mọi mặt KT-XH của “tam tai”: Dịch tả heo châu Phi, đại dịch COVID-19, đại hạn lịch sử.

Với nhiều giải pháp, sự vào cuộc tích cực của tỉnh, bệnh dịch tả heo châu Phi đến nay đã được ngăn chặn, thiệt hại thấp nhất so với các tỉnh ĐBSCL, nhưng ảnh hưởng rất lớn đến ngành chăn nuôi, dù chủ động nhưng đến giờ vẫn chưa đáp ứng cho việc tái đàn. Hơn 60 tỷ đồng đã chi cho công tác phòng, chống dịch tả heo châu Phi. Với đại dịch COVID-19, tất cả đã căng mình, chưa kết thúc, nhưng tỉnh đã chi đột xuất hơn 60 tỷ đồng cho công tác phòng, chống. Đối với đại hạn, hiện đã chi gần 200 tỷ đồng, chỉ để khắc phục hạ tầng giao thông.

“Đây là tình trạng hết sức không bình thường, nhưng chúng ta không chùn bước, mà phải tìm ra giải pháp để hạn chế, ít bị ảnh hưởng, có giải pháp phù hợp hơn trong điều kiện không bình thường. Tiếp tục quan tâm, theo dõi, chủ động phòng ngừa với đại dịch, vừa chống dịch vừa tập trung phát triển kinh tế – xã hội trong điều kiện bình thường mới”, Bí thư Tỉnh ủy – Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.

Theo đó, ông Nguyễn Tiến Hải yêu cầu ngành Nông nghiệp tập trung hướng dẫn người dân đa dạng cây, con trên cùng diện tích, không thể chỉ bám hoàn toàn vào con tôm, để khi con tôm có bị xuống giá do biến động thị trường thì còn có nguồn để ổn định thu nhập. Thị trường giờ đã có quá nhiều thay đổi, cần quan tâm nguồn đầu ra tại thị trường nội địa để lựa chọn hình thức, đối tượng sản xuất phù hợp.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đồng thời phát biểu về vấn đề thu hút đầu tư, phát triển dịch vụ, khai thác du lịch; đảm bảo an ninh – trật tự, nhất là thời điểm tổ chức đại hội đảng các cấp.  

Chủ tịch HĐND tỉnh, ông Trần Văn Hiện thông tin: Chúng ta ngăn chặn được đại dịch, trong khi nhiều nước giàu có không làm được. Rất nhiều nước ca ngợi, nể phục và học hỏi, làm theo Việt Nam. Uy tín trên chính trường đang lên, lòng tin của toàn dân vào Đảng, chính quyền rất cao.

“Đại dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, kéo dài, cần tiếp tục theo dõi, cảnh giác. Mọi thứ đã thay đổi, buộc chúng ta phải thay đổi theo để thích ứng. Theo đó, cần tận dụng thời cơ, nắm bắt cơ hội, phải đem tinh thần chống dịch vào quyết tâm khôi phục và phát triển KT-XH”, ông Trần Văn Hiện nhấn mạnh.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *