Giải pháp sử dụng nước mưa tại các địa phương ven biển

Tại buổi hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận 15 nội dung cơ bản, trong đó có: Giới thiệu đề tài – nghiên cứu giải pháp khai thác và sử dụng tài nguyên nước mưa của các tỉnh ven biển ĐBSCL trong điều kiện biến đổi khí hậu; tài nguyên nước ngọt ở Cà Mau và vấn đề phân bổ cho các nhu cầu sử dụng; ảnh hưởng của nước mưa đến sản xuất nông nghiệp và đề xuất giải pháp khắc phục tại huyện Trần Văn Thời; đặc điểm mưa vùng bán đảo Cà Mau và vấn đề khai thác phục vụ sinh hoạt; khả năng khai thác nguồn nước mặt phục vụ cấp nước sinh hoạt vùng bán đảo Cà Mau trong điều kiện nước biển dâng do biến đổi khí hậu; kết quả điều tra, xác định các vị trí lắp đặt mô hình thu trữ nước mưa…

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Cà Mau, ông Trịnh Văn Lên cho biết việc khai thác quá mức nước ngầm đã làm giảm nhanh chóng các tầng chứa nước, dẫn đến hệ quả sụp lún bề mặt địa hình, chất lượng nước ngày càng giảm. Cần có biện pháp từng bước giảm dần lưu lượng khai thác, tránh những tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái. Việc tận dụng nguồn nước mưa là cần thiết trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay.

Cà Mau là tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, các địa phương ven biển còn thiếu nước sạch sinh hoạt.

Trước thực tế đó, Cà Mau là tỉnh được Viện Địa lý tài nguyên TP. Hồ Chí Minh chọn triển khai mô hình thí điểm lưu trữ nước mưa quy mô hộ gia đình, trường học, cộng đồng dân cư.

Việt Nam là nước ở vùng nhiệt đới, có nguồn nước mưa dồi dào, chất lượng nước mưa khá tốt, chưa bị ảnh hưởng nhiều bởi công nghiệp hóa. Tuy nhiên, rất nhiều hộ gia đình ở vùng nông thôn, vùng ven biển còn chưa “mặn mà” với nguồn nước tự nhiên này.

Thông qua hội thảo, các ý kiến đóng góp của đại biểu được nhóm nghiên cứu ghi nhận, tổng hợp, phân tích; từ đó định hướng nội dung, triển khai cho phù hợp với tỉnh Cà Mau nói riêng và các tỉnh ven biển ĐBSCL nói chung được áp dụng rộng rãi.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *