Hạ tầng giao thông Cà Mau nâng cao vị thế, vai trò trong phát triển của vùng

Đường Hồ Chí Minh xuyên qua những cánh rừng ngập về đến tận chót cùng mũi đất Cà Mau, không những tạo điều kiện thuận lợi trong vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu qua đường biển mà còn mở ra cánh cửa khai thác lợi thế phát triển du lịch.

1. Cà Mau là vùng đất rộng lớn, thổ nhưỡng được phân chia thành nhiều vùng với điều kiện tự nhiên theo hệ sinh thái khác nhau. Theo đó, điều kiện đi lại, giao thương hàng hóa gặp nhiều khó khăn, trước đây chủ yếu bằng đường thủy. Cùng với các công trình Trung ương đầu tư trên địa bàn, những năm qua, nhất là trong xây dựng nông thôn mới, mỗi năm tỉnh Cà Mau xây dựng hàng trăm kilomet đường giao thông nông thôn, kết nối với các tuyến lộ chính, với các xã trong vùng với nhau. Những tuyến kinh cùng, giờ đây lộ giao thông nông thôn cũng đã về đến, làm rộn vui những xóm làng vốn trước đây heo hút. Tiếng xe máy đang dần thay thế tiếng tàu thủy và thật sự những chuyến tàu đò, cao tốc đang mất dần tuyến chạy, đang cùng chung số phận… hết thời. Giờ đây, dù về xứ rừng U Minh hay tận xứ biển Ngọc Hiển, cứ theo đường mà xe chạy rồi cũng sẽ đến được nơi cần đến, không lo cùng đường. Từ huyện này sang huyện khác cũng đã được kết nối thông suốt, nhiều sự lựa chọn, rút ngắn được khoảng cách, thời gian di chuyển. Liên hệ vấn đề này để thấy rằng, hai từ “ốc đảo” nay đã không còn trong ý niệm của mọi người khi nói đến Cà Mau, bởi đường Hồ Chí Minh, cầu Năm Căn đã vươn mình đưa những dòng xe băng rừng về đến chót cùng mũi đất Cà Mau. Và vừa rồi, cầu Hòa Trung hoàn thành đã đưa những chuyến hàng từ “xứ tôm” Đầm Dơi tới TP. Cà Mau bằng đường bộ, không còn phải lụy những chuyến phà.

Đường Hành lang ven biển phía Nam kết nối Cà Mau với các nước tiểu vùng sông Mê Kông.

Với các tuyến sông lớn, vận chuyển đường thủy vẫn là lợi thế phát triển của địa phương.

2. Cà Mau là vùng đất xa xôi, vốn đã đi vào trong ý niệm của mỗi người dân đất Việt. Trước đây, chỉ có mỗi tuyến Quốc lộ 1A, còn đường thủy thì lại quá quanh co. Nay thì qua Kiên Giang ngoài tuyến Quốc lộ 63 còn có tuyến Hành lang ven biển phía Nam, giá trị quan trọng hơn là kết nối sang các nước thuộc tiểu vùng sông Mê Kông: Campuchia, Thái Lan. Ngoài tuyến Quốc lộ 1A, còn có tuyến Quản lộ Phụng Hiệp lên Bạc Liêu, Sóc Trăng, đến TP. Cần Thơ, TP. Hồ Chí Minh. Trong tương lai, tuyến đường cao tốc và đường sắt cũng sẽ theo tuyến này về đến Cà Mau. Không những đường bộ, giờ chỉ cần không đầy 1 giờ bay là đã có mặt tại TP. Hồ Chí Minh bằng đường hàng không và Cà Mau tự hào là một trong 3 tỉnh trong vùng có được đường hàng không. Theo quy hoạch đến năm 2030, tổng hành khách qua cảng hàng không Cà Mau đạt 500 ngàn người/năm, khai thác máy bay tầm ngắn ATR-72 và tầm trung A320/321 và tương đương.

Cà Mau là một trong 3 địa phương trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long có đường hàng không.

3. Dù đường bộ phát triển, tuy nhiên tuyến vận tải đường thủy vẫn được địa phương xác định giữ vai trò quan trọng trong vận chuyển hàng hóa, nhất là các tuyến vận tải liên vùng. Cùng với đó, vận chuyển đường biển, nhất là việc xây dựng cảng Năm Căn, cảng Sông Đốc, đặc biệt là hình thành cảng trung chuyển nước sâu tại Hòn Khoai sẽ mở cửa, tạo thuận lợi cho xuất, nhập khẩu cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long và đây là điều kiện thu hút đầu tư, khẳng định vai trò và vị thế Cà Mau trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội, xứng đáng là một trong 4 địa phương động lực của vùng.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *