Kiểm tra công tác kiểm soát thủ tục hành chính tại huyện Thới Bình: Phát hiện nhiều sai phạm

Đoàn kiểm tra lĩnh vực địa chính tại xã Biển Bạch.

CHẬM TRIỂN KHAI CHỈ ĐẠO CỦA CẤP TRÊN

Y tế là lĩnh vực ít phát sinh thủ tục nhất trong niên độ kiểm tra, tuy nhiên đây lại là lĩnh vực mà đa phần các địa phương khi được kiểm tra đều mắc phải những sai phạm như nhau, trọng tâm là chậm triển khai theo chỉ đạo của cấp trên.

Cụ thể là với Thông tư 47 ngày 11/12/2014 của Bộ Y tế về hướng dẫn việc quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) đối với các cơ sở ăn uống. Theo Sở Y tế cho biết, sau khi Thông tư ban hành thì vào tháng 4/2015, Chi cục ATVSTP tỉnh đã tổ chức tập huấn để triển khai các nội dung có liên quan đến vấn đề ATVSTP, trong đó có Thông tư 47 của Bộ Y tế, cho cán bộ y tế của 101 xã, phường trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, qua kiểm tra, ông Phạm Quốc Sử, Phó Trưởng phòng Kiểm soát TTHC (Sở Tư pháp), cho biết: Qua thống kê trên địa bàn huyện Thới Bình, có khoảng 360 cơ sở ăn uống thuộc đối tượng phải ký cam kết đảm bảo ATVSTP với cơ quan quản lý (Trạm y tế xã, phường, thị trấn). Tuy nhiên, tại hai xã Biển Bạch và Tân Bằng, hầu như không một nơi nào thực hiện đúng theo sự hướng dẫn về việc ký cam kết đối với các cơ sở ăn uống trên địa bàn. Điều này dẫn đến việc địa phương mất khả năng quản lý nhà nước về ATVSTP đối với các đối tượng này.

Bác sĩ Hứa Thành Xây, Trung tâm Y tế huyện Thới Bình, khẳng định: Ngành Y tế huyện đã triển khai thực hiện Thông tư này từ hơn mấy tháng nay. Không hiểu vì lý do gì mà hai xã Tân Bằng và Biển Bạch lại không thực hiện. Rất có thể do lãnh đạo Trạm Y tế xã vì quá bận công việc nên quên, hoặc cũng có thể do cán bộ cấp dưới chậm tham mưu (! ?).

Ông Phạm Quốc Sử cho rằng: Dù là chậm hay chưa triển khai thì qua vấn đề này cho thấy huyện Thới Bình, mà đặc biệt là lãnh đạo tại hai địa phương trên đã thiếu sót trong việc đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các chỉ đạo của cấp trên. Đây là vấn đề phải được đánh giá đúng đắn, chấn chỉnh ngay lập tức. Thậm chí phải được kiểm điểm, tránh để xảy ra trường hợp tương tự về sau.

… VÀ NHIỀU SAI PHẠM KHÁC

Cũng thông qua đợt kiểm tra, đoàn đã chỉ ra nhiều sai phạm của huyện, đa phần là do lỗi chủ quan trong quá trình thực thi công vụ của cán bộ, công chức tại địa phương. Ông Phạm Quốc Sử: Sau khi tham khảo báo cáo về công tác kiểm soát TTHC của huyện, lúc đầu cảm thấy rất vui mừng vì hầu hết các thủ tục sau khi phát sinh đều được giải quyết một cách triệt để, 100% hồ sơ đều được giải quyết đúng hẹn. Nhưng thực tế không phải vậy. Qua kiểm tra, có nhiều hồ sơ trễ hẹn, thậm chí có hồ sơ địa phương “ngâm” hàng mấy tháng không giải quyết. Khi tiếp nhận thì lại không có phiếu hẹn, không có thời gian trả kết quả. Có trường hợp đổi phiếu hẹn để lập thành tích.

Bên cạnh đó, có sai phạm tuy đã được chỉ ra trước đó, tỉnh cũng ban hành nhiều văn bản chỉ đạo nhưng đến nay, sai phạm ấy lại tiếp tục xuất hiện. Lạm dụng thành phần hồ sơ có công chứng, chứng thực, cần xác nhận của trưởng ấp, là một trong những sai phạm ấy.

Trước hàng loạt những sai phạm được phát hiện qua đợt kiểm tra, theo ông Sử, có những sai phạm cần phải được đánh giá một cách nghiêm túc, bởi không khéo sẽ là tiền đề cho những hệ lụy sau này. Ông Sử dẫn chứng như việc thu phí, lệ phí còn quá nhiều trường hợp thu không đúng quy định. Thậm chí có nơi tự ý miễn giảm phí, lệ phí. Việc ký khống trong thực hiện thủ tục vay vốn còn xuất hiện tại một số địa phương. Công tác phối hợp để thực hiện thủ tục liên thông còn nhiều hạn chế, thực hiện quá rườm rà. Chưa phân định rõ chức năng, quyền hạn của các cơ quan, tổ chức trong quá trình liên thông…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *