Nghiêm ngặt trong kiểm soát, kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật nhập tỉnh

Tăng cường tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp vận chuyển, mua bán, giết mổ gia súc, gia cầm không đúng quy định.

Từ đầu năm đến nay, địa bàn tỉnh đã xảy ra 10 ổ dịch bệnh dại trên động vật; các bệnh thông thường: Tụ huyết trùng, tiêu chảy, viêm phổi trên gia súc, gia cầm diễn ra lẻ tẻ. Đáng lo ngại nhất là gần đây dịch tả heo châu Phi (DTHCP) tái phát trên địa bàn xã Khánh Thuận, huyện U Minh;ổ dịch cúm gia cầm H5N1 trên đàn gà 85 con tại xã Khánh Bình Đông, huyện Trần Văn Thời. Ngay sau khi có kết quả xét nghiệm bệnh phẩm, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã chỉ đạo Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện cùng chính quyền địa phương tổ chức tiêu hủy số heo, gà đúng quy định; đồng thời, tiến hành điều tra tổng đàn gia súc, gia cầm của các hộ xung quanh ổ dịch, tiến hành phun xịt thuốc sát trùng, vệ sinh, tiêu độc, khử trùng, bao vây ổ dịch, tránh lây lan ra diện rộng.

Thông thường vào dịp cuối năm, tổng đàn gia súc, gia cầm và mật độ chăn nuôi đều gia tăng. Thêm nữa, do nhu cầu thực phẩm tăng cao, việc buôn bán, vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm, kể cả việc nhập lậu gia súc, gia cầm diễn biến phức tạp, mầm bệnh tồn lưu ở ổ dịch cũ kết hợp với điều kiện thời tiết bất lợi làm cho sức đề kháng của vật nuôi giảm, nguy cơ xảy ra tái phát dịch cúm gia cầm, DTHCP, dịch lở mồm long móng ở gia súc rất cao.

Trước tình hình đó, ngành Nông nghiệp triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm những tháng cuối năm; đồng thời khống chế các loại dịch bệnh đang xảy ra trên địa bàn tỉnh, kiên quyết không để lây lan ra diện rộng, làm ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, gây thiệt hại về kinh tế. Theo đó, các địa phương tiếp tục tuyên truyền đến hộ chăn nuôi về tác hại của các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm: Cúm gia cầm, bệnh dại, tai xanh, DTHCP…; cách bổ sung vitamin, khoáng chất để nâng cao sức đề kháng cho vật nuôi; áp dụng kỹ thuật an toàn sinh học trong chăn nuôi, tiêu độc khử trùng phòng bệnh tái phát; không bán chạy gia súc, gia cầm mắc bệnh, không vứt xác chết gia súc, gia cầm ra môi trường…

Ngành chuyên môn cần hướng dẫn người dân thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm lây sang người.

Cùng với việc tái đàn của nông hộ và các cơ sở chăn nuôi, hiện nay trên địa bàn các huyện: U Minh, Thới Bình, Trần Văn Thời, Năm Căn, Ngọc Hiển đang thực hiện hỗ trợ con giống cho hộ chăn nuôi từ Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, để nuôi heo thương phẩm. Có 188 hộ được hỗ trợ, với 540 con giống, trong đó có giống heo địa phương và heo nhập tỉnh.

Ông Lê Văn Phúc (Ấp 9, xã Khánh Thuận, huyện U Minh) cho biết, trong 4 con heo bị bệnh DTHCP vừa qua, có 2 con vừa nhận từ Dự án 135 có nguồn gốc từ huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu, nhập về ngày 17/8/2020.

Hiện DTHCP đã tái phát trên địa bàn các tỉnh: Bạc Liêu, Sóc Trăng, Đồng Tháp, Vĩnh Long… tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, có nguy cơ lây lan trên diện rộng. Theo đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cà Mau đề nghị, khi nhập heo giống phải có giấy xét nghiệm âm tính với DTHCP tại các địa phương đang xảy ra dịch bệnh; cán bộ thú y xã theo dõi sức khỏe đàn heo ít nhất 21 ngày khi heo về đến chuồng; phải đảm bảo áp dụng đầy đủ các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Đối với các trường hợp nhập heo giống để thực hiện chăn nuôi trong dân không thuộc chương trình, dự án nêu trên, phải chủ động khai báo chăn nuôi với UBND xã, thực hiện việc tái đàn phải đảm bảo đúng quy định.

Các địa phương tiếp tục tuyên truyền đến người dân và hộ chăn nuôi về tác hại của các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như: Cúm gia cầm, bệnh dại, tai xanh, dịch tả heo châu Phi…

Đối với công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi nói chung, ông Nguyễn Thành Huy, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, cho biết: Ngành đã chỉ đạo rà soát, thực hiện công tác tiêm vắc-xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi và tiêu độc khử trùng, nhất là tại các xã có ổ dịch cũ, khu vực chăn nuôi mật độ cao, cơ sở sản xuất kinh doanh, giết mổ, chợ buôn bán gia súc, gia cầm… nhằm phát hiện sớm, xử lý kịp thời các ổ dịch mới phát sinh. Các trạm thú y giám sát chặt chẽ dịch bệnh trên địa bàn, khi nhận được thông tin có gia cầm, gia súc bệnh phải xuống ngay hiện trường để kiểm tra, báo cáo tình hình, kịp thời xử lý.

Từ nay đến cuối năm, nhiệm vụ hàng đầu đối với ngành chăn nuôi là duy trì sản xuất, tăng nguồn cung phục vụ thị trường, góp phần ổn định giá cả các mặt hàng thực phẩm và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các ngành liên quan đẩy mạnh công tác tiêm phòng theo quy định; có giải pháp thích hợp phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm và kiểm soát dịch bệnh, đảm bảo nguồn cung phục vụ tiêu dùng và Tết Nguyên đán năm 2021. Tăng cường tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp vận chuyển, mua bán, giết mổ gia súc, gia cầm không đúng quy định, đặc biệt là vận chuyển gia súc, gia cầm mắc bệnh nguy hiểm ra, vào địa bàn tỉnh. Trên cơ sở đó đẩy nhanh tiến độ thực hiện Kế hoạch tái đàn heo để khôi phục và phát triển sản xuất sau DTHCP trên địa bàn tỉnh.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *