Quyết tâm làm theo lời dạy của Bác: “Càng khó khăn thì càng phải thi đua”

Vào tháng 10/2011, Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh Cà Mau lần thứ V vinh dự đón Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (nay là Thủ tướng Chính phủ) về dự. Ảnh: Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc trao Huân chương Lao động cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2011 – 2015.

* Hơn 70 năm qua, “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” và phong trào TĐYN do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động vẫn giữ nguyên giá trị. Thưa ông, ông có thể nêu khái quát về hoàn cảnh ra đời Lời kêu gọi của Bác?

Ông Lê Minh Ý, Giám đốc Sở Nội vụ, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Thi đua – Khen thưởng tỉnh: Sau chiến thắng Việt Bắc – Thu Đông 1947, theo đề nghị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 27/3/1948, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị phát động phong trào thi đua ái quốc để động viên lực lượng kháng chiến và kiến quốc. Chỉ thị vạch rõ: “Mục đích thi đua ái quốc là làm sao cho kháng chiến mau thắng lợi, kiến quốc mau thành công”. Để triển khai một cách sâu rộng Chỉ thị của Trung ương Đảng về phong trào thi đua ái quốc và chuẩn bị Ngày Toàn quốc kháng chiến, ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”, chính thức phát động cuộc vận động thi đua ái quốc. Đó là sự tổng kết thực tiễn sâu sắc và đồng thời nêu ra những yêu cầu quan trọng, cấp thiết đối với phong trào cách mạng nước ta.

Phong trào TĐYN do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động, khi đất nước đang trong cơn đau của nạn đói, nạn dốt, nạn ngoại xâm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư khuyên đồng bào nên tiếp tục phát triển chí khí xung phong trong phong trào thi đua ái quốc. Bác Hồ chỉ ra: “Thi đua ái quốc nhằm ba mục đích: Diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm. Tức là làm cho nhân dân no, ấm, biết chữ, làm cho Tổ quốc được độc lập, tự do”. Giải thích về mục tiêu của phong trào thi đua trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp, Bác Hồ nói: “Thi đua là phải làm cho tốt… phải làm nhanh và phải làm rẻ, không phí phạm thì giờ, nguyên vật liệu”, và “Thi đua là ích nước lợi nhà”, vì “Thi đua ái quốc là lợi ích cho mình, làm lợi cho gia đình và lợi ích cho làng, nước, dân tộc”.

Điều đáng chú ý là sau khi tổng kết một năm thực hiện Lời kêu gọi thi đua ái quốc, Bác Hồ lại nêu lên những vấn đề thi đua nối tiếp rất thiết thực, cụ thể: “Các cụ, các bà thì thi đua tham gia Hội Mẹ chiến sĩ… Các cháu thiếu niên thì thi đua tòng quân. Cán bộ trong cơ quan thì thi đua sửa đổi cách làm việc cho hợp lý hơn. Các cháu nhi đồng thì thi đua học tập và giúp mọi người công việc… Mọi người đều thi đua, mọi việc đều có thi đua” và Bác khẳng định: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua” và “Thi đua lấy tinh thần yêu nước làm gốc”…

* Cứ 5 năm một lần, Đại hội TĐYN tỉnh lại diễn ra trong không khí phấn khởi, hân hoan của các tầng lớp nhân dân chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh. Ông có thể cho biết, phong trào TĐYN ở Cà Mau được thực hiện như thế nào và đạt những kết quả nổi bật gì trong giai đoạn 5 năm qua?

Ông Lê Minh Ý: Hàng năm, Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, phát động các phong trào thi đua, trong đó yêu cầu cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp khi triển khai tổ chức phong trào TĐYN phải chú trọng tính hiệu quả thiết thực của phong trào thi đua; hình thức, nội dung thi đua phải phù hợp, cụ thể, sát thực với chức năng nhiệm vụ được giao.

Trong giai đoạn 5 năm qua, các phong trào TĐYN có bước phát triển rõ nét cả về chiều rộng và chiều sâu, nhiều phong trào thi đua có sức lan tỏa mạnh mẽ. Tiêu biểu là phong trào “Cà Mau chung sức xây dựng nông thôn mới”, đã đạt được kết quả đáng khích lệ. Đến nay, tỉnh đã có 34/82 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm tỷ lệ 41,5%; tổng tiêu chí đạt được trên địa bàn toàn tỉnh là 1.232 tiêu chí, bình quân đạt 15 tiêu chí/xã, tăng gần gấp 4,3 lần so với thời điểm xuất phát năm 2010 (3,5 tiêu chí/xã); không còn xã nào đạt dưới 7 tiêu chí. Phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau” cũng đạt được những thành tích cơ bản. Đến cuối năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 2,32% và tỷ lệ hộ cận nghèo giảm còn 2%.

Trong phát động các phong trào thi đua, tỉnh đã tập trung khơi dậy tinh thần “Đổi mới sáng tạo” trong lãnh đạo, quản lý và tổ chức thực hiện nhiệm vụ của các cấp, các ngành, nổi bật như: Đề án quản lý xe ô tô công tập trung; gắn thiết bị giám sát hành trình tàu cá; sắp xếp trường, lớp học, xóa điểm lẻ không còn phù hợp; thành lập Trung tâm Giải quyết thủ tục hành chính tỉnh và Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp… Phong trào thi đua cải cách thủ tục hành chính được tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện có hiệu quả.

Từ các phong trào thi đua đã góp phần vào sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh: Tổng sản phẩm (GRDP theo giá so sánh) tăng bình quân gần 7%/năm; quy mô nền kinh tế ước đạt hơn 60 ngàn tỷ đồng, tăng gấp 1,35 lần so với năm 2015; GRDP bình quân đầu người đạt gần 51 triệu đồng/người, tăng gần 1,3 lần so với năm 2015…

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Hải trao cờ thi đua cho các đơn vị tại Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc, tháng 6/2018.

* Để phong trào TĐYN thực sự đi vào cuộc sống, tạo thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội ở giai đoạn mới, tỉnh Cà Mau cần tập trung thực hiện những nhiệm vụ gì, thưa ông?

Ông Lê Minh Ý: Phát huy những thành quả đã đạt được, trong giai đoạn 2020 – 2025, tỉnh Cà Mau tiếp tục triển khai, quán triệt tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc: “Càng khó khăn thì càng phải thi đua”, nâng cao chất lượng các phong trào TĐYN và công tác thi đua khen thưởng. Phấn đấu đến năm 2025 có 80% tổng số xã và có từ 2 huyện trở lên đạt chuẩn nông thôn mới. Quan tâm đầu tư 3 đô thị động lực: TP. Cà Mau, thị trấn Sông Đốc, thị trấn Năm Căn, các đô thị ven biển và các đô thị nhỏ phù hợp với Chương trình phát triển đô thị được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Thi đua phát triển văn hóa – xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm nghèo bền vững; phấn đấu đến năm 2025, GRDP bình quân đầu người đạt 3.320 USD (tương đương 77 triệu đồng). Bảo đảm an sinh xã hội; nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân, phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 97%.

Đẩy mạnh phong trào thi đua trên lĩnh vực quốc phòng, an ninh; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Nâng cao năng lực quản lý, điều hành của chính quyền; cải cách hành chính, cải cách tư pháp; đấu tranh phòng, chống tham nhũng; xây dựng Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể vững mạnh. Tiếp tục thực hiện phong trào thi đua “Cà Mau chung sức xây dựng nông thôn mới”, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, nòng cốt trong các phong trào thi đua yêu nước.

Phong trào TĐYN tỉnh thực sự có sức sống và hiệu quả khi toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, lực lượng vũ trang, các tổ chức chính trị xã hội, các tổ chức kinh tế và các tầng lớp nhân dân hăng hái thi đua lao động, sản xuất, phát huy sáng tạo, chung sức đồng lòng, vượt qua mọi khó khăn thách thức, nỗ lực, phấn đấu thực hiện hoàn thành và hoàn thành vượt mức các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, góp phần xây dựng tỉnh Cà Mau phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới.

* Xin cảm ơn ông!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *