Cà Mau không tham vọng làm nhanh nhưng phải khẩn trương, khoa học và chặt chẽ

Trợ lực giúp dân vượt khó

Nhóm người có công với cách mạng, bảo trợ xã hội, hộ nghèo, cận nghèo là những người đầu tiên được thụ hưởng chính sách này. Bởi các nhóm đối tượng đã rõ danh sách và hàng tháng tỉnh vẫn thực hiện chi trả chế độ nên công tác hỗ trợ thuận lợi. Cà Mau có trên 106.000 đối tượng người có công với cách mạng, bảo trợ xã hội, hộ nghèo, cận nghèo được hưởng hỗ trợ đợt đầu, với tổng kinh phí hơn 120 tỷ đồng. Theo Nghị quyết số 42 của Chính phủ, mức hỗ trợ cho đối tượng bảo trợ xã hội là 500 ngàn đồng/người/tháng; người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo là 250 ngàn đồng/người/tháng. Các đối tượng được nhận hỗ trợ 1 lần đủ 3 tháng, từ tháng 4 – 6/2020. 

Để nhanh chóng trao tiền đến tận tay người dân, cán bộ cơ sở làm việc không kể ngày nghỉ trên tinh thần đảm bảo quy định, đúng đối tượng và công khai, minh bạch. Sự hỗ trợ kịp thời này đã giúp người dân có điều kiện ổn định cuộc sống, thêm động lực mưu sinh. Đối với người khuyết tật nặng, người già yếu mà người nhà không có điều kiện đến UBND phường, để nhận thì giao về cho khóm, ấp hoặc có cán bộ trực tiếp đến nhà, trao tận tay số tiền hỗ trợ.

Người dân gặp khó khăn thuộc nhóm đối tượng bảo trợ xã hội, người có công với cách mạng, hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn Phường 1 (TP. Cà Mau) được nhận hỗ trợ.

Tại TP. Cà Mau, 17/17 đơn vị xã, phường đã chi trả hoàn tất hỗ trợ cho 2.807 đối tượng thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo; 7.120 đối tượng bảo trợ xã hội và 2.209 đối tượng người có công với cách mạng, với tổng kinh phí trên 16 tỷ đồng.   Có mặt tại trụ sở UBND Phường 1 (TP. Cà Mau), từ sáng sớm, mang thủ tục đến nhận tiền hỗ trợ cho mẹ, là đối tượng bảo trợ xã hội, năm nay 84 tuổi, bà Lâm Thị Duyên tâm tình: “Từ lúc xảy ra dịch bệnh, các con tôi chỉ ở nhà, không đi làm được nên kinh tế eo hẹp. Tháng rồi mẹ tôi bị té chấn thương cột sống giờ chỉ nằm một chỗ, nhận được hỗ trợ 1,5 triệu đồng này, tôi sẽ mua thêm thuốc thang lo cho mẹ. Tôi rất cám ơn sự quan tâm, chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước”.

Niềm vui của gia đình bà Duyên cũng là niềm vui của nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn, người khuyết tật ở nhiều địa phương trong tỉnh. Bà Nguyễn Thị Nghĩa (ấp Rạch Bào, xã Khánh Bình, huyện Trần Văn Thời), bị khuyết tật nặng, đi lại khó khăn, sức khỏe yếu nên mọi sinh hoạt hằng ngày chỉ trông chờ vào số tiền 540 ngàn đồng trợ cấp hàng tháng. Nhận được tiền hỗ trợ 1,5 triệu đồng từ gói an sinh xã hội của Chính phủ là món quà ý nghĩa, giúp bà và nhiều gia đình vượt qua khó khăn trong thời gian này.

Đảm bảo công bằng, chính xác và kịp thời

Ông Nguyễn Quốc Thanh, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Cà Mau, cho biết: “Đối với những đối tượng còn lại, tỉnh đang rà soát, lập danh sách cụ thể, để thực hiện hỗ trợ đúng quy định, đảm bảo chính xác, không trùng lặp. Đây là nhóm đối tượng cần có nhiều thông tin để xác định nên công việc rất khó khăn, phức tạp, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt, khẩn trương, tinh thần trách nhiệm cao của cấp ủy, chính quyền ở cơ sở, nhất là vai trò của từng người dân. Ông Thanh dẫn chứng, đối tượng bán vé số là dễ trùng lặp, vì có thể vừa nằm trong diện hộ nghèo và diện bảo trợ xã hội, nên phải đối chiếu chặt chẽ, để họ được nhận một chế độ hỗ trợ cao nhất”.

Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã xây dựng đưa vào sử dụng phần mềm chống trùng lặp đối tượng; thành lập đường dây nóng kịp thời tiếp nhận phản ảnh của người dân trong quá trình thực hiện; cấp phát các tờ rơi hướng dẫn việc xác định đối tượng, thời gian, quy trình thực hiện, phương thức hỗ trợ… đến từng ấp, khóm, để bà con hiểu rõ ý nghĩa nhân văn từ chính sách. “Chính sách hỗ trợ lần này là chưa từng có tiền lệ, nên các đơn vị, địa phương cần nêu cao tinh thần trách nhiệm. Chúng ta không tham vọng làm nhanh nhưng phải khẩn trương, khoa học và chặt chẽ”, ông Thanh nhấn mạnh.

Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cấp phát các tờ rơi hướng dẫn việc xác định đối tượng, thời gian, quy trình thực hiện, phương thức hỗ trợ… đến từng ấp, khóm.

Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã ban hành hướng dẫn việc giám sát, kiểm tra giám sát thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh. Theo từng nhóm đối tượng được hưởng hỗ trợ, đều có nội dung giám sát và hồ sơ giám sát cụ thể. Giám sát tại thời điểm lập danh sách các đối tượng được hưởng chính sách, thời điểm chi trả kinh phí hỗ trợ và giám sát sau khi chi hỗ trợ, để kịp thời nắm bắt dư luận, phản ánh của nhân dân.

Ông Lê Dũng, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, nhấn mạnh: “Hoạt động giám sát, kiểm tra của Mặt trận các cấp và tổ chức thành viên sẽ góp phần bảo đảm việc thực hiện các chính sách hỗ trợ của Nhà nước được triển khai đúng đối tượng, công bằng, chính xác, kịp thời, không để xảy ra tình trạng trục lợi trong thực hiện chính sách. Cùng với công tác tuyên truyền, cơ sở phải giám sát chặt chẽ, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, phát huy hiệu quả ý nghĩa của gói hỗ trợ”.

Các nhóm đối tượng sẽ được hưởng chính sách hỗ trợ do đại dịch COVID-19 gồm: Người có công với cách mạng đang hưởng chính sách; hộ nghèo và cận nghèo; người đang nhận chính sách bảo trợ xã hội; người lao động bị tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương trong thời hạn của hợp đồng lao động; hộ kinh doanh có doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm, tạm ngừng kinh doanh từ ngày 1/4/2020; người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *