Chuyển đổi cơ cấu sản xuất theo hướng đa canh, nhân rộng mô hình

Bí thư Huyện ủy Huỳnh Quốc Việt (phải) tham quan mô hình nuôi kết hợp cua và sò huyết của Tổ hợp tác ấp Kinh Lớn (xã Đông Thới).

NÂNG CAO NĂNG SUẤT VÀ HIỆU QUẢ KINH TẾ

Thông qua thực hiện Đề án Nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả trong sản xuất tôm, lúa giai đoạn 2009 – 2015 và Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp đến năm 2020, huyện Cái Nước đã hình thành ba vùng sản xuất trọng điểm, gắn với thế mạnh kinh tế của huyện. Đó là: Vùng nuôi tôm công nghiệp tập trung tại các xã Lương Thế Trân, Tân Hưng, Hòa Mỹ và Đông Hưng; vùng nuôi tôm quảng canh cải tiến, phân bổ đều khắp ở các xã/thị trấn; sản xuất lúa – tôm kết hợp tại các xã trọng điểm như Thạnh Phú, Phú Hưng, Hưng Mỹ, Hòa Mỹ. Ngoài ra, ở những nơi có điều kiện, vận động nhân dân tận dụng tối đa diện tích đất hoang, vườn tạp trồng hoa màu, kết hợp nuôi cá chình, cá bống tượng và đa dạng đối tượng nuôi.

Trồng bồn bồn kết hợp nuôi cá nước ngọt của nông dân ấp Đông Hưng (xã Tân Hưng Đông).

Qua đó, từ năm 2010 – 2015, huyện đầu tư 83 tỷ đồng xây dựng kết cấu hạ tầng, thủy lợi, chuyển giao khoa học – kỹ thuật, xây dựng mô hình sản xuất, gắn với củng cố các tổ chức sản xuất, nhân rộng mô hình sản xuất cho hiệu quả kinh tế cao. Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện toàn huyện có 92 mô hình sản xuất cho hiệu quả từ 70 đến trên 250 triệu đồng/ha/năm, có thể phổ biến nhân rộng để nông dân thực hiện.

Điển hình như các mô hình: Nuôi tôm lót bạt ở xã Tân Hưng; nuôi tôm quảng canh cải tiến năng suất cao ở xã Đông Hưng; nuôi sò huyết và nuôi cua thương phẩm ở xã Đông Thới, Trần Thới; mô hình luân canh lúa – tôm kết hợp ở xã Phú Hưng; nuôi tôm càng xanh toàn đực trong ruộng lúa ở ấp Sở Tại, xã Thạnh Phú… Qua đó góp phần thúc đẩy sản xuất của huyện phát triển, nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế trên cùng đơn vị diện tích sản xuất. Nếu như năm 2010, năng suất tôm công nghiệp của huyện chỉ đạt 4,7 tấn/ha, đến nay đạt bình quân gần 6 tấn/ha; tôm quảng canh cải tiến năng suất bình quân từ 417kg/ha tăng lên 512 kg/ha. Tổng sản lượng thủy sản năm nay ước đạt 40.000 tấn, tăng gần gấp đôi so với năm 2010.

Mô hình lúa – tôm kết hợp của nông dân xã Hưng Mỹ.

Ông Mai Văn Quốc (phải) thu hoạch tôm càng xanh trong ruộng lúa.

NHIỀU CÁCH LÀM HAY, SÁNG TẠO CỦA NÔNG DÂN

Thông qua ứng dụng khoa học – kỹ thuật và phát huy kinh nghiệm tích lũy trong sản xuất, nông dân địa phương đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo và hiệu quả.

Mô hình nuôi sò huyết kết hợp với nuôi cua thương phẩm của Tổ hợp tác sản xuất 2/9 (ấp Kinh Lớn, xã Đông Thới) cho hiệu quả cao khi mỗi thành viên có mức thu nhập trên 150 triệu đồng/ha sau khi trừ chi phí.

Hay tại ấp Vịnh Gốc (xã Hưng Mỹ), hộ anh Nguyễn Văn Phận tận dụng 3.000m2 đất vườn tạp quanh nhà trồng rau má, anh tự chế hệ thống tưới tiêu dạng phun sương kết hợp với mái che, nên rau má cho thu hoạch quanh năm, hiệu quả kinh tế mang lại không hề nhỏ. Anh Phận ví von: “Với cách làm của tôi, một công đất trồng rau má cho hiệu quả kinh tế bằng 5 công vuông nuôi tôm. Nuôi tôm còn có khi trúng khi thất, mấy tháng mới cho thu hoạch, còn rau má cho thu hoạch hàng ngày nên thu nhập rất ổn định và bền vững”.

Tại ấp Sở Tại, nói đến nông dân Mai Văn Quốc, mọi người ai cũng đều biết, ông được chính quyền và bà con ở địa phương đặt cho biệt danh là “kỹ sư chân đất”. 15 năm chuyển đổi cơ cấu sản xuất từ trồng lúa sang nuôi tôm, chưa năm nào ông bỏ cây lúa; kể cả những năm thời tiết khắc nghiệt nhất, ông vẫn thực hiện thành công vụ lúa trên đất nuôi tôm. Vụ mùa năm 2014 và 2015, ông còn đảm nhận thực hiện khảo nghiệm bộ giống lúa chịu mặn 5‰ cho Trường Đại học Cần Thơ và Trung tâm Giống nông nghiệp Cà Mau, nhằm tìm ra giống lúa chịu mặn phục vụ sản xuất cho vùng chuyển dịch của tỉnh. Vụ mùa năm 2015, ông Mai Văn Quốc đột phá trong việc thực hiện mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực trong ruộng lúa. Trong vụ tôm thử nghiệm đầu tiên, gia đình ông đã thành công với thu nhập từ con tôm càng xanh 35 triệu đồng, mở ra hướng đi mới cho bà con nông dân trong khu vực.

Trong điều kiện biến đổi khí hậu, sản xuất của nông dân sẽ ngày càng gặp khó khăn bất lợi. Do vậy, để thực hiện thắng lợi Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh Cà Mau nói chung và từng địa phương nói riêng, vấn đề đặt ra hiện nay là cần nhân rộng mô hình và điển hình tiên tiến trong lao động sản xuất, nhằm phát huy và khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương và sức sáng tạo của người dân. Có như thế, sản xuất mới có điều kiện phát triển mạnh và bền vững.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *