Chuyện giảm nghèo của huyện Phú Tân: Chậm mà chắc

Giảm trên 1,5% số hộ nghèo/năm là con số khá ấn tượng mà huyện đã làm được trong thời gian qua. Trong khi đó, có nhiều huyện số hộ nghèo tăng cao theo tiêu chí đa chiều, gây khó khăn cho quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), đặc biệt là tiêu chí về hộ nghèo.

Gia đình ông Sương có thu nhập ổn định từ mô hình trồng màu.

TẬP TRUNG NHIỀU GIẢI PHÁP

Để triển khai đồng bộ các giải pháp giảm nghèo bền vững, để người nghèo ngày càng được tạo điều kiện tiếp cận tốt hơn với dịch vụ xã hội: Y tế, giáo dục, văn hóa, tín dụng… Huyện ủy đã triển khai nhiều Nghị quyết, Chỉ thị, nhằm giúp người dân tìm hướng thoát nghèo. Tận dụng lợi thế là vùng ngập mặn, người dân đã biết chọn lựa loại hình sản xuất phù hợp, tăng thu nhập, góp phần tạo nên sự thay đổi cho bộ mặt nông thôn. Đặc biệt là các xã nghèo khó khăn đã có sự thay đổi đáng kể, nhất là về cơ sở hạ tầng và mức sống của nhân dân.

Mạnh dạn chuyển đổi sản xuất là câu chuyện làm giàu của nông dân Vũ Tiến Sương (ấp Xẻo Sâu, xã Nguyễn Việt Khái). Ông Sương quê gốc Nam Định, vào Nam năm 2001, với hai bàn tay trắng, dành dụm tiền mua được hơn 6ha đất sản xuất. Sống chật vật với con tôm, không thoát được cảnh nghèo khó, ông muốn tìm hướng đưa gia đình thoát nghèo. Ông Sương chia sẻ: “Thời ấy, nếu chỉ tập trung vào con tôm thì làm sao mà thoát nghèo được, thấy bờ liếp mọc nhiều rau má, tôi nghĩ rau má sống được với vùng đất phèn, mặn và có ý nhân rộng. Thời điểm đó không có nước ngọt, phải đi xin nước giếng khoan, không xuồng, ghe, phải cột từng cái can nhựa lại đi xin nước rồi thả xuống sông bè về”.

Xã Phú Mỹ tận dụng nội lực, vận động được các doanh nghiệp trên địa bàn xã cùng chung tay giảm nghèo, làm tốt công tác an sinh xã hội. Ảnh: Ông Phan Mộng Thành (phải), Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, trao 10 suất gạo do xã vận động DNTN Út Son trên địa bàn hỗ trợ, tặng hộ nghèo.

Khó khăn là thế nhưng với ý chí thoát nghèo đã tạo cho ông động lực. Tham khảo trên đài, thông qua các lớp tập huấn, ông áp dụng kỹ thuật trong trồng trọt, bằng cách “lấy công làm lời” đến nay diện tích trồng màu của gia đình ông hơn 3.000m2, cho 60 – 70kg rau/ngày, giúp gia đình ông có thu nhập tương đối ổn định. Nhờ đó, ông chủ động chia sẻ kinh nghiệm với nhiều hộ trong vùng để cùng nhau làm giàu.

Song song đó, hướng giải pháp giảm nghèo bền vững được huyện tập trung triển khai là thực hiện tốt chính sách đào tạo dạy nghề cho lao động nông thôn, nhất là lao động thuộc hộ nghèo. Nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hộ nghèo đã tự chuyển đổi nghề, chuyển đổi cơ cấu lao động, biết sản xuất kinh doanh để vươn lên thoát nghèo. Trong 5 năm (2010 – 2015), toàn huyện có trên 26.000 lao động được học nghề. Riêng 9 tháng đầu năm 2016, huyện đã phối hợp thực hiện kế hoạch tuyển lao động, giải quyết việc làm cho hơn 5.000 lao động nông thôn. Nhiều người thuộc hộ nghèo đã có cơ hội được đào tạo nghề và giải quyết việc làm.

Toàn huyện có hàng trăm hộ gia đình được hỗ trợ xây dựng nhà ở từ Quỹ Vì người nghèo và các nguồn khác, đặc biệt là 100% hộ nghèo được cấp thẻ Bảo hiểm y tế.

Tâm huyết về công tác giảm nghèo, Phó Chủ tịch UBND huyện, ông Trương Hoàng Khải: “Huyện còn thành lập Ban Giảm nghèo phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội giải quyết vay tín chấp hỗ trợ cho hộ nghèo vay vốn, đảm bảo hầu hết các hộ nghèo được tiếp cận với nguồn vốn để phát triển kinh tế và tăng thu nhập, từng bước thoát nghèo”.

NHIỀU CÁCH LÀM HAY

Là xã điểm của huyện, đang phấn đấu đạt chuẩn NTM mới vào cuối năm 2016, Phú Mỹ đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo trong công tác giảm nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo của xã chỉ còn 3,11%, là một con số mà các xã khác mơ ước đạt được.

Phó Chủ tịch UBND xã, anh Nguyễn Trường Sơn: “Xã có phương án vận động các nguồn lực từ bên ngoài là những người con của quê hương Phú Mỹ làm ăn xa quê đến nay thành đạt ngoài tỉnh hỗ trợ nhà, hỗ trợ vốn sản xuất, vật chất sinh hoạt hằng ngày cho các đối tượng là hộ nghèo, cận nghèo để các hộ này có động lực, điều kiện vươn lên trong cuộc sống. Ngoài ra, xã ưu tiên các lớp học nghề cho các đối tượng là hộ nghèo, cận nghèo. Sau khi học nghề xong, các đối tượng này có tay nghề, tìm được việc làm phù hợp ở các tỉnh gửi tiền về giúp đỡ gia đình, nâng dần thu nhập cho gia đình, vươn lên thoát nghèo. Song song đó, xã thường xuyên cử cán bộ đến từng hộ gia đình thăm hỏi, động viên từ đó nắm được tâm tư nguyện vọng, khó khăn của từng hộ để có những biện pháp giúp các hộ này vượt qua khó khăn”.

Trước khi thực hiện tiêu chí đa chiều xã có dưới 4% tỷ lệ hộ nghèo con số trước và sau khi thực hiện tiêu chí giảm nghèo đa chiều không cao điều đó chứng minh, công tác giảm nghèo luôn được xã quan tâm sát sao, thường xuyên quán triệt cho các đoàn thể quan tâm đến từng hội viên, tạo điều kiện để họ vươn lên trong cuộc sống. Chú trọng đến các mô hình điểm, mô hình kinh tế hiệu quả, tăng cường kiểm tra để nhân rộng trong nhân dân.

Điển hình là mô hình làm chả cá phi của Chi hội Phụ nữ ấp Vàm Xáng, được thành lập từ đầu năm 2016, có 9 thành viên, đều đặn, mỗi ngày điểm làm chả cá của chị em ấp Vàm Xáng đều cung ra thị trường vài chục ký chả, bình quân mỗi chị thu nhập từ 3 triệu đồng từ nghề làm chả cá này, vừa tăng thu nhập vừa góp phần giải quyết lao động tại địa phương.

Ông Trương Hoàng Khải phấn khởi: “Bám vào những nghị quyết của huyện, huyện tập trung chỉ đạo về công tác giảm nghèo cho các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao: Tân Hải (tỷ lệ hộ nghèo 12,53%) và xã Nguyễn Việt Khái (tỷ lệ hộ nghèo 16,24%) và định hướng cho xã Rạch Chèo đạt chuẩn xã NTM vào năm 2017”.

Với những giải pháp đồng bộ, cùng với nhiều cách làm hay, là tiền đề quan trọng để huyện tiếp tục đạt được nhiều kết quả trong thời gian tới, góp phần nâng cao đời sống của nhân dân và thúc đẩy kinh tế – xã hội của huyện ngày càng phát triển.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *