Cô giáo gần 30 năm gắn bó, nhiệt huyết với nghề

Cách nay 30 năm, cô Trần Yến Nhi từng là sinh viên chuyên ngành Nga văn, Trường Cao đẳng Sư phạm tỉnh Tiền Giang. Tốt nghiệp, cô dạy tiếng Nga, tiếng Anh ở một trường THCS của Tiền Giang, sau này theo chồng về xã Phong Lạc sinh sống. Để tiếp tục được đứng trên bục giảng, cô Nhi đăng ký học thêm Cao đẳng Sư phạm chuyên ngành Tiểu học, mở tại huyện Trần Văn Thời.

Kỷ niệm đầu tiên khi về Trường Tiểu học 2 Khánh Bình Tây Bắc, cô Nhi vẫn còn nhớ như in. “Năm học 2003 – 2004, tôi được giao chủ nhiệm lớp 4, lớp được các thầy cô ở trường nhận xét là “quậy” nhất và nhiều học sinh có học lực yếu so với các lớp khác. Qua tìm hiểu tính cách, gia cảnh, hiểu được mặt mạnh, mặt yếu của từng em, tôi quyết tâm cải thiện học lực của từng em bằng cách mỗi ngày lên lớp từ sớm để dạy các em đọc, viết, làm toán, luyện chữ và những kiến thức đã bị mất căn bản. Song song đó, tôi gợi sự hứng thú học tập cho các em bằng những phần thưởng nho nhỏ cho em nào có cố gắng. Dần dần, một em học, rồi rủ các em khác cùng học, tạo ra phong trào thi đua học tập sôi nổi trong lớp. Kết quả năm đó, các cuộc thi viết chữ đẹp, thi học sinh giỏi vòng trường, lớp tôi đạt thành tích nhất khối”, cô Nhi nhớ lại. Từ đó, phong trào thi đua dạy và học được lan tỏa mạnh mẽ ở các lớp khác, thông qua việc các thầy cô tăng cường phụ đạo cho học sinh yếu.

Cô Trần Yến Nhi trong một tiết dạy trên lớp.

Với cô Nhi, hiểu được tâm tư nguyện vọng của các em ở trường thôi chưa đủ, mà cô còn chủ động liên lạc với phụ huynh, tìm hiểu gia cảnh của từng em để hiểu học trò hơn và thông báo tình hình học tập của các em trên lớp. Hiện trong lớp 5A do cô chủ nhiệm có em Lê Ngọc Mến ở ấp Sào Lưới A, xã Khánh Bình Tây Bắc có hoàn cảnh khó khăn; cha mẹ đi làm ở Bình Dương, bốn chị em Mến sống cùng bà nội đã già yếu. Ngoài giờ đi học, về nhà Mến tranh thủ phụ bà việc nhà và giữ em, do vậy thời gian dành cho việc học bài ở nhà của em rất ít. Cô Nhi kể: “Nhiều lần gọi Mến lên trả bài, em đều không thuộc. Nếu mình không tìm hiểu, sẽ không hiểu được hoàn cảnh vất vả của em. Vì vậy, ở lớp tôi cố gắng kèm thêm cho Mến, giúp em ấy nhớ bài ngay tại lớp”. Chị Huỳnh Mai Trân, ở ấp Sào Lưới B, là phụ huynh em Nguyễn Huỳnh, học sinh lớp 5A, cảm nhận: “Huỳnh ở lớp có điểm nào chưa ngoan hay học tập còn yếu môn gì là cô Nhi thông báo ngay cho tôi biết, về nhà tôi kèm cặp con mình tốt hơn. Không riêng tôi, các phụ huynh khác đều rất yên tâm khi con mình được một giáo viên như vậy dạy dỗ”.

Trong những giờ lên lớp, cô Nhi luôn cố gắng tạo hứng thú trong học tập cho các em. Cách nay 7 năm, trong một tiết Lịch sử lớp 5, khi dạy đến bài Thu – Đông 1947, Việt Bắc “Mồ chôn giặc Pháp”, cô Nhi nảy ra ý định vẽ lược đồ minh họa cho bài giảng thêm sinh động. “Do sách giáo khoa lúc đó chưa có tranh vẽ minh họa bài học này, tôi nghĩ, nếu có lược đồ sẽ giúp học sinh hứng thú học và nhớ bài hơn rất nhiều, các em vô cùng thích thú”. Cũng trong năm học đó, sáng kiến của cô Nhi được chọn tham gia dự thi đồ dùng dạy học tự làm cấp tiểu học và được giải A cấp tỉnh.

Cô giáo Lê Ngọc Hân chia sẻ về đồng nghiệp: “Làm việc chung với cô Nhi hơn 17 năm, ở cô có những tính cách rất đáng để học tập, đó là sự kiên trì, làm việc gì là làm đến cùng. Đơn cử như thi viết chữ đẹp, cô Nhi tự mình rèn chữ, đến khi thi đạt giải, ai cũng bất ngờ. Trong trường, hễ phát động phong trào nào là cô Nhi đều đạt thành tích cao trong phong trào đó. Cô còn nhiệt tình hướng dẫn các đồng nghiệp trong các cuộc thi giáo viên dạy giỏi vòng huyện, vòng tỉnh”.

Gần 30 năm gắn bó với nghề giáo, đến nay, dù sức khỏe không ổn định với căn bệnh trong người, nhưng cô Nhi vẫn nhiệt huyết với nghề. Cô Nhi tâm sự: “Những câu nói hồn nhiên của trẻ thơ làm mình không bỏ nghề được. Tôi chỉ mong dạy cho các em kiến thức, điều hay, lẽ phải, biết thương yêu những người xung quanh, làm hành trang cho các em bước vào những cấp học tiếp theo. Tương lai các em sau khi ra trường có việc làm ổn định là hạnh phúc nhất đời tôi”.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *