Còn mãi nỗi đau…

Ông Trịnh Minh Cảnh sau khi bị tai nạn giao thông đã không còn khả năng lao động, bên người con trai tật nguyền.

Trước những con số không dám đọc, những hình ảnh không dám nhìn, TNGT trở thành thảm họa đau lòng. Điều đó đồng nghĩa với việc có hàng trăm gia đình cùng chung một nỗi đau. Những câu chuyện đau lòng về một gia đình đầm ấm, hạnh phúc, đầy ắp tiếng cười chỉ trong giây lát rơi vào thảm cảnh tang thương, đang hằng ngày xảy ra đâu đó trên mọi nẻo đường. Và câu hỏi đặt ra: Ai có thể đẩy lùi thảm họa TNGT? Câu trả lời: Chính mỗi người trong cộng đồng sẽ làm được việc này, bởi các cấp chính quyền, đoàn thể có đẩy mạnh tuyên truyền hoặc ra quân kiểm tra phương tiện, tăng mức xử phạt… bao nhiêu đi chăng nữa cũng sẽ không tác dụng, nếu mỗi người không tự nâng cao ý thức về mối nguy hiểm từ TNGT. Lễ tưởng niệm nạn nhân tử vong vì TNGT hằng năm được tổ chức vào ngày 19 tháng 11 không chỉ chia sẻ nỗi đau với gia đình các nạn nhân TNGT, mà còn gióng lên hồi chuông cảnh báo về thảm họa TNGT đang ám ảnh toàn xã hội.

Những vụ tai nạn giao thông luôn để lại hậu quả nặng nề cho người thân, gia đình và toàn xã hội.

GÁNH NẶNG CHO GIA ĐÌNH

Hạnh phúc hơn người đã chết, nhiều người may mắn sống sót sau những vụ TNGT, trở về với gia đình nhưng có thể cả quãng đời còn lại phải ngồi trên chiếc xe lăn hoặc nằm bất động trên giường bệnh, cuộc sống chỉ còn biết nương nhờ người thân. Anh Dương Tấn Lộc, 35 tuổi (Khóm 1, Phường 4, TP. Cà Mau), cách đây hơn 4 năm, sau khi bị TNGT đã không còn tự chủ trong sinh hoạt. Cho đến tận bây giờ, vợ anh Lộc, chị Nguyễn Thị Thùy Trang cũng không biết chồng mình bị TNGT ở đâu, ai đã gây ra tai nạn, chị chỉ biết là sau khi bị tai nạn, chồng chị được một người tốt bụng nào đó đưa đến bệnh viện, hôn mê suốt 6 tháng trời và khi tỉnh lại anh không còn tự chủ trong sinh hoạt. Nhìn người chồng “đầu ấp tay gối” oằn mình trong đau đớn, chị Trang đã chạy vạy khắp nơi kiếm tiền lo thuốc thang, chạy chữa cho chồng, nhưng sau hai lần phẫu thuật chấn thương sọ não đều thất bại; theo lời khuyên của bác sĩ, chị đành đưa chồng về nhà an dưỡng. Trước kia, cuộc sống tuy có vất vả nhưng gia đình luôn hạnh phúc, đầm ấm, anh chạy xe ôm còn chị thì mỗi ngày cũng kiếm được vài chục ngàn tiền lời từ sạp trái cây nho nhỏ ngoài chợ nhóm. Từ khi chồng bị TNGT, bao nhiêu vất vả, lo toan đè nặng trên đôi vai người vợ trẻ, cuộc sống của cả gia đình 6 người chỉ trông chờ vào xấp vé số chị bán, vừa lo thuốc thang cho chồng vừa lo cái ăn, lại thêm bốn đứa con thơ dại, đứa lớn nhất đang học lớp mười, đứa nhỏ nhất mới bước vào lớp một. Rồi đây, liệu người phụ nữ này có đủ sức vượt qua bao khó khăn phía trước ?.

Ông Trịnh Minh Cảnh (ấp Tân Ánh, xã Phú Hưng, huyện Cái Nước) sau khi bị TNGT thì hoàn cảnh gia đình lâm vào cảnh túng thiếu, nợ nần. Ông Cảnh không còn khả năng lao động, do bị chấn động mạnh ở phần đầu. Người con trai duy nhất của vợ chồng ông cũng mất đi một phần sức khỏe, do trước đây lên thành phố làm thuê, trong lúc lao động bị máy cắt mất một bàn tay. Giờ đây, cuộc sống của gia đình chỉ trông chờ vào vợ ông, nhưng sức khỏe bà cũng nay ốm mai đau.

Hiện tại, mọi sinh hoạt cá nhân của anh Dương Tấn Lộc đều phải nhờ vào vợ.

NỖI ĐAU CHIA LÌA

Đối với người thân của các nạn nhân tử vong vì TNGT, cuộc sống của họ không chỉ thường trực nỗi đau thương, mất mát mà còn là nỗi ám ảnh khi luôn đối diện với ký ức kinh hoàng.

Nhìn ba chị em đang ở cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” giờ côi cút bên bàn thờ cha mẹ, khó ai có thể cầm lòng. Đó là ba chị em Huỳnh Thị Mỹ Phương, Huỳnh Cẩm Giang và Huỳnh Minh Nhật, ở xã Lý Văn Lâm, TP. Cà Mau. Cách đây gần 8 năm, anh Huỳnh Văn Du vĩnh viễn ra đi sau một TNGT thảm khốc, bỏ lại người vợ trẻ và ba đứa con thơ dại. Một gia đình êm ấm, hạnh phúc bỗng chốc trở nên tang thương. Mất đi người trụ cột trong gia đình, gánh nặng cơm, áo, gạo, tiền đè nặng, khi ấy chị Dung tưởng chừng mọi thứ như sụp đổ trước mắt mình, nhưng nhìn ba đứa con thơ dại là động lực giúp chị vượt qua chông gai. Thời gian cứ thế trôi qua, các con chị Dung ngày một lớn dần trong vòng tay yêu thương, chở che của chị. Nhưng thật trớ trêu, nỗi đau chồng chất nỗi đau, mẹ của ba đứa trẻ bất hạnh kia cũng bỏ chúng mà đi bởi TNGT. Ngày hôm đó, ngày định mệnh chia cắt tình mẫu tử, sau khi tan ca làm, trên đường về, chị Dung đã không về nhà được với các con của mình nữa. Bánh xe oan nghiệt đã cướp đi người mẹ thân yêu, khiến các em trở nên côi cút giữa cõi đời. Cả ba cháu Phương, Giang và Nhật vẫn còn quá nhỏ để có thể hiểu hết nỗi đau mà TNGT ập đến với gia đình mình. Trong giấc ngủ hằng đêm, các cháu vẫn thầm gọi tên cha, tên mẹ.

Hay hoàn cảnh ông Tăng Văn Kết ở ấp Lý Ấn, xã Hưng Mỹ, huyện Cái Nước, hoàn cảnh gia đình không mấy gì khá giả, từ khi ông bị TNGT thì đến nay khó khăn chồng chất khó khăn. Sau khi đi đám về, ông và một người bạn đi cùng xe, do trong người có rượu, không làm chủ tay lái nên đã xảy ra TNGT, đầu bị va đập mạnh xuống đường. Hậu quả là ông bị hôn mê sâu, sống thực vật. Vợ ông hằng ngày phải lo chăm sóc ông. Đứa con trai út đang là học sinh lớp 11, không biết rồi đây việc học của em có được tiếp tục khi cả gia đình phải tập trung lo cho người cha đang bệnh tật.

Rất nhiều gia đình đang phải gánh chịu hậu quả nặng nề và lâu dài của TNGT. Thiệt hại to lớn về nhân mạng là không gì bù đắp được. Chính vì thế, mỗi người chúng ta cần nhận thức rõ về tác hại khôn lường của TNGT đối với cuộc sống của chính mình, gia đình và toàn xã hội.

Thời gian dẫu có thể xóa nhòa mọi việc, song nỗi đau do TNGT gây ra luôn đè nặng người ở lại. Trong tận cùng sự đớn đau, đã có rất nhiều người phải hối hận: “Giá mà…”, “Giá như lúc đó…”, “Đáng lẽ ra”…, vì thực tế có người đã “nhanh một phút để chậm cả đời”. Thay vì hối hận muộn màng, mỗi chúng ta cần biết cách tự bảo vệ bản thân, gia đình mình và cộng đồng bằng ý thức tự giác chấp hành các quy định về an toàn khi tham gia giao thông, để ngày càng bớt đi những đau thương mất mát vì TNGT. “Hãy lái xe bằng cả trái tim”, “Nói không với rượu, bia khi tham gia giao thông” hay “Hãy đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe mô tô, gắn máy”… đều là những khẩu hiệu hết sức gần gũi và rất dễ thực hiện với tất cả mọi người. Những lời kêu gọi ấy không ở đâu xa, mà ở ngay trong mỗi trái tim có trách nhiệm trước an toàn tính mạng của chính mình và người khác. Hãy nghĩ đến sự an toàn của mình, nghĩ đến sự mong đợi của người thân trong gia đình, anh em, bè bạn và sự an toàn của những người đồng hành khác !.

Mỗi năm, cả nước có hơn 10.000 người chết và ngần ấy người bị thương do tai nạn giao thông. Con số này có ý nghĩa tương đương 30 gia đình mất người thân mỗi ngày và hơn 200 gia đình phải chịu cảnh tang thương, đau khổ do hậu quả của tai nạn giao thông để lại. Riêng ở tỉnh Cà Mau, từ đầu năm đến hết tháng 11, tai nạn giao thông và va chạm giao thông xảy ra 301vụ, làm chết 22 người, bị thương 500 người, tăng cả ba mặt so với cùng kỳ năm 2014.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *