Đổi mới lề lối, phương thức làm việc, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ

Để nhiệm vụ này đạt hiệu quả cao nhất, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm túc quy định của pháp luật về tuyển dụng, đào tạo, quy hoạch, bổ nhiệm, sử dụng cán bộ. Tỉnh cũng đã thành lập tổ kiểm tra công vụ, kiểm tra tại các cơ quan, đơn vị, để chấn chỉnh những hạn chế, sai sót trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Các cơ quan, đơn vị cũng đã kịp thời phổ biến, triển khai đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) và người lao động các quy định về đổi mới lề lối làm việc, tác phong làm việc.

Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm, tỉnh đã thực hiện bồi dưỡng 274 lượt cán bộ, công chức, viên chức, đạt tỷ lệ 26,47% so với kế hoạch.

Thông qua công tác đào tạo, bồi dưỡng, đội ngũ cán bộ, công chức cấp tỉnh, cấp huyện đạt chuẩn theo quy định chiếm tỷ lệ 97,71%; cán bộ lãnh đạo, quản lý từ cấp huyện trở lên đạt chuẩn theo quy định chiếm 99,6%; cán bộ chuyên trách cấp xã đạt chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ chiếm 98,71%.

Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tại Cà Mau không ngừng được chuẩn hóa, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Thực hiện Quyết định số 245/QĐ-UBND, ngày 16/2/2016 của UBND tỉnh Cà Mau và chủ trương tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ CBCCVC, từ năm 2015 đến nay, tỉnh Cà Mau đã thực hiện tinh giản 649 trường hợp thuộc khối Nhà nước, đạt 52,34% so với kế hoạch 2015 – 2018 (649/1.240) và đạt 24% so với kế hoạch 2015 – 2021 (649/2.710).

Theo Sở Nội vụ Cà Mau, mặc dù chưa đạt chỉ tiêu về số lượng nhưng việc thực hiện chính sách tinh giản biên chế đã có những tác động tích cực ban đầu. Đó là làm chuyển biến trong việc điều chỉnh, sắp xếp, bố trí lại đội ngũ CBCCVC (tức là chủ động hơn trong việc đưa ra khỏi biên chế những trường hợp dôi dư, làm việc kém hiệu quả, không đạt chuẩn trình độ, sức khỏe kém…; để có điều kiện tuyển chọn, bổ sung những người có trình độ, năng lực, triển vọng vào biên chế). Trước đây, việc làm này rất bị động, muốn thay đổi một cán bộ phải chờ đến tuổi nghỉ hưu hoặc chờ sự tự giác nghỉ chính sách của người đó.

Mục tiêu đến hết năm 2021, tỉnh sẽ tinh giản ít nhất 10% biên chế so với năm 2015 (tương đương 2.710 người). Bình quân mỗi năm sẽ tinh giản 687 trường hợp. Để đạt mục tiêu này, tỉnh cũng xác định cần phải tăng cường nâng cao nhận thức của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp về mục đích, ý nghĩa của việc sắp xếp tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế; đồng thời kiểm tra, giám sát, đánh giá, rút kinh nghiệm việc thực hiện tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ CBCCVC.

Bên cạnh kịp thời triển khai thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính, đơn vị sự nghiệp theo hướng tinh gọn, giảm đầu mối, giảm cấp trung gian (theo tinh thần các đề án thực hiện Nghị quyết Trung ương 6, 7 khóa XII). Tập trung rà soát, sàng lọc, đánh giá đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, từ đó mạnh dạn đưa ra khỏi biên chế những người hạn chế về năng lực, không đạt chuẩn trình độ, làm việc kém hiệu quả, không hoàn thành nhiệm vụ.

Kinh nghiệm được tỉnh rút ra trong quá trình đổi mới phương thức lãnh đạo, đổi mới phong cách, lề lối làm việc của đội ngũ lãnh đạo và CBCCVC làm việc trong các cơ quan công quyền, được xác định là công tác cán bộ. CBCCVC không chỉ có bản lĩnh chính trị vững vàng, từng bước được chuẩn hóa, mà cần phải có trình độ, năng lực và tâm huyết để thực thi nhiệm vụ.

Nhiều mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp được đặt ra trong thời gian tới, tuy nhiên, Đảng bộ, chính quyền, các đơn vị, địa phương, ban, ngành tỉnh luôn xác định cần tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, lề lối làm việc một cách toàn diện hơn nữa. Bên cạnh đổi mới ban hành nghị quyết, các chương trình hành động để cụ thể hóa và nâng cao chất lượng hoạt động ở các cơ quan công quyền; sẽ quyết tâm khắc phục những tồn tại, hạn chế nhằm nâng cao chất lượng, đổi mới bằng chính năng lực thực tiễn, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *