Giúp người nghiện ma túy tái hòa nhập cộng đồng: Cần sự quan tâm hơn của chính quyền và toàn xã hội

Sau cắt cơn nghiện, các đối tượng vẫn tham gia lao động, bản thân họ nhận thức được giá trị của cuộc sống, nên khi về lại cộng đồng, họ rất cần sự cảm thông và chia sẻ (ảnh chụp tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh).

Báo cáo của PC47 – Công an tỉnh cho biết, trong 8 tháng năm nay, toàn tỉnh đã khởi tố 37 vụ, 49 đối tượng liên quan đến ma túy (tăng 13 vụ và 9 đối tượng); xử lý hành chính 241 vụ, 494 đối tượng (giảm 9 vụ, tăng 102 đối tượng). Số người hiện có hồ sơ quản lý trên toàn tỉnh là 784 đối tượng, tăng 10 đối tượng so với cùng kỳ. Đây chỉ là con số thống kê được, theo đánh giá của ngành chức năng thì số đối tượng nghiện ngoài cộng đồng rất lớn.

Ông Nguyễn Văn Sánh, Phó Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh (Ấp 1, xã Khánh An, huyện U Minh) cho biết, đối tượng nghiện trên địa bàn TP. Cà Mau chiếm trên 70% toàn tỉnh, nhưng hiện chưa đồng loạt đưa các đối tượng đi cai nghiện bắt buộc, vì khi địa phương này triển khai thì đối tượng trốn sang địa phương khác để lẫn trốn. Mặt khác, khi áp dụng Nghị định 221/2013/NĐ-CP về quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, các ngành chức năng gặp rất nhiều khó khăn. Cụ thể, cơ quan cấp xã phải làm thủ tục, xác định tình trạng nghiện, chuyển qua Phòng Tư pháp thẩm định hồ sơ, tiếp theo là chuyển qua Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội xem xét, rồi mới chuyển qua Tòa án. Quan trọng là khâu xác định tình trạng nghiện, đến nay không có một địa phương nào xác định được tình trạng nghiện của đối tượng.

Theo Nghị định 94/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định về tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng, thì quản lý người sau cai 2 năm tại địa phương; đối tượng này hàng tháng phải đến cơ quan chức năng trình báo. Thế nhưng, hiện nay hầu hết các đối tượng tự ý chuyển đi nơi khác sinh sống, có một số đối tượng bỏ đi nhưng không trình báo với chính quyền địa phương, nên chính quyền địa phương không nắm được số lượng này.

Bên cạnh những khó khăn trên, thì vẫn còn sự thờ ơ của chính quyền, các ngành chức năng trong công tác giúp người nghiện tái hòa nhập cộng đồng. Ông Nguyễn Văn Sánh cho biết: “Cơ sở sẽ thông báo với gia đình và địa phương trước 45 ngày khi các đối tượng này được về với cộng đồng, nhưng đa phần chỉ có gia đình hoặc bạn bè của đối tượng đến đón, chứ không có đại diện chính quyền địa phương đến nhận”. Khi về với cộng đồng, những đối tượng này chưa có nơi để sinh hoạt, không được tổ chức hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao và các hoạt động xã hội khác nhằm giúp họ cai nghiện ma túy, phục hồi sức khỏe, nhân cách và hòa nhập cộng đồng. Mặt khác là sự kỳ thị đối với họ vẫn còn tồn tại trong xã hội. Tại cơ sở cai nghiện, các đối tượng được dạy các nghề như cắt tóc, mộc, may dân dụng, nhưng khi về địa phương thì hầu hết họ không tìm được việc làm; còn những ánh nhìn sợ sệt, những cái “lắc đầu” của những cơ sở kinh doanh từ chối không tuyển lao động… Chính những yếu tố này đã làm cho họ không đủ dũng cảm đối mặt với thực tại, mà sớm trở lại con đường nghiện ngập.

Ông Lý Việt Thống, Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội tỉnh, cho biết: “Hầu hết các đối tượng bị tái nghiện, số đối tượng hoàn lương chỉ chiếm khoảng 5 – 6%. Nghiện ma túy giống như căn bệnh mãn tính, không dứt ra được, nếu người nghiện không có quyết tâm và sự hỗ trợ của gia đình và xã hội thì không dễ dàng gì mà thoát ra được”.

Có thể nói, sự quan tâm hơn nữa của chính quyền địa phương và toàn xã hội có mở rộng vòng tay đón nhận, thì những người trót một lần lầm lỡ mới có thêm điều kiện, động lực và niềm tin để đoạt tuyệt với “nàng tiên nâu”, làm lại cuộc đời, trở thành người có ích cho xã hội.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *