Hướng dẫn lắp đặt, quản lý, sử dụng hệ thống biogas an toàn

Vụ ngạt khí gas gây chết 3 người và có đến 7 người bị tổn thương tại ấp Lý Ấn, xã Hưng Mỹ, huyện Cái Nước, ngày 23/4 vừa qua là vụ tai nạn thương tâm và rất đáng tiếc, mà nguyên nhân chính là do người dân chưa đủ kiến thức về biogas, tự mua vật dụng và tự lắp đặt hệ thống biogas không đạt chuẩn.

Hiện trường vụ ngạt khí gas ở ấp Lý Ấn, xã Hưng Mỹ, huyện Cái Nước, ngày 23/4 vừa qua. Ảnh: VĂN ĐUM

Một hệ thống biogas gọi là an toàn phải có đủ 3 thành phần, trong đó các bộ phận đi kèm phải đảm bảo chất lượng và được lắp đặt đúng kỹ thuật, đồng thời người quản lý sử dụng cần phải được tư vấn vận hành, bảo dưỡng kỹ. Ba thành phần gồm:

– Hầm chứa phân (hay bể xử lý) có thể xây bằng xi-măng được tô trét thật kín, hay làm bằng dạng bọc PE chuyên dùng 2 – 3 lớp, sức chứa nhiều hay ít căn cứ vào số lượng gia súc nuôi. Trên đỉnh hầm chứa phân phải có chừa lỗ thu khí để nối thông vào hệ thống ống dẫn khí đưa về nơi sử dụng. Ngoài ra hầm chứa còn có đường ống dẫn phân đầu vào (đường nạp nguyên liệu) và đường ống xả nước thải sau khi qua quá trình xử lý yếm khí, tất cả phải đạt chất lượng và lắp đặt đúng.

– Túi phụ chứa khí gas cũng làm bằng 2 – 3 lớp nhựa PE chuyên dùng, quấn kín hai đầu và nối thông với hệ thống ống dẫn khí, chiều dài tùy thuộc lượng gas nhiều hay ít của toàn hệ thống và thường được bố trí treo nằm phía trên hệ thống ống dẫn gas. Theo hệ thống ống dẫn, khí gas vào túi chứa phụ, vào bếp, và van an toàn sẽ quyết định áp lực gas của túi chứa tùy theo độ ngập nước của đoạn ống van tự xả ngâm trong can nhựa.

– Thành phần thứ ba là hệ thống ống dẫn khí và các van, được kết nối thông suốt từ lỗ thu khí trên đỉnh hầm chứa phân, qua túi phụ chứa khí gas, vào van an toàn tự xả và qua các van cần có theo nhu cầu sử dụng gas để vào tận các bếp lò. Trong đó có van an toàn là van điều áp tự xả, tuy đơn giản mà rất quan trọng, nó thường được làm bằng can nhựa 5 – 7 lít chứa nước và có đoạn ống hở cắm ngập trong nước, còn phần trên nối thông với hệ thống ống dẫn khí. Mực nước trong can ngập đoạn ống sâu hay cạn sẽ quyết định áp suất khí của hệ thống biogas mạnh hay yếu, muốn chứa gas nhiều để có áp suất mạnh thì đổ thêm nước cho đoạn ống này ngập sâu xuống, và nếu khí gas quá nhiều, áp lực mạnh lên nó sẽ tự trào để bảo vệ cho túi chứa khí không bị xì, nổ – giữ cho cả hệ thống an toàn.

Toàn bộ các thành phần của hệ thống đều phải đảm bảo tốt, được lắp đặt đúng kỹ thuật, kín hơi lẫn phân, nước thải, không để bị rò rỉ thoát ra môi trường. Nếu có bất kỳ chỗ nào không kín thì sẽ bị thoát khí, hệ thống không còn gas hoặc áp lực gas không đảm bảo và có thể gây ô nhiễm do khí độc phát tán vào không khí sẽ gây ngộ độc rất nguy hiểm, hoặc thoát nước thải hay phân ra môi trường gây ô nhiễm cho đất, nước đều không tốt.

Thêm một điều cần lưu ý, có một trục trặc nhỏ nếu người quản lý sử dụng không để ý sẽ có thể bị tắc đường gas trên những đoạn ống dẫn khí bị cong trùng xuống, rồi do hơi nước ngưng tụ lâu ngày thành lượng lớn bít cả đường ống dẫn gas, và nếu không phát hiện, xử lý kịp thời có thể làm vô hiệu hóa van an toàn và có thể làm tổn hại cho hầm chứa phân hoặc túi chứa gas tùy van tự động đặt phía trước hay sau đoạn bị tắc này. Vì thế khi thiết kế đường ống dẫn gas từ túi chứa khí vào nơi sử dụng hay từ hầm phân vào túi chứa đều không nên để có những đoạn ống nằm ngang, vì dễ bị oằn xuống gây đọng nước, làm tắc đường ống dẫn gas, mà nên để có độ dốc nhất định cho nước ngưng tụ thoát đi. Do vậy người quản lý sử dụng phải thường xuyên kiểm tra sự an toàn, hữu dụng của cả hệ thống biogas, phải hết sức thận trọng đề phòng mọi sự cố có thể xảy ra ở bất kỳ bộ phận nào, vì nó đều có thể gây nguy hại, gây ô nhiễm môi trường.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *