Khởi động chiến dịch trồng rừng ngập mặn, bảo vệ bãi ven biển

Gần 500 người gồm đại biểu cấp Trung ương, các tỉnh, thành và người dân địa phương tham dự buổi lễ phát động.

Tham dự buổi lễ có Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Hoàng Hiệp, Ủy viên Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, ông Lê Văn Sử; cùng đại diện lãnh đạo 19 tỉnh, thành khu vực miền Nam; chuyên gia các tổ chức quốc tế… 

Sạt lở bờ sông, bờ biển tại ĐBSCL nói chung và tỉnh Cà Mau nói riêng đang diễn biến hết sức phức tạp, ngày càng nghiêm trọng và ảnh hưởng lớn, tác động rất xấu đến đời sống cư dân và hạ tầng ven biển. Thời gian qua, Chính phủ, các địa phương và các tổ chức quốc tế đã sử dụng nhiều nguồn lực để ứng phó, khắc phục, hạn chế thực trạng này, tuy nhiên chưa mang lại hiệu quả thiết thực, chỉ cơ bản đáp ứng, hạn chế tình trạng sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển ở những nơi bức xúc, nguy cấp, chưa mang tính ổn định và bền vững.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cùng bà Caitlin Wiessn – Đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam, bắt tay thể hiện cam kết hợp tác trách nhiệm trong thực hiện các giải pháp ứng phó thiên tai, trồng rừng lấn biển.

 

“Bãi bồi đã được tạo, cây rừng đã được tái sinh tại những nơi trước đó đã mất đi do thiên tai, và chúng tôi đang đẩy nhanh hoạt động này trên tinh thần chẳng những “lấy lại những gì đã mất”, mà còn hướng đến mục tiêu đưa cây đước, cây mắm từng bước tiến xa ra biển tại những nơi có điều kiện, tạo vành đai phòng hộ vững chắc bảo vệ đất liền, bảo vệ sản xuất, ổn định đời sống cư dân ven biển”, ông Lê Văn Sử nêu quyết tâm của tỉnh Cà Mau.

“Bên cạnh các giải pháp mềm cũng như những hành động mang tính thích ứng trước tác động ngày càng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, không còn cách nào khác là phải sử dụng giải pháp công trình, mà trước tiên phải hình thành được kè chắn sóng, tạo bãi để khôi phục lại đai rừng phòng hộ, và cách làm của tỉnh Cà Mau là một điển hình, cần nghiên cứu tính khả thi để triển khai rộng, áp dụng phù hợp tại các địa phương”, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh khi phát biểu tại buổi lễ.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, ông Lê Văn Sử (hàng đầu, bìa trái) cùng bà Caitlin Wiessn tham gia trồng rừng sau lễ phát động.

Dự báo lũ sẽ không về, lượng phù sa đến hạ nguồn trong những năm tới chỉ còn khoảng 7%, tình trạng sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển sẽ càng thêm nghiêm trọng, vì thế ngay từ bây giờ cần khẩn trương và quyết tâm hành động giữ cho được từng hạt phù sa, từng tấc đất, tạo tính ổn định vùng bờ thông qua nhiều giải pháp.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, ông Lê Văn Sử cho biết, địa phương bị ảnh hưởng toàn diện và nặng nề của tình trạng biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Tỉnh đã chủ động hành động bằng nhiều giải pháp kè hộ đê, và đến nay đã phát huy hiệu quả tại những nơi trước đây được xem là xung yếu, bức xúc.

Trước đó, tại Hội nghị Phòng chống thiên tai các tỉnh Nam Bộ do Bộ NN&PTNT tổ chức tại Cà Mau, có 9 tập thể và 12 cá nhân được Bộ tặng Bằng khen vì có nhiều thành tích trong ứng phó thiên tai; trong đó, tỉnh Cà Mau có 1 tập thể và 2 cá nhân được khen thưởng.

Tại buỗi lễ, các tổ chức quốc tế cam kết tiếp tục đồng hành với tỉnh Cà Mau cũng như vùng ĐBSCL trong thực hiện các giải pháp ứng phó trước tác động của biến đổi khí hậu, nhất là việc tài trợ thực hiện trồng rừng tái tạo ven biển, các hoạt động tạo sinh kế cho người dân ở vùng ven biển dễ bị tổn thương do thiên tai.

Sau buổi lễ, lãnh đạo Bộ NN&PTNT, các địa phương và đại biểu các tổ chức quốc tế, lực lượng thanh niên Cà Mau… tiến hành trồng hàng ngàn cây mắm, cây đước tại vùng bãi bồi ven cửa biển Hòn Đá Bạc.

Tiếp sau sự kiện này, các tỉnh, thành phố ven biển sẽ có kế hoạch ra quân, hưởng ứng Lễ phát động, nhằm lan tỏa phong trào trồng rừng ngập mặn và bảo vệ bãi ven biển trên phạm vi cả nước.

Thông tin từ Bộ NN&PTNT, trên cả nước năm 2018, thiên tai đã làm 224 người chết và mất tích, thiệt hại kinh tế ước tính gần 20.000 tỷ đồng. Tại khu vực Nam Bộ, thiên tai gây thiệt hại, ảnh hưởng lớn nhất là lũ ở ĐBSCL, 441 vụ sạt lở bờ sông, bờ biển, làm 10 người chết và mất tích; thiệt hại ước tính gần 118 tỷ đồng.

Dự báo năm 2019 sẽ có từ 10 – 12 cơn bão/áp thấp nhiệt đới, trong đó 4 – 5 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền, tập trung ở khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ, đề phòng khả năng xuất hiện bão mạnh, có quỹ đạo phức tạp và có thể ảnh hưởng đến khu vực Nam Bộ.

Trong thời gian tới, cần tiếp tục đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định bố trí vốn. Xây dựng thí điểm công trình thân thiện với môi trường, giá thành thấp, vật liệu địa phương để chống sạt lở bờ biển, phát triển vùng bãi kết hợp với bảo vệ môi trường một số khu vực ở ĐBSCL.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *