Kiên quyết hơn trong giải tỏa chướng ngại vật trên sông

Hiện toàn tỉnh có hơn 1.500.000 phương tiện thủy nội địa, hơn 1.000 tàu chuyên chở hàng hóa… mật độ lưu thông cao, hoạt động thường xuyên, nên việc đặt các dụng cụ khai thác thủy sản trên sông đã trở thành chướng ngại, là một trong những nguyên nhân làm gia tăng tai nạn giao thông.

Hoạt động thanh thải các chướng ngại vật trên sông, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn, luôn được địa phương quan tâm, song kết quả không mấy khả quan. Tình trạng tái chiếm lòng sông vẫn diễn ra.

Khai thác thủy sản trên sông là thói quen lâu đời của người dân vùng sông nước, để giải tỏa vật chướng ngại là những công cụ mưu sinh, cần sự kiên quyết, bên cạnh đó cần có những giải pháp căn cơ.

Tại huyện Phú Tân, theo kế hoạch, lực lượng chức năng phối hợp với các địa phương ra quân giải tỏa chướng ngại vật dọc theo tuyến sông Bảy Háp và tuyến từ thị trấn Cái Đôi Vàm đến xã Phú Mỹ, cùng một số tuyến trọng điểm khác trên địa bàn huyện, nhằm lập lại trật tự ATGT đường thủy trên địa bàn.

Qua những lần ra quân, đã có hàng chục miệng đáy, chà của người dân đóng trái phép để khai thác thủy sản đã được tháo dỡ. Tuy nhiên, việc tái chiếm sau khi ra quân vẫn còn, do khai thác thủy sản trên sông là thói quen lâu đời của người dân vùng sông nước, việc thay đổi không thể một sớm một chiều.

Theo Ban ATGT tỉnh, trong công tác thanh thải các vật chướng ngại trên sông, đã qua địa phương đã tập trung thực hiện, nhưng kết quả không cao. Qua theo dõi, nắm tình hình cho thấy nhiều địa phương chưa quan tâm, chỉ đạo sâu sát công tác giải tỏa vật chướng ngại trên sông. Chưa cử cán bộ lãnh đạo trực tiếp chỉ đạo các đợt ra quân, giải tỏa, thiếu kiểm tra công tác triển khai thực hiện của cấp xã, nên hiệu quả mang lại không cao.

Nhằm đảm bảo giao thông đường thủy thông suốt, an toàn, Ban ATGT tỉnh đề nghị Ban ATGT các huyện, TP. Cà Mau quan tâm hơn nữa công tác chỉ đạo, điều hành giải tỏa vật chướng ngại trên sông thuộc địa bàn quản lý. Phân công trách nhiệm cho từng thành viên trực tiếp chỉ đạo công tác giải tỏa trên địa bàn được phân công phụ trách. Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc công tác giải tỏa vật chướng ngại trên sông theo thẩm quyền.

Đối với tuyến sông thuộc địa bàn giáp ranh 2 địa phương, trước khi tiến hành giải tỏa phải tổ chức khảo sát, thống kê, phân loại đối tượng giải tỏa. Từ đó thống nhất xây dựng kế hoạch phối hợp, tổ chức thực hiện.

Khi thực hiện công tác giải tỏa, phải phân công cụ thể trách nhiệm cho từng thành viên tham gia. Đồng thời thực hiện tốt việc lập biên bản tổ chức, cá nhân vi phạm, thông báo việc giải tỏa, tạm giữ vật chướng ngại trên sông, buộc viết cam kết không được tái phạm, tuyên truyền nhân dân sinh sống dọc tuyến sông về công tác đảm bảo ATGT đường thủy nội địa. Sau khi giải tỏa, tổ chức ghi lại hình ảnh, lập biên bản bàn giao cho chính quyền địa phương quản lý.

Đối với các tuyến sông, theo đặc thù của địa phương, có thể tận dụng hành lang bảo vệ luồng để họp chợ, nuôi trồng, khai thác thủy sản; các địa phương khẩn trương phối hợp với cơ quan quản lý tuyến và ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiến hành khảo sát, đánh giá, nếu đạt yêu cầu thì lập danh sách gửi về Ban ATGT tỉnh để xem xét, tổng hợp trình UBND tỉnh.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *