Kinh doanh xăng E5: Ghi nhận nhiều khó khăn

Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh có 360 cửa hàng kinh doanh xăng dầu, trong đó chỉ có 145 cửa hàng (40,27%) đã bán xăng E5.

Tuyên truyền song hành với kiểm tra, giám sát

Để triển khai thực hiện Đề án cũng như Thông báo Kết luận số 255 của Văn phòng Chính phủ đạt kết quả, tỉnh Cà Mau đã tập trung xây dựng và đưa ra nhiều giải pháp. Theo đó, địa phương triển khai đến các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, TP. Cà Mau, các cơ quan truyền thông, các doanh nghiệp là đầu mối xăng dầu, để phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến về xăng sinh học cũng như lộ trình thực hiện, để người tiêu dùng biết lợi ích của loại xăng này, từ đó mạnh dạn sử dụng.

Song song với hoạt động tuyên truyền, tỉnh tăng cường kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện. Trong đó, chú trọng kiểm tra việc thực hiện các quy định áp dụng từ ngày 1/1/2018 chỉ kinh doanh xăng E5 RON 92 và xăng khoáng RON 95. Kiểm tra đối với việc thực hiện lộ trình nhiên liệu sinh học, sau ngày 31/12/2017 các cửa hàng còn kinh doanh xăng RON 92 thì sẽ bị xử lý theo quy định hiện hành. Kết quả, các đội quản lý thị trường đã tổ chức tiến hành kiểm tra 137 cơ sở, không phát hiện vi phạm nào liên quan đến vấn đề này.

Sở Công thương đã thành lập tổ kiểm tra, thực hiện kiểm tra đối với 23 cửa hàng. Qua kiểm tra cho thấy, các cửa hàng đã ngưng kinh doanh hoàn toàn xăng RON 92 theo lộ trình chuyển đổi, để chuyển sang kinh doanh mặt hàng xăng E5 hoặc xăng RON 95 theo quy định.

Để thúc đẩy người tiêu dùng sử dụng xăng E5

Mặc dù địa phương đã tổ chức đồng bộ nhiều giải pháp, song thực tế triển khai ghi nhận nhiều hạn chế. Hệ thống cửa hàng bán lẻ xăng dầu cơ bản được đầu tư đã lâu, nhiều cửa hàng chỉ có từ 1 – 2 bể chứa nên chi phí chuyển đổi ban đầu lớn, như: Đầu tư cơ sở vật chất, vệ sinh bồn bể, cột bơm, chi phí tạo nguồn, chi phí bảo quản hàng hóa, hao hụt, giá vốn mặt hàng cao.

Tổng lượng xăng E5 bán ra tại các cửa hàng đã triển khai kinh doanh chiếm tỷ lệ rất thấp so với xăng khoáng RON 92, bởi người tiêu dùng có thói quen sử dụng xăng khoáng truyền thống cũng như tâm lý e ngại về tính chất, đặc tính của xăng E5. Trong khi đó công tác tuyên truyền, quảng bá về xăng E5 đến người tiêu dùng còn ít, chưa có sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành. Việc tuyên truyền để khách hàng hiểu, chấp nhận sử dụng xăng sinh học E5 gặp khó, nhất là ở nơi dân trí chưa cao và họ thường so sánh, ngại chuyển đổi, sợ ảnh hưởng đến phương tiện.

Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh có 360 cửa hàng kinh doanh xăng dầu, trong đó chỉ có 145 cửa hàng (40,27%) đã bán xăng E5. Trong tuần lễ đầu thực hiện chuyển đổi (từ ngày 1 – 8/1), đã có 703m3 xăng E5 (44,9%) được bán ra.

Theo Sở Công thương, cái khó nhất hiện nay là tại tỉnh không có nguồn cung Ethanol tại chỗ để cung cấp phối trộn xăng E5, E10. Do trong tỉnh không có nhà máy sản xuất Ethanol, các doanh nghiệp trong tỉnh chưa đủ năng lực để thực hiện tự phối trộn nhiên liệu sinh học tại đơn vị, cũng như chưa tự kiểm tra đầy đủ chất lượng xăng E5.

Đồng thời, mức chênh lệch giá bán xăng E5 thấp hơn giá bán xăng RON 92 khoảng 500 đồng/lít. Mức chênh lệch này là chưa đáng kể, chưa tạo được sức hấp dẫn để người tiêu dùng thay đổi thói quen chấp nhận sử dụng nhiên liệu xăng E5 cho phương tiện mình đang sử dụng.

Từ thực tế trên, Sở Công thương đề nghị Chính phủ, Bộ Công thương chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối thuộc các tập đoàn, tổng công ty nhà nước sản xuất và đảm bảo cung ứng đủ xăng E5 cho thị trường. Bên cạnh đó, cần có thêm cơ chế giá phù hợp, duy trì và gia tăng mức chênh lệch giá giữa xăng khoáng và xăng E5 để thúc đẩy người tiêu dùng sử dụng xăng sinh học E5.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *