Luật An ninh mạng không hạn chế quyền tự do, dân chủ của người dân

Phòng Thiết bị công nghệ thông tin của Viễn thông Cà Mau. Ảnh: LÊ TUẤN (ảnh minh họa).

Với sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ, không gian mạng trở thành một bộ phận cấu thành không thể thiếu và đóng vai trò quan trọng trong xây dựng xã hội thông tin và phát triển kinh tế tri thức. Sự phát triển bùng nổ của công nghệ mang tính đột phá như trí tuệ nhân tạo, Internet của vạn vật, máy tính lượng tử, điện toán đám mây, hệ thống dữ liệu lớn, hệ thống dữ liệu nhanh… đã làm không gian mạng thay đổi sâu sắc cả về chất và lượng, được dự báo sẽ mang lại những lợi ích chưa từng có cho xã hội loài người, nhưng cũng làm xuất hiện những nguy cơ tiềm ẩn vô cùng lớn. Nhiều quốc gia đã nhận thức rõ về những mối đe dọa đối với an ninh mạng, coi đây là thách thức mới, mối đe dọa mới có tầm quan trọng và nguy hiểm cao, nên đã cụ thể hóa thành các văn bản chính sách, văn bản pháp luật như luật hoặc văn bản dưới luật tại hơn 80 quốc gia, tổ chức, liên minh quốc tế: Mỹ, Anh, Đức, Hà Lan, Pháp, Canada, Hàn Quốc, NATO… nhằm tạo ra các thiết chế, cơ sở pháp lý chống lại các nguy cơ đe dọa đến an ninh quốc gia từ không gian mạng; thành lập các lực lượng chuyên trách về an ninh mạng, tình báo mạng, chiến tranh mạng, phòng chống khủng bố mạng và tội phạm mạng.

Chỉ trong vòng 6 năm trở lại đây, đã có 23 quốc gia trên thế giới ban hành trên 40 văn bản luật về an ninh mạng. Ở nước ta, ứng dụng và phát triển mạnh mẽ công nghệ thông tin trong các lĩnh vực của đời sống đã góp phần to lớn đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, nâng cao chất lượng y tế, giáo dục, phát huy sức sáng tạo và quyền làm chủ của nhân dân, giữ vững quốc phòng, an ninh.

Tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại, hạn chế về an ninh mạng cần khắc phục: Tiềm lực quốc gia về an ninh mạng của nước ta chưa đủ mạnh, chưa huy động, khai thác được sức mạnh tổng hợp để đối phó với các mối đe dọa trên không gian mạng. Không gian mạng và một số loại hình dịch vụ, ứng dụng công nghệ thông tin đang bị các thế lực thù địch, phản động sử dụng để thực hiện âm mưu tiến hành “cách mạng màu”, “cách mạng đường phố”, “diễn biến hòa bình” nhằm xóa bỏ chế độ chính trị ở nước ta.

Tình trạng đăng tải thông tin sai sự thật, làm nhục, vu khống tổ chức, cá nhân tràn lan trên không gian mạng nhưng chưa có biện pháp quản lý hữu hiệu, dẫn tới nhiều hậu quả đáng tiếc về nhân mạng, tinh thần, thậm chí ảnh hưởng tới chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Ngày càng xuất hiện nhiều cuộc tấn công mạng với quy mô lớn, cường độ cao, gia tăng về tính chất nghiêm trọng, mức độ nguy hiểm đe dọa trực tiếp đến an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội. Khủng bố mạng nổi lên như một thách thức đe dọa nghiêm trọng tới an ninh quốc gia. Hoạt động phạm tội trên không gian mạng ngày càng gia tăng về số vụ, thủ đoạn tinh vi gây thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế, ảnh hưởng đến tư tưởng, văn hóa, xã hội.

Hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia chưa được xác định và bảo vệ bằng các biện pháp tương xứng. Do chưa xác định nội hàm sự cố an ninh mạng nên khi xảy ra các sự cố nguy hại, ảnh hưởng tới chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, việc triển khai hoạt động ứng phó, xử lý, khắc phục hậu quả của cơ quan chức năng có liên quan rất lúng túng, chưa có quy trình thống nhất, cơ quan có trách nhiệm bảo vệ an ninh mạng chưa thể chủ động triển khai các biện pháp, phương án phù hợp.

Tình hình lộ, lọt bí mật nhà nước qua không gian mạng rất đáng lo ngại, nhiều văn bản thuộc bí mật nhà nước bị đăng tải trên không gian mạng. Một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn tới tình trạng trên là do nhận thức của các cơ quan, doanh nghiệp và cá nhân về bảo vệ bí mật nhà nước trên không gian mạng còn hạn chế, ý thức trách nhiệm của nhiều cán bộ, nhân viên trong bảo mật thông tin trên không gian mạng còn chưa cao, chế tài xử phạt chưa đủ răn đe. Sự phụ thuộc vào thiết bị công nghệ thông tin có nguồn gốc từ nước ngoài. Không gian mạng đang ứng dụng sâu rộng vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, tuy nhiên, sự phụ thuộc vào trang thiết bị công nghệ thông tin xuất xứ từ nước ngoài là mối đe dọa tiềm tàng đối với an ninh mạng nếu xảy ra xung đột. Để tránh bị tin tặc tấn công, thu thập thông tin, hoạt động tình báo, một số sản phẩm, dịch vụ mạng cần đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn nhất định, nhất là khi các sản phẩm, dịch vụ này được sử dụng trong hệ thống thông tin quan trọng và an ninh quốc gia, địa điểm cơ yếu, bảo mật, chứa đựng bí mật nhà nước.

Trước đó, chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội họp phiên toàn thể, thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật An ninh mạng vào tháng 5/2018, đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Sơn (Tiền Giang) quan tâm đến Nguyên tắc bảo vệ an ninh mạng; Biện pháp bảo vệ an ninh mạng. Đại biểu đề nghị thống nhất quan điểm coi an ninh mạng là một nội hàm trong an ninh quốc gia và quốc phòng. Đại biểu nhấn mạnh: An ninh mạng phải có mối liên hệ mật thiết với an ninh, quốc phòng thì mới có thể giải quyết được các vấn đề liên quan, vì an ninh quốc gia có ý nghĩa rất lớn, bao trùm cả vấn đề quốc phòng và sự ổn định phát triển bền vững của chế độ xã hội chủ nghĩa và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Nhấn mạnh sự bất khả xâm phạm về độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc bao gồm cả trên thực tế, thực địa và trên cả không gian mạng, đại biểu đề nghị dự thảo Luật cần làm nổi bật được ý nghĩa đó thì mới có cơ sở để quy định và thực hiện triển khai trong thực tế. Quan tâm đến chính sách của Nhà nước về an ninh mạng, đại biểu đề nghị nghiên cứu bổ sung thêm một khoản về ưu tiên đào tạo phát triển nguồn nhân lực về an ninh mạng chất lượng cao, ưu tiên nghiên cứu phát triển công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, ứng dụng nhằm bảo vệ an ninh mạng. Bởi lẽ, theo đại biểu, các đối tượng có trình độ cao về công nghệ thông tin có thể sử dụng siêu máy tính hoặc hệ thống máy tính để tấn công mạng có chủ đích, tấn công mạng phá hoại hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin, tấn công mạng từ chối dịch vụ phân tán hoặc trong trường hợp chiến tranh mạng xảy ra…

Do đó, “việc ưu tiên đào tạo phát triển nguồn nhân lực về an ninh mạng chất lượng cao là nhằm bảo vệ vững chắc an ninh mạng của nước ta”, đại biểu nhấn mạnh.

Với hơn 86% đại biểu Quốc hội tán thành thông qua vào tháng 6 vừa qua, cho thấy, hoàn toàn không có chuyện Luật An ninh mạng “xâm phạm quyền riêng tư”; “xâm phạm quyền tự do ngôn luận”; “cướp đi quyền sử dụng Internet của người dân” như có kẻ đang xuyên tạc, phủ nhận.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *