Nâng cao chất lượng phục vụ từ ứng dụng các phần mềm quản lý bệnh viện

Được triển khai thí điểm tại Bệnh viện huyện Ngọc Hiển và Bệnh viện huyện Thới Bình từ năm 2007, phần mềm Quản lý bệnh viện HOSSOFT chứng tỏ tiện ích thực sự trong quản lý khám, chữa bệnh và vật tư y tế. Đến năm 2010, ngoài 2 đơn vị thí điểm, phần mềm HOSSOFT được Sở Y tế, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Thông tin và Truyền thông Cà Mau chấp thuận đưa vào ứng dụng rộng rãi tại: Bệnh viện Sản – Nhi, Bệnh viện Điều dưỡng và Phục hồi chức năng, bệnh viện hai huyện: U Minh, Phú Tân. Năm 2013, phần mềm triển khai tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, nhằm hướng đến một nền hành chính phục vụ là một trong nhiều mục tiêu quan trọng mà ngành Y tế Cà Mau đặt ra.

Bác sĩ Lưu Anh Tài, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh: Nhờ phần mềm Quản lý bệnh viện HOSSOFT mà từ khâu tiếp nhận khám bệnh, cấp phát thuốc, điều trị, quản lý thuốc, vật tư y tế trở nên minh bạch, rõ ràng, thống nhất, tiết kiệm được thời gian của nhân viên y tế và người bệnh. Dựa trên phần mềm này, lãnh đạo bệnh viện có thể kiểm tra, giám sát được nhiều hoạt động của bệnh viện, do đó hạn chế tiêu cực có thể xảy ra.

Cùng với HOSSOFT, hiện một số bệnh viện còn lại trong tỉnh sử dụng phần mềm Quản lý bệnh viện của Công ty Cổ phần Dược Hậu Giang (gọi tắt là DHG.Hospital). Tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Trần Văn Thời, phần mềm DHG.Hospital hỗ trợ quản lý thông tin khi bệnh nhân đến khám; kiểm soát chi phí khám bệnh, toa thuốc, kiểm tra tính tương tác thuốc trong đơn thuốc; theo dõi chặt chẽ quá trình điều trị của bệnh nhân: Chi phí điều trị, diễn biến bệnh, chăm sóc bệnh, sổ theo dõi thuốc, kết quả điều trị…

Theo đánh giá của các đơn vị sử dụng, hệ thống DHG.Hospital đảm bảo dễ quản lý cũng như nâng cấp, bảo trì, tính bảo mật cao. Mỗi phân hệ được phân quyền theo chức năng, dễ quản lý và sử dụng. Nhật ký người dùng được theo dõi chi tiết, do đó giúp lãnh đạo bệnh viện và các phòng chuyên môn giám sát chặt chẽ trách nhiệm của từng vị trí việc làm. DHG.Hospital có giao diện thân thiện, dễ sử dụng, giúp giảm thiểu thời gian và nhân lực trong công tác khám chữa bệnh.

Thực tế cho thấy, vì chưa có sự thống nhất trong hệ thống do sử dụng nhiều phần mềm khác nhau và do chưa có quy chế quy định kết xuất, chia sẻ, bảo mật dữ liệu, nên để tiến tới bệnh viện điện tử, đòi hỏi ngành Y tế tỉnh phải có sự chỉ đạo và tìm ra giải pháp tối ưu để giải quyết bài toán khó này. Trước mắt cần quản lý cho được tình hình khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế (BHYT) sau thông tuyến.

Bác sĩ Huỳnh Quốc Việt, Giám đốc Sở Y tế Cà Mau: Đầu năm 2016, hệ thống thông tin quản lý bệnh viện (HIS) do VNPT cung cấp được đồng loạt triển khai đồng bộ tại các trạm y tế cơ sở trong tỉnh. Từ đây, cơ sở dữ liệu tại các trạm y tế được quản lý tập trung và hồ sơ bệnh án được điện tử hóa. Ngoài ra, phần mềm HIS cho phép liên thông chia sẻ cơ sở dữ liệu giữa các cơ sở khám chữa bệnh trong cùng hệ thống, hỗ trợ khả năng chia sẻ bệnh án điện tử với các bệnh viện khác trong toàn quốc theo chuẩn của Bộ Y tế. Giao diện thân thiện, dễ sử dụng, HIS có phân hệ báo cáo cung cấp cho các cấp quản lý tình hình khám chữa bệnh ngoại trú, nội trú; thống kê về BHYT phục vụ cho cơ quan BHYT; tạm ứng, thanh toán viện phí; công tác dược, quản lý cấp thuốc trong bệnh viện…

Theo thông tin từ các cơ sở khám chữa bệnh, sau khi thông tuyến BHYT, thách thức đặt ra là làm thế nào tránh được tình trạng lạm dụng khám, nhận thuốc BHYT. Một ngày, một người bệnh khám nhiều nơi, không chỉ hao tốn công khám, thuốc mà còn gây nguy cơ sử dụng thuốc tràn lan, vô tội vạ từ người bệnh. Một trong những tiện ích có thể thấy rõ nhất của phần mềm HIS là giúp cho cơ sở khám chữa bệnh quản lý chặt chẽ bệnh nhân có BHYT. Số lần khám, số lượng thuốc cấp phát, nơi khám chữa bệnh, tất cả đều thể hiện rõ trên hệ thống ứng dụng phần mềm này.

Những gì mà phần mềm Quản lý bệnh viện, hệ thống thông tin quản lý bệnh viện mang lại thời gian qua được xem là bước tiến quan trọng của ngành Y tế Cà Mau trong đẩy mạnh cải cách hành chính, hướng đến xây dựng một nền hành chính phục vụ và hiện đại.

Cuối năm 2015, cùng với phần mềm HIS của VNPT, Tập đoàn Viễn thông Viettel được Bộ Y tế cho triển khai thí điểm phần mềm hệ thống thông tin quản lý bệnh viện (HIS ONE) tại 2 tỉnh Hải Dương, Hưng Yên. Đầu năm 2016, HIS ONE được triển khai tại thị xã Giá Rai (Bạc Liêu). Sau khi vận hành một thời gian, phần mềm HIS ONE được đánh giá đạt được những tiêu chí Bộ Y tế đề ra. Sở Y tế Cà Mau quyết định phân giao cho Viettel triển khai HIS ONE tại hai bệnh viện đa khoa khu vực ở Đầm Dơi và Trần Văn Thời.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *