Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh: Khởi nghiệp cùng người nghèo

Trong 15 năm qua, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã giải ngân vốn vay cho hơn 407 ngàn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách, góp phần giúp cho hơn 179 ngàn hộ thoát nghèo và thoát cận nghèo.

Tiếp sức cho hộ nghèo thoát nghèo

Cách đây hơn 3 năm, gia đình anh Danh Văn Sơn, dân tộc Khmer ở ấp Cơi 4, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời nằm trong diện hộ nghèo ở địa phương; do kinh tế gia đình chủ yếu dựa vào mấy công đất ruộng nên cuộc sống vô cùng khó khăn. Được sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền địa phương trong việc cho vay vốn sản xuất cùng với sự nỗ lực của gia đình, hiện nay hộ anh Sơn đã thoát nghèo. Anh chia sẻ: “Không muốn gia đình cứ nghèo mãi, vì vậy, ngay khi được sự hỗ trợ về vốn và giống chăn nuôi, gia đình tôi đã cố gắng tăng gia sản xuất. Tôi rất vui khi gia đình mình đã thoát được cái nghèo”.

Gia đình ông Phạm Văn Thuận ở ấp Thị Tường, xã Hòa Mỹ, huyện Cái Nước cũng là một trong những hộ phát triển kinh tế gia đình từ nguồn vốn vay của Ngân hàng CSXH. Gặp khó khăn về nguồn vốn để phát triển mô hình sản xuất, được vay hơn 20 triệu đồng, ông Thuận đầu tư nuôi dê, đến nay đàn dê đã sinh sản được nhiều lứa. Nuôi dê không tốn nhiều tiền mua thức ăn, công chăm sóc nhưng hiệu quả mang lại khá cao, nên chỉ khoảng 2 năm, gia đình ông đã có thể trả hết được nợ Ngân hàng.

Từ nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội, tạo điều kiện cho ông Phạm Văn Thuận (xã Hòa Mỹ, huyện Cái Nước) phát triển mô hình nuôi dê đạt hiệu quả kinh tế cao.

Những minh chứng từ thực tế cho thấy trong những năm qua, nguồn vốn vay từ Ngân hàng CSXH là một trong những kênh quan trọng trong việc hỗ trợ cho các hộ nghèo, cận nghèo, các hộ có hoàn cảnh khó khăn phát triển kinh tế.

Với trọng trách khởi nghiệp cùng người nghèo, trong suốt thời gian qua, Ngân hàng CSXH tỉnh đã và đang nỗ lực tăng cường dư nợ cho vay trên địa bàn toàn tỉnh, tạo điều kiện cho người nghèo có thêm cơ hội tiếp cận với nguồn vốn, phục vụ sản xuất, giảm nghèo, góp phần phát triển kinh tế – xã hội địa phương. Đã xây dựng hệ thống điểm giao dịch đến từng xã, phường, vận động các hộ nghèo, đối tượng chính sách vay vốn ưu đãi. Phối hợp với chính quyền, các hội, đoàn thể hướng dẫn hộ vay cách làm ăn, sử dụng vốn đúng mục đích và đem lại hiệu quả. Tạo điều kiện để một hộ dân có thể vay vốn của nhiều chương trình khác nhau như: Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; vay vốn giảm nghèo, xây dựng nhà ở; chương trình tín dụng cho học sinh, sinh viên… Từ vốn vay ưu đãi, người dân các địa phương đã chuyển hướng đầu tư sang phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, kinh doanh dịch vụ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Ông Trần Quốc Bảo, Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh: “Hàng năm, Ngân hàng phối hợp với Ban Chỉ đạo giảm nghèo của các địa phương thống kê chính xác số hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng vay vốn khác. Đồng thời chỉ đạo cán bộ tín dụng rà soát chính sách, phối hợp với các địa phương để tuyên truyền đến người dân về các chế độ, chính sách tín dụng ưu đãi. Các hoạt động giao dịch hàng tháng của Ngân hàng CSXH cũng được triển khai trực tiếp tại trụ sở các xã, với sự tham gia đầy đủ của các tổ chức hội, đoàn thể đã ký hợp đồng uỷ thác với Ngân hàng; kịp thời giải đáp những thắc mắc của người dân trong quá trình vay vốn”.

Thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển, đảm bảo an sinh xã hội

Đồng hành cùng công tác giảm nghèo, sau 15 năm, Ngân hàng CSXH tỉnh đã triển khai thực hiện 14 chương trình tín dụng, doanh số cho vay đạt hơn 3.976 tỷ đồng, với khoảng 408 ngàn lượt khách hàng được vay vốn; thu nợ đạt hơn 1.771 tỷ đồng; tổng dư nợ đạt 2.030.049 tỷ đồng, hơn 124 ngàn hộ còn dư nợ thực tế, tăng so với thời điểm mới thành lập hơn 1.956 tỷ đồng (tăng gần 26,4 lần). Đã giải ngân cho hơn 407 ngàn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách; góp phần giúp cho hơn 179 ngàn hộ thoát nghèo và thoát cận nghèo; giải quyết việc làm cho hơn 32 ngàn lao động; giúp cho hơn 44 ngàn học sinh sinh viên có vốn để trang trải chi phí học tập; hơn 73 ngàn hộ được xây dựng công trình nước sạch và vệ sinh; xây dựng trên 11 ngàn căn nhà cho người nghèo theo Quyết định 167 và 33 của Thủ tướng Chính phủ…

Tận dụng nguồn vốn vay từ Ngân hàng CSXH, có nhiều mô hình, dự án làm ăn hiệu quả như: Mô hình nuôi sò huyết ở xã Quách Phẩm, Quách Phẩm Bắc (huyện Đầm Dơi), Trần Thới, Đông Hưng, Đông Thới (huyện Cái Nước); nuôi cua thịt thương phẩm ở xã Tân Ân (huyện Ngọc Hiển), xã Tân Hải (huyện Phú Tân); nuôi tôm càng xanh ở xã Hồ Thị Kỷ, xã Biển Bạch (huyện Thới Bình); nuôi dê ở xã Hòa Mỹ (huyện Cái Nước), xã Tân Lộc Đông (huyện Thới Bình)… Từ đó, tạo được sự phấn khởi, đồng tình trong nhân dân, giúp nhiều hộ có điều kiện thoát nghèo để tiếp tục vươn lên trong cuộc sống.

Đạt được kết quả trên, theo ông Trần Quốc Bảo, là nhờ có sự “cộng hưởng” từ nhiều yếu tố. Trước hết, chương trình có sự quan tâm chỉ đạo sát sao của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương; sự phối hợp đồng bộ, trách nhiệm của các cấp, các ngành, đặc biệt là của các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác. Ngoài ra, vốn tín dụng chính sách góp phần đáng kể trong việc thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, giảm tỷ lệ thất nghiệp, hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, góp phần thực hiện nhiệm vụ quan trọng trong việc ổn định và phát triển kinh tế tại địa phương.

Có thể khẳng định, các chương trình tín dụng ưu đãi mà Ngân hàng CSXH tỉnh triển khai trên địa bàn tỉnh đã và đang phát huy được hiệu quả tích cực, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển, tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội và nâng cao đời sống nhân dân.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *