Ngành Nông nghiệp vùng bán đảo Cà Mau sẽ đối diện với thách thức từ biến đổi khí hậu

Tại buổi làm việc, đoàn công tác Trung ương trao đổi với tỉnh Cà Mau những nội dung cơ bản về định hướng, chiến lược và giải pháp phát triển nông nghiệp của tỉnh theo hướng bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu; định hướng liên kết vùng bán đảo Cà Mau và kế hoạch triển khai sắp tới.

Cụ thể, Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn Trần Công Thắng cho biết Cà Mau nói riêng và khu vực bán đảo Cà Mau nói chung tới đây ngành Nông nghiệp sẽ đối diện với thách thức biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn rất lớn. Từ những cơ sở đoàn thu thập từ các địa phương trong tỉnh sẽ là cơ sở quan trọng để Viện hoạch định giải pháp phát triển bền vững cho ngành Nông nghiệp thời gian tới.

Toàn tỉnh có hơn 302.800ha đất nuôi trồng thủy sản và 118.600ha đất sản xuất nông nghiệp được quy hoạch thành 23 tiểu vùng, chia làm 2 vùng: Vùng Bắc Cà Mau sản xuất theo hệ sinh thái ngọt và vùng Nam Cà Mau sản xuất theo hệ sinh thái mặn, lợ. Hiện nay, có 17 tiểu vùng đã được lập và phê duyệt dự án đầu tư.

Tỉnh đã chuyển khoảng 40.000ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang luân canh một vụ lúa, một vụ tôm mang lại hiệu quả cao; tích cực bảo vệ và phát triển rừng, tăng thu nhập cho các hộ dân; cơ cấu lại đội tàu khai thác biển có 4.772 chiếc, với tổng công suất 761.300CV…

Trong thời gian qua, tỉnh Cà Mau đã triển khai những giải pháp ứng phó do biến đổi khí hậu; trong đó, khẩn trương lập kế hoạch chống hạn, xâm nhập mặn cụ thể cho từng vùng, tiểu vùng và đối tượng khác nhau; tăng cường kiểm tra các vị trí đê xung yếu, cống, đập, kịp thời xử lý các sự cố có thể xảy ra tránh nước mặn xâm nhập vào nội đồng; giám sát mặn thường xuyên, vận hành hợp lý các công trình đảm bảo tiêu thoát, ngăn mặn, lấy nước trong điều kiện cho phép; chủ động đắp toàn bộ các đập trong lâm phần để trữ nước phòng, chống cháy rừng mùa khô hàng năm; đẩy nhanh tiến độ triển khai thi công dự án kè chống sạt lở đê biển Tây; nâng cấp đê biển Tây và xây dựng hệ thống đê biển Đông…

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử đánh giá cao tầm quan trọng của buổi làm việc đồng thời kiến nghị: Trung ương cần điều chỉnh để kết nối hệ thống đường bộ của Đồng bằng sông Cửu Long với các trục giao thông bộ của quốc gia; cần khai thác hệ thống giao thông đường thủy kết nối với các bến, bãi bốc xếp hàng hóa cho vùng; khi phân bổ nguồn lực đầu tư tái định cư cần tính đến việc đảm bảo sinh kế cho người dân; cần có cơ chế và chính sách đặc thù để thu hút nhà đầu tư.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *