Ngọc Hiển: Bức tranh dần khởi sắc

Lộ làng, nhà cửa trên địa bàn huyện ngày càng khang trang.

Năm 2018, huyện thực hiện đạt và vượt 25/28 tiêu chí theo kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của huyện đề ra. Tổng giá trị sản xuất ước đạt 8.120 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ, trong đó nổi bật ở lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, trong năm đạt sản lượng 30.300 tấn, gắn với các mô hình sản xuất có hiệu quả góp phần ổn định kinh tế của người dân.

Phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, huyện tập trung phát triển mô hình nuôi tôm sinh thái theo hướng nâng cao giá trị con tôm, giữ vững môi trường rừng và ổn định thu nhập cho người dân. Tính đến nay, huyện có khoảng 2.500 hộ thực hiện mô hình nuôi tôm sinh thái với diện tích 12.660ha, bình quân thu nhập từ 200 triệu đồng/năm cho hộ nuôi, góp phần tăng trưởng kinh tế của địa phương và cân bằng hệ sinh thái rừng ngập mặn.

Ông Huỳnh Văn Nghề (ấp Biện Nhạn, xã Viên An Đông): “Qua một năm áp dụng mô hình nuôi tôm sinh thái, thu nhập của gia đình tăng lên đáng kể. Nuôi tôm sinh thái vừa bảo vệ được môi trường nước, vừa có thể trồng rừng để cải thiện kinh tế nên bà con ở đây đều thực hiện và rất phấn khởi”.

Bức tranh kinh tế huyện ven biển đang dần khởi sắc.

Bên cạnh đó, xây dựng nông thôn mới có nhiều chuyển biến tích cực, tạo sức lan tỏa sâu rộng. Người dân tự nguyện hiến đất, góp tiền xây dựng trường học, trụ sở sinh hoạt văn hóa, hoàn thiện lộ giao thông nông thôn với chiều dài hơn 300km đấu nối về các xã, thị trấn. Đến nay, huyện hoàn thành 77 tiêu chí, tăng 7 tiêu chí so với cùng kỳ, bình quân mỗi xã đạt 12,83 tiêu chí. Đặc biệt, Tân Ân Tây là một trong những xã đạt chuẩn với 19/19 tiêu chí. Để bức tranh nông thôn mới thêm khởi sắc, người dân đã nhân rộng mô hình tuyến đường hoa, tạo nên cảnh sắc xinh tươi, mang lại động lực tinh thần cho người dân xây dựng cuộc sống ấm no, sung túc trên chính quê hương mình.

“Giờ quê hương Ngọc Hiển đổi thay nhiều lắm, đời sống bà con nhân dân từng bước khởi sắc, nhà cửa hộ dân xây dựng khá khang trang”, ông Lâm Toàn (ấp Ông Định, xã Tân Ân) chia sẻ.

Nhiều mô hình kinh tế hộ đang được đầu tư phát triển.

Phát huy lợi thế của hệ sinh thái rừng ngập mặn với đa dạng các loài thủy sản quý hiếm, huyện đầu tư, phát triển ngành Du lịch, trong đó Khu du lịch Mũi Cà Mau trở thành điểm tham quan lý tưởng cho du khách trong và ngoài nước. Huyện tập trung phát triển các làng nghề truyền thống, gắn liền với sản phẩm đặc trưng của địa phương và các hoạt động du lịch mang tính cộng đồng, để du khách được trải nghiệm khi đặt chân đến vùng đất cực Nam Tổ quốc. Năm 2018, các điểm du lịch trên địa bàn huyện đón khoảng 415.000 lượt khách, trong đó có 700 lượt khách quốc tế, doanh thu ước đạt trên 207 tỷ đồng. Đây là tiền đề tạo bước tiến vững chắc cho ngành công nghiệp không khói của huyện phát triển.

Ông Lý Hoàng Tiến, Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển: “Hiện nay, huyện Ngọc Hiển đầu tư, phát triển 4 tuyến tham quan du lịch xuyên rừng Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau. Đây được xem là điểm khám phá hệ sinh thái rừng ngập mặn khá lý tưởng dành cho du khách ngoài tỉnh khi đặt chân đến Khu du lịch Mũi Cà Mau. Ngoài ra, huyện liên kết, đặt các mặt hàng đặc sản ngoài huyện, nhằm đa dạng các sản phẩm cho du khách lựa chọn, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch. Trong năm 2018, huyện còn thực hiện thắng lợi công tác giảm nghèo, có 429 hộ được công nhận thoát nghèo”.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *