Nhiều địa phương chưa xử lý dứt điểm tình trạng vi phạm hành lang an toàn đường bộ

Việc người dân bơm cát, đất làm mặt sân, trong phạm vi đất hành lang an toàn giao thông đường bộ (phần chưa bồi hoàn) là hành vi vi phạm, làm ảnh hưởng đến kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

Cụ thể, đối với hành vi vi phạm về hành lang an toàn đường bộ trong phạm vi đất đã bồi thường giải phóng mặt bằng, các huyện: Đầm Dơi, Ngọc Hiển, Cái Nước, Phú Tân, Thới Bình, Năm Căn và TP. Cà Mau, trong 6 tháng đầu năm nay có 1.974 trường hợp vi phạm bị phát hiện. Đến thời điểm hiện tại, xử lý được 1.911 trường hợp, còn lại 63 trường hợp chưa xử lý dứt điểm (TP. Cà Mau 35 trường hợp, Đầm Dơi 2 trường hợp, Thới Bình 25 trường hợp, huyện Ngọc Hiển 1 trường hợp).

Đối với vi phạm về hành lang an toàn đường bộ trong phạm vi đất chưa bồi thường giải phóng mặt bằng, các tuyến do Sở Giao thông vận tải quản lý, có 4.547 trường hợp vi phạm; riêng trong 6 tháng đầu năm có 91 trường hợp vi phạm, đã lập biên bản giao địa phương xử lý. Các tuyến do các huyện: Đầm Dơi, Ngọc Hiển, Cái Nước, Phú Tân, Thới Bình, Năm Căn và TP. Cà Mau quản lý, có 777 trường hợp vi phạm, đã xử lý 261 trường hợp, còn lại 516 trường hợp chưa xử lý. Cụ thể, tại huyện Ngọc Hiển có 248 trường hợp vi phạm, đã xử lý 32 trường hợp; huyện Đầm Dơi có 226 trường hợp vi phạm, chưa xử lý trường hợp nào; huyện Phú Tân có 176 trường hợp vi phạm, đã xử lý 167 trường hợp; huyện Năn Căn có 50 trường hợp vi phạm, đã xử lý 50 trường hợp; huyện Thới Bình có 77 trường hợp vi phạm, đã xử lý 12 trường hợp.

Qua rà soát, còn nhiều trường hợp vi phạm hành lang an toàn đường bộ tại các địa phương chưa được xử lý. Ảnh: Một ngôi nhà dân vi phạm trên tuyến đường Hồ Chí Minh, đoạn qua địa phận huyện Ngọc Hiển.

Riêng đối với huyện Cái Nước, theo Thanh tra tỉnh Cà Mau, qua kiểm tra thực tế nhà ở, công trình xây dựng vi phạm hành lang an toàn đường bộ trên địa bàn, có 851/1.041 hộ gia đình, tổ chức, cá nhân thực hiện với tổng diện tích 79.764,42m2 vi phạm khoản 2 Điều 43 Luật Giao thông đường bộ năm 2015: “Trong phạm vi đất dành cho đường bộ, không được xây dựng các công trình khác, trừ một số công trình thiết yếu không thể bố trí ngoài phạm vi đó nhưng phải được cơ quan có thẩm quyền cho phép”. Như vậy, việc quản lý đất dành cho đường bộ chưa được thực hiện nghiêm.

Đối với phần đất lộ giới từ mốc 13m – 26m, hộ gia đình, cá nhân xây nhà tạm, bán cơ bản, nhà tiền chế… UBND các xã, thị trấn có lập biên bản nhưng không xử lý hành chính mà cho hộ dân cam kết, khi nhà nước xây dựng lộ thì sẽ tự tháo dỡ, không đòi bồi thường, là không xử lý dứt điểm theo quy định.

Theo đánh giá của Ban ATGT tỉnh, trong những năm qua, việc xây dựng nhà, cất lều quán, trồng cây lâu năm, lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để kinh doanh, buôn bán hàng hóa, họp chợ diễn ra khá phổ biến và công tác giải tỏa đến thời điểm hiện tại đạt được kết quả rất khả quan. Đó là nhờ sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan chức năng, địa phương cũng như tổ công tác liên ngành về tuyên truyền xử lý hành lang ATGT đường bộ, tất cả đã nỗ lực rất lớn. Nhưng hiện nay xuất hiện tình trạng vi phạm mới, làm ảnh hưởng đến kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đó là việc người dân bơm cát, đất làm mặt sân, trong phạm vi đất hành lang ATGT đường bộ (phần chưa bồi hoàn) cao hơn mặt lộ, dẫn đến tình trạng ứ đọng nước, bong tróc, sụt lún mặt lộ khi trời mưa.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *