Phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu 30% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4

Nhiệm vụ quan trọng là tiếp tục thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ đặt ra trong năm 2020 được nêu tại Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 7/3/2019 của Chính phủ, đặc biệt là hoàn thành chỉ tiêu 30% dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 4.

Ban Chỉ đạo yêu cầu Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với sở, ban, ngành tỉnh khẩn trương triển khai đẩy nhanh tiến độ xây dựng kiến trúc CQĐT tỉnh Cà Mau 2.0; triển khai trục liên thông nội tỉnh (LGSP), hoàn thành trước tháng 9/2020. Hoàn thành việc tích hợp, cung cấp DVCTT trên cổng Dịch vụ công Quốc gia, thanh toán trực tuyến phí, lệ phí, thuế, thu phạt xử lý vi phạm hành chính và các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định.

Bên cạnh đó, tổ chức kiểm tra, đánh giá định kỳ cho hệ thống thông tin thuộc phạm vi quản lý của tỉnh, bảo đảm an toàn thông tin theo mô hình “4 lớp”. Triển khai các nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Triển khai các nội dung được quy định, tập trung vào xây dựng danh mục các cơ sở dữ liệu địa phương theo hướng làm rõ nội dung, phạm vi, nội hàm các cơ sở dữ liệu. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến đến người dân, doanh nghiệp tích cực tham gia sử dụng DVCTT, đảm bảo đến cuối năm đạt chỉ tiêu hồ sơ giải quyết trực tuyến trên tổng số hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh theo quy định.

Các tổ chức pháp chế ở doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong suốt quá trình hoạt động của doanh nghiệp. (Ảnh minh họa)

Văn phòng UBND tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành tỉnh, UBND các huyện, TP. Cà Mau điện tử hóa các biểu mẫu báo cáo liên quan đến các chỉ tiêu kinh tế – xã hội; rà soát, lựa chọn danh mục thông tin, tần suất báo cáo phục vụ chỉ đạo, điều hành hàng ngày, hàng tháng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trên Hệ thống thông tin báo cáo tỉnh kết nối với Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ. Các sở, ban, ngành tỉnh, UBND các huyện, TP. Cà Mau tiếp tục duy trì, sử dụng có hiệu quả các hệ thống thông tin thuộc CQĐT: Phần mềm Quản lý văn bản và điều hành; Hệ thống thông tin một cửa điện tử; Hệ thống thông tin báo cáo tỉnh kết nối với Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ, cổng, trang thông tin điện tử thành phần…

Theo Ban Chỉ đạo xây dựng CQĐT tỉnh, bên cạnh nhiều kết quả tích cực thì việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trên địa bàn vẫn còn nhiều hạn chế. Đơn cử, Phần mềm VIC đã được tỉnh xây dựng từ năm 2009, đến nay có hơn 500 cơ quan, đơn vị triển khai và trên 7.500 tài khoản đăng ký sử dụng; qua hơn 10 năm, phần mềm nhiều lần được nâng cấp, nhưng xét về chức năng, tính năng kỹ thuật và kiến trúc dữ liệu hiện nay không còn phù hợp để nâng cấp, mở rộng. Vẫn còn một số cơ quan, đơn vị chưa thực hiện đúng Quy chế tiếp nhận, xử lý, phát hành và quản lý văn bản điện tử trong cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh, còn một số văn bản điện tử phát hành chưa có chữ ký số. Vẫn còn một số cá nhân chưa sử dụng chữ ký số thường xuyên để ký duyệt văn bản phát hành trên phần mềm VIC. Chữ ký số chưa được mở rộng tích hợp ký số trên các thiết bị di động (máy tính bảng, điện thoại…), việc thực hiện bị hạn chế (không thể ký số khi đi công tác…).

Hệ thống thư điện tử công vụ chưa được nâng cấp để đáp ứng tốt nhu cầu sử dụng của các cơ quan, đơn vị: Đôi lúc không nhận được thư gửi đến từ các hộp thư công cộng; không tương thích với nhiều trình duyệt khác nhau, bị lỗi font (điện thoại thông minh, máy tính bảng…); không có chức năng thông báo khi nhận email, dẫn đến việc người sử dụng phải kiểm tra thường xuyên, gây mất thời gian; giao diện chưa thân thiện với người dùng, khó sử dụng…

Tình hình sử dụng hộp thư điện tử công vụ ở các cơ quan, đơn vị còn hạn chế; tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức sử dụng hộp thư để trao đổi công việc không cao (dưới 50%). Nguyên nhân do một số cán bộ, công chức, viên chức được cấp hộp thư điện tử công vụ nhưng rất ít khi sử dụng, dẫn đến không nhớ tài khoản và mật khẩu đăng nhập; ngoài ra, hiện nay nhiều cán bộ, công chức, viên chức sử dụng các ứng dụng: Zalo, Viber, Google Drive, Messenger, Gmail… để trao đổi, chia sẻ thông tin. Công tác tuyên truyền, phổ biến Quy chế sử dụng hộp thư điện tử công vụ đến công chức, viên chức biết thực hiện đúng quy định còn hạn chế….

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *