Quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân là điều cần thiết

Việc quy định rõ trách nhiệm hình sự của pháp nhân sẽ tạo được sự công bằng, tính răn đe đối với những hành vi phạm tội mà chủ thể là các tổ chức. Trong đó có những tội như vận chuyển trái phép hàng hóa, buôn bán hàng giả. Ảnh: Lực lượng chức năng kiểm tra việc buôn bán đồ chơi trẻ em trên địa bàn TP. Cà Mau.

Có 5 định hướng lớn trong sửa đổi Bộ luật Hình sự (BLHS) lần này là thể chế hóa chủ trương của Đảng về hoàn thiện chính sách hình sự theo hướng đề cao hiệu quả phòng ngừa và tính hướng thiện trong việc xử lý người phạm tội, tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền cơ bản của công dân; thể chế hóa về mặt hình sự chính sách của Đảng và Nhà nước trong việc bảo vệ và thúc đẩy sự phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; tăng cường hợp tác quốc tế; hoàn thiện kỹ thuật lập pháp hình sự; đổi mới tư duy về tội phạm và hình phạt, về cơ sở TNHS, khắc phục những hạn chế trong thực tiễn, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới.

Trong đó, đáng chú ý là sửa đổi theo hướng quy định hình sự trách nhiệm của pháp nhân. Về vấn đề này, theo quy định của BLHS hiện hành, việc truy cứu TNHS chỉ đặt ra đối với cá nhân (con người cụ thể). Dự thảo BLHS (sửa đổi) đề xuất bổ sung TNHS của pháp nhân (các Điều 2, 3 Chương I, Điều 6, 8 Chương III và các điều thuộc Chương XI. Những quy định đối với pháp nhân phạm tội).

Theo đó, xác định rõ chính sách xử lý hình sự đối với các pháp nhân thực hiện hành vi phạm tội; những loại tội phạm nào thì pháp nhân sẽ phải chịu TNHS; các chế tài áp dụng.

Dự thảo BLHS (sửa đổi) đề xuất quy định pháp nhân phải chịu TNHS về 32 tội danh. Cụ thể, pháp nhân chỉ phải chịu TNHS về một trong các tội phạm quy định tại các điều sau đây: Tội mua bán người; tội mua bán trẻ em; tội buôn lậu; tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới; tội sản xuất, buôn bán hàng cấm; tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm; tội sản xuất, buôn bán hàng giả; tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm; tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh; tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi; tội trốn thuế; tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ; tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán; tội sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán…

Liên quan nội dung này, bà Triệu Tố Hoa, tập sự hành nghề luật sư, cho ý kiến thống nhất với Dự thảo với lý do được đề cập: Trong tình hình vi phạm pháp luật của pháp nhân thực tiễn đã diễn ra trong thời gian qua rất phức tạp gây hậu quả to lớn cho nhân dân, tổ chức, Nhà nước như các hành vi: Gây ô nhiễm môi trường, mua bán, vận chuyển hàng giả, hàng cấm… Bên cạnh đó, thực tế có những vụ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng như một số công ty xả chất độc hại vào trong lòng đất, dòng nước. Đến khi bị xử lý thì tòa tuyên rút giấy phép kinh doanh. Buộc người đứng đầu công ty, cá nhân bồi thường tiền cho nhân dân, còn pháp nhân của công ty không bị cưỡng chế thi hành án. Điều đó chứng minh rõ sự chưa hoàn thiện của pháp luật hình sự. Vì thế, việc quy định TNHS của pháp nhân là rất cần thiết.

Ngoài ra, tập sự hành nghề luật sư Triệu Tố Hoa cũng trình bày quan điểm đồng tình với quy định tại phương án 1, khoản 2, Điều 12 của BLHS (sửa đổi) về phạm vi chịu TNHS của người chưa thành niên và các biện pháp thay thế xử lý hình sự áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội: Theo quy định hiện hành thì hiện các tội phạm là trẻ em phải chịu TNHS là khá rộng và quan trọng hơn là quy định này không rõ ràng, minh bạch, nên bản thân các em không thể hoặc khó có thể biết được chính xác khi nào thì hành vi bị coi là tội phạm. Điều này dẫn đến công tác phòng ngừa không đạt hiệu quả. Do đó, BLHS cần khoanh lại một số tội mà người chưa thành niên ở độ tuổi này hay thực hiện và quy định rõ những tội danh cụ thể thuộc một số nhóm tội phạm mà người từ đủ 14 – 16 tuổi phải chịu TNHS: Các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người; các tội xâm phạm sở hữu; các tội về ma túy và các tội xâm phạm trật tự, an toàn công cộng.

Tuy nhiên, bà Triệu Tố Hoa không đồng tình với việc bỏ hình phạt tử hình đối với các tội phá hủy công trình; phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; phá hoại hòa bình; gây chiến tranh xâm lược; chống loài người; tội phạm chiến tranh; cướp tài sản; vận chuyển trái phép chất ma túy. Theo bà, việc duy trì hình phạt tử hình đối với các tội này là để bảo đảm sự răn đe, phòng ngừa chung.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *