Tìm hướng đi bền vững cho đề án xuất khẩu lao động

Trong các giải pháp về giải quyết việc làm cho LĐ trên địa bàn tỉnh thì xuất khẩu LĐ là chiến lược quan trọng, hướng đi mang tính bền vững, góp phần xây dựng đội ngũ LĐ phục vụ cho công cuộc xây dựng đất nước thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đồng thời, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu chương trình giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững cho địa phương.

Còn nhiều cái khó

Thực hiện Đề án, tỉnh Cà Mau sẽ hỗ trợ không hoàn lại chi phí ban đầu là 13,8 triệu đồng/LĐ. Ngoài ra, người LĐ sẽ được vay tại ngân hàng 100% chi phí trước khi xuất cảnh. Trong đó, đối với người LĐ thuộc đối tượng chính sách, sẽ vay tại Ngân hàng Chính sách xã hội địa phương. Người LĐ không thuộc diện chính sách sẽ được vay tín chấp từ các ngân hàng thương mại trên địa bàn, dưới sự bảo đảm của ngân sách tỉnh.

Huyện Trần Văn Thời là địa phương có đa số hộ dân đồng tình cao với Đề án này, ông Võ Quốc Thống, Phó Chủ tịch UBND huyện, cho biết: “Từ khi triển khai Đề án việc làm, huyện đã có kế hoạch khẩn trương, đồng bộ chỉ đạo các xã tập trung tuyên truyền, hướng dẫn người dân về Đề án, để người dân nắm rõ thông tin và đăng ký cho con em đi LĐ”.

Chỉ trong thời gian ngắn, đã có 126 người LĐ đến đăng ký. Qua phỏng vấn, khám sức khỏe, có 43 người được tham gia theo học tiếng Hàn và tiếng Nhật để chờ ngày xuất cảnh; đạt và vượt chỉ tiêu của tỉnh giao. Nguồn LĐ dồi dào nhưng địa phương đang gặp khó khăn ở khâu giải ngân phần chi phí hỗ trợ. Đa phần các em chưa nhận được tiền hỗ trợ, các hộ phải vay mượn tiền cho con em theo học.

Huyện Năm Căn hiện cũng đang vướng phải khó khăn tương tự. Chị Lâm Cẩm Linh, Trưởng phòng Lao động – Thương binh và Xã hội (Sở LĐ-TB&XH) huyện, cho biết: “Hiện có 10 em theo học tiếng nước ngoài tại trung tâm nhưng đang chờ nguồn vốn hỗ trợ. Vì đa phần các hộ có con em đăng ký đi làm việc ở nước ngoài là hộ nghèo nên không có tiền trang trải chi phí đi lại, ăn ở và tiền đóng học phí”.

Chị Linh cũng cho biết, mới đây có 1 em đã qua tư vấn, khám sức khỏe đủ tiêu chuẩn để đi LĐ nhưng vì chưa có nguồn vốn hỗ trợ cho em theo học ngoại ngữ nên em đành ở lại nhà chờ.

Ông Từ Hoàng Ân, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, cho biết: Để đảm bảo ngân sách không bị thất thoát (do học viên tự ý bỏ học), nguồn kinh phí hỗ trợ này cũng được “dời” về cuối khóa học mới được nhận, với đầy đủ thủ tục chứng từ, hóa đơn, phiếu thu các khoản chi phí. Chính sách vẫn đảm bảo hỗ trợ cho các em đủ các nguồn đó, nhưng phải học xong mới được nhận hỗ trợ.

Điều đó cũng đồng nghĩa là các em hoàn toàn tự túc cho đến khi đủ chuẩn đi làm việc nước ngoài. Đối với hộ khá thì không thành vấn đề, nhưng với các em thuộc diện hộ nghèo thì sẽ gặp không ít khó khăn, trên thực tế đã có học viên bỏ học giữa chừng.

Song song đó, thông tin từ nhiều địa phương cho rằng bất cập nữa hiện nay là có quá nhiều công ty môi giới, nhất là những công ty không có uy tín, tìm cách “mồi chài” người LĐ khi họ có nhu cầu. Địa phương và gia đình lo sợ cảnh “mang con bỏ chợ” và người LĐ vô tình trở thành nạn nhân. Vừa không có kinh phí trả nợ cho ngân hàng, vừa không có việc làm ở nước ngoài, vừa không tiền để về nước. Trước đây đã có nhiều trường hợp, công ty không có uy tín đào tạo “chụp giật”, ồ ạt đưa LĐ ra nước ngoài rồi bặt tin. Gia đình phải tìm mọi cách để “chuộc” con em về. Nên tâm lý của người dân còn hoang mang.

Mặt khác, điều lo lắng nhất hiện nay ở đa số địa phương là đối tượng LĐ nằm trong độ tuổi thanh niên, thuộc đối tượng phải thực hiện nghĩa vụ quân sự. Vấn đề đặt ra là trong thời gian thanh niên đi LĐ nước ngoài có được tạm hoãn nghĩa vụ quân sự hay không? Theo Luật Nghĩa vụ quân sự thì thanh niên đi LĐ không nằm trong diện được tạm hoãn. Đây là vấn đề nan giải mà phía địa phương cần có hướng giải quyết từ cấp trên để tránh hoang mang trong tuyên truyền, vận động!

Các học viên đang theo học tiếng Hàn tại Công ty ICO.GROUP chi nhánh Cà Mau.

Tìm cách gỡ khó…

Với 13 doanh nghiệp đặt vấn đề kết nối cho LĐ đi làm việc, Trung tâm Dịch vụ việc làm đã chọn và ký kết với 7 doanh nghiệp, ở 3 thị trường lớn: Đài Loan, Nhật Bản và Hàn Quốc. Chị Quách Thanh Thoảng, Phó phòng Việc làm và An toàn LĐ (Sở LĐ-TB&XH), cho biết: Rút kinh nghiệm từ những lần đưa LĐ những năm trước đây, Sở quản lý LĐ chặt chẽ hơn. Khi 1 LĐ sang thị trường nước ngoài, doanh nghiệp đó phải có trách nhiệm cập nhật địa chỉ công ty, doanh nghiệp mà các LĐ đó đang làm việc báo về cho Sở. Sau đó, Sở không cần thông qua công ty, vẫn liên hệ trực tiếp với LĐ xem tình trạng ăn ở, sinh hoạt, chế độ như thế nào. Hoặc bên nước ngoài sẽ có 1 địa chỉ liên hệ đối với bên này, khi có vấn đề gì bức xúc sẽ phản ánh ngay để có can thiệp kịp thời. Những điều này trong hợp đồng có quy định.

Để tìm hướng đi bền vững cho đề án đưa người LĐ đi làm việc nước ngoài và tạo lòng tin cho nhân dân trong thời gian tới, chị Linh kiến nghị: “Cần có công ty có uy tín xuống tận địa phương tư vấn, cam kết thực hiện đúng như những gì đã tư vấn. Đồng thời phải đẩy mạnh tuyên truyền về các chính sách hỗ trợ cho người dân được nắm và cả những thị trường mà người LĐ sẽ đi sang làm việc. Cách tuyên truyền hữu hiệu nhất hiện nay là chờ thời gian cho người LĐ sang thị trường nước ngoài làm việc, có lương gửi về cho gia đình. Từ đó, họ mới tin tưởng và tiếp tục gửi con em đi làm việc”.

Chính vì chưa hoàn toàn tin tưởng vào Đề án nên từ đầu năm đến nay, tại huyện Năm Căn, có hơn 3.000 LĐ xin đi làm việc ở các công ty trong và ngoài tỉnh, nhưng chỉ có hơn 30 người đăng ký đi xuất khẩu LĐ nước ngoài. Ngoài ra, địa phương cũng kiến nghị với ngành chức năng nên có sự phối hợp chặt chẽ với trung tâm dạy nghề và dạy ngoại ngữ để đảm bảo học phí cho người LĐ, tránh gây hoang mang cho học viên như thời gian qua.

Thời gian tới, ông Ân cho biết sẽ phối hợp với UBND các huyện, TP. Cà Mau tăng cường tuyên truyền nội dung Đề án, để người LĐ có nhu cầu nắm đầy đủ thông tin về Đề án, các chính sách hỗ trợ của địa phương, nghĩa vụ và quyền lợi của người LĐ khi tham gia xuất khẩu LĐ; nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm Dịch vụ việc làm, tạo điều kiện thuận lợi cho người LĐ được hỗ trợ tiếp xúc trực tiếp với các doanh nghiệp xuất khẩu LĐ, tư vấn thông tin việc làm phù hợp với điều kiện, sở trường; phối hợp các cấp, các ngành tìm hiểu khó khăn, vướng mắc trong công tác triển khai Đề án, kịp thời có đề xuất UBND tỉnh quyết định các chủ trương, chính sách thực hiện Đề án hiệu quả.

Tính đến ngày 20/11, có 564 LĐ đã đăng ký xuất khẩu LĐ; 197 người đã được khám sức khỏe tổng quát; trong đó: 177 LĐ khám sức khỏe đạt; 201 LĐ đang theo học ngoại ngữ, trong đó, đối tượng chính sách là 6 người, không thuộc diện chính sách là 195 người; 53 LĐ đã phỏng vấn đạt; trong đó, đã có 3 LĐ xuất cảnh sang Nhật Bản, 50 LĐ đang chờ xuất cảnh.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *