“Bạn tâm giao” của người nghiện

Được sự cảm hóa của ông Nhơn, giờ đây anh Nguyễn Út Em là thợ hàn cửa nhôm – sắt tại Phường 8, TP. Cà Mau.

ÔNG “BẢO VỆ DÂN PHỐ”

Trái ngược với hình dung của chúng tôi về ông, một “ông già” có nét phong trần hay “dữ dằn”, ông Phạm Hoài Nhơn, ở Phường 1, TP. Cà Mau lại có khuôn mặt phúc hậu, hiền từ, cử chỉ nhẹ nhàng, chu đáo. Quê Bạc Liêu, ông Nhơn từng có trên 13 năm công tác tại Đài PT-TH Đồng Nai, Đài PT-TH Minh Hải và giáo viên dạy Tin học ở Trung tâm Xúc tiến việc làm Minh Hải. Năm 1999, do sức khỏe giảm sút, ông Nhơn xin nghỉ việc và về tịnh dưỡng ở Khóm 1, Phường 1. Năm 2000, khi sức khỏe ổn định, ông được tín nhiệm làm Tổ phó, rồi Tổ trưởng Tổ Dân phố đến năm 2007.

Gắn bó với công việc “bao đồng” giữa lúc địa bàn Phường 1 là điểm nóng về ma túy, mại dâm; dù có khó khăn, vất vả đến mấy, ông vẫn tâm niệm: “Còn sức khỏe thì còn cống hiến”. Ông nhớ lại: “Có những đêm đi tuần đến 2 – 3 giờ sáng, thấy nhà dân đèn đã tắt mà cửa còn mở toang, tôi cùng Đội Bảo vệ dân phố phục kích rình xem có trộm đột nhập không, hồi lâu không thấy động tịnh, gọi gia chủ ra họ mới hay là họ quên khóa cửa. Những lời cảm ơn chân thành của người dân là động lực giúp tôi cùng các thành viên của Đội vững bước trong đêm tối, “thức canh cho dân ngủ”.

Trong 7 năm làm công tác bảo vệ dân phố, điều để lại ấn tượng mạnh nhất trong ông là hằng đêm chứng kiến cảnh những con nghiện đang phê thuốc. “Lòng tôi giận và đau lắm”, ông nói, “giận vì đa phần đối tượng là những thanh niên trẻ, họ đang tự đẩy mình xuống vực thẳm và đau thay cho gia đình, cho các bậc cha mẹ khi con em họ lâm vào con đường nghiện hút”. Rồi hình ảnh ấy cứ ngự trị trong suy nghĩ của ông, mách bảo ông phải giúp họ. Và thế là, ông đã tiếp cận “con nghiện”, khuyên giải, vận động họ đi cai nghiện, “làm lại cuộc đời” trước khi quá muộn.

Như là những câu chuyện cổ tích giữa đời thường, ông Nhơn trở thành “bạn tâm giao” của người nghiện từ lúc nào chẳng biết…

“BẠN TÂM GIAO” CỦA NGƯỜI NGHIỆN

Vượt lên trên tất cả những lời dị nghị, cản ngăn của gia đình, bạn bè, nhiều người bảo ông “già rồi mà còn dại”, làm gì không làm lại đi “năn nỉ” mấy thằng nghiện, không khéo chuốc họa vào thân… ông Nhơn tình nguyện nhận nhiệm vụ là cán sự xã hội chuyên trách phòng chống ma túy – mại dâm từ năm 2006 đến nay. Ông nhớ lại: Trước năm 2006, Phường 1 là một trong những địa bàn phức tạp về tệ nạn xã hội, nhất là ma túy, mại dâm, trộm cắp, đá gà, đánh bạc, số đề… Đặc biệt, có hơn 60 đối tượng nghiện ma túy có hồ sơ và không có hồ sơ, 15 đối tượng bán dâm. Sau hơn một năm nhận nhiệm vụ, ông đã phối hợp cùng các ngành chức năng tổ chức nhiều đợt “dẹp loạn” tại các tụ điểm “nóng”, tình hình ma túy, mại dâm dần được đẩy lùi.

Cũng từ đó, ông tìm cơ hội tiếp cận đối tượng nghiện, tư vấn, vận động họ đi cai nghiện. Ông tâm niệm, tư vấn về tác hại của ma túy cũng như lợi ích của việc cai nghiện phải mềm mỏng. Ví như khi đang tư vấn mà thấy căng thẳng là phải chuyển sang hỏi han về gia đình, công việc, cuộc sống. Ông thường xuyên đến tìm hiểu, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của từng gia đình, gặp gỡ trò chuyện với họ như người thân. Nhờ sự quan tâm đó mà ông đã cảm hóa được hàng chục người nghiện, trong đó có 3 người đã cai nghiện thành công, đã trở về làm ăn chân chính. Ông chia sẻ: “Điều quan trọng nhất để công việc này đạt hiệu quả là những việc đó phải thật sự xuất phát từ trái tim. Có như vậy, các cháu mới có thể tin tưởng bày tỏ tâm tư, nguyện vọng của mình. Từ đó, mới xem xét các cháu cần chia sẻ điều gì, các tổ chức có thể hỗ trợ, giúp đỡ được gì cho các cháu”.

Anh Nguyễn Út Em, 34 tuổi, Khóm 1, Phường 1, là người từng nghiện ma túy, tưởng chừng như không có lối thoát, được sự cảm hóa của ông Nhơn, giờ đây anh đang là thợ hàn cửa nhôm – sắt tại Phường 8, TP. Cà Mau, được chủ tin tưởng giao cho quản lý kho vật liệu và cho nhận hàng về làm riêng để tăng thu nhập. Anh Út Em kể: “Trong lúc tôi đang chìm vào tuyệt vọng trước sự lạnh nhạt của người đời, chính tình cảm, những lời động viên chân thành của chú Nhơn như là chiếc phao cứu sinh và tiếp thêm sức mạnh để tôi vững bước trên con đường làm lại cuộc đời”.

Tiếp cận những đối tượng thanh niên nghiện ngập đã khó, vận động họ từ bỏ ma túy còn gian nan hơn nhiều. Thế nhưng, với cách nghĩ rất đơn giản: “Dù gì cũng như con cháu mình, hãy cứu giúp nó khi còn có thể”, “ông già” “vác tù và hàng tổng” này đã cứu được hàng chục con người bên bờ vực cuộc đời.

TÌNH NGUYỆN VÌ CỘNG ĐỒNG

Năm 2008, thực hiện Đề án 1275 của UBND tỉnh Cà Mau về việc phòng chống tệ nạn xã hội và xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh không còn tệ nạn ma túy, mại dâm giai đoạn 2008-2010; Phường 1 là một trong 2 phường ở TP. Cà Mau được chọn thí điểm thành lập Đội Hoạt động xã hội tình nguyện gồm 10 thành viên. Đội do ông Nhơn làm nòng cốt, tham mưu cho UBND phường xây dựng kế hoạch phòng chống ma túy, mại dâm; quản lý đối tượng sau cai nghiện và đối tượng hoạt động mại dâm tái hòa nhập cộng đồng.

Trong quá trình hoạt động, ông Nhơn đã sát cánh cùng với Đội, thể hiện vai trò, trách nhiệm của người tình nguyện trong công tác phòng, chống tệ nạn xã hội, bất kỳ lúc nào hay ở đâu, ai cần, ông và các thành viên trong Đội đều có mặt kịp thời và tận tình giúp đỡ.

Phường 1 là địa bàn rất phức tạp về tệ nạn ma túy và mại dâm. Với phương châm hoạt động “vào từng ngõ, gõ cửa từng nhà, rà từng đối tượng”, ông cùng các thành viên trong Đội luôn tìm mọi biện pháp tiếp cận những điểm nóng tiêm chích ma túy, người nghiện. “Đảm trách công việc ấy, đòi hỏi từng thành viên phải có bản lĩnh, bởi chúng tôi thường xuyên bị đối tượng nghiện dùng ống chích dính máu dọa đâm, khống chế không để chúng tôi đến gần khi cùng lực lượng công an đấu tranh triệt xóa những điểm nóng về tiêm chích ma túy, hoạt động mại dâm”, ông Nhơn tâm sự.

Tham gia đấu tranh, triệt phá tụ điểm ma túy là một lẽ, điều ông Nhơn quan tâm là làm thế nào để quản lý đối tượng sau cai nghiện, giúp họ lấy lại niềm tin và tái hòa nhập cộng đồng. Ông tham mưu cho lãnh đạo UBND phường xây dựng kế hoạch phân công hai cán bộ kèm cặp một đối tượng, đồng thời mở sổ theo dõi sự tiến bộ của họ. Định kỳ hàng tháng, ông và các thành viên trong Đội kiểm tra bằng phương pháp thử test, nếu phát hiện đối tượng còn sử dụng ma túy thì tiếp tục đưa đi cai nghiện. Nhắc đến chuyện thử test, ông Nhơn kể: “Bọn trẻ nghiện hút lắm trò và rất ranh ma. Nhớ có lần, bảo chúng lấy nước tiểu để thử test, chúng lận theo người túi nước trà thay cho nước tiểu. Quan sát thật kỹ, chúng tôi phát hiện bã trà, gặng hỏi, chặn đầu, bọn trẻ mới tình thiệt, rồi bắt thử lại”.

Ông Nhơn còn bí mật phối hợp với người thân, hàng xóm của đối tượng sau cai nghiện để nắm bắt “nhất cử nhất động” của đối tượng, rồi làm phép thử bằng cách: Hỏi thăm đối tượng đang ở đâu? Làm gì?… Xem có khớp với thông tin ông thu thập hay không? Từ đó ông đánh giá mức độ hợp tác của đối tượng; hoặc phát hiện đối tượng có nguy cơ tái nghiện để kịp thời ngăn chặn.

Để quản lý đối tượng sau cai nghiện hiệu quả, ông Nhơn xem đối tượng như con cháu, người thân, thường xuyên thăm hỏi, động viên, tham mưu lãnh đạo phường hỗ trợ vốn, việc làm để họ được tái hòa nhập cộng đồng, trở thành công dân có ích cho xã hội.

Ông Bùi Thanh Tấn, Phó Chủ tịch UBND Phường 1: “Bằng tình cảm chân thành, chú Nhơn đã không ngại khó khăn, vất vả, tận tình giúp đỡ người nghiện ma túy tìm lại niềm tin trong cuộc sống. Chú đã góp sức cùng với Đội Hoạt động xã hội tình nguyện phường giúp đỡ hoàn lương một người bán dâm và giúp 3 người nghiện từ bỏ hẳn ma túy, hiện họ đã có công ăn việc làm, thu nhập ổn định”.

Là một người bình thường như bao người khác trong xã hội, thế nhưng ông Nhơn đã giúp rất nhiều người lầm lỡ làm lại cuộc đời. Cuộc đời của ông gắn với những câu chuyện dài về “cuộc chiến” chống ma túy, mại dâm…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *