Cà Mau: Báo động xâm nhập mặn, hạn hán khắc nghiệt

Chưa bao giờ Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói chung, tỉnh Cà Mau nói riêng chịu nạn hạn hán, xâm nhập mặn và tác động biến đổi khí hậu đến sớm và khắc nghiệt như hiện nay. Lúa chết đầy đồng; hoa màu, cây trái héo khô, trụi lá; người dân vùng sâu, vùng ven biển thiếu nước sinh hoạt…

Dưới đây là chùm ảnh ghi nhận tại các huyện Thới Bình, Trần Văn Thời và U Minh.

Quá trình chuyển đổi đất trồng lúa sang nuôi tôm một cách ồ ạt, không theo đúng quy hoạch trong thời gian qua đã nổi lên các vấn đề về suy thoái môi trường đất, đặc biệt là quá trình mặn hóa đất.

Nạn xâm thực và sạt lở ven biển Tây đoạn cống Kênh T29 (xã Khánh Hội – U Minh).

Nhiều diện tích lúa ở các huyện U Minh, Trần Văn Thời và TP. Cà Mau bị chết do nhiễm mặn.

Đối với các con sông nội địa, tình trạng xâm mặn chậm hơn ven biển nhưng ngấm dần, lâu ngày thấm sâu vào đất, khiến cây trái, hoa màu không phát triển được. Riêng vùng giáp ranh mặn – ngọt, tình trạng xâm mặn phần lớn là do người dân tự phát đưa nước mặn vào ruộng để nuôi tôm.

Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng sẽ kiên quyết xử lý những hành vi tự phát đưa nước mặn vào ruộng để nuôi tôm, như vậy sẽ khắc phục được tình trạng xâm mặn vùng giáp ranh mặn – ngọt. Ảnh chụp tại Ấp 1, xã Khánh Lâm, huyện U Minh.

Theo Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương – Hoàng Đức Cường: El Nino từ năm 2014 – 2016 sẽ đạt cường độ tương đương với El Nino mạnh kỷ lục của năm 1997 – 1998 và dự báo kéo dài nhất trong khoảng 60 năm qua (khoảng 20 tháng). Mùa mưa đến trễ nhưng lại kết thúc sớm, làm tổng lượng mưa trên lưu vực sông Mê Kông thiếu hụt so với trung bình nhiều năm từ 20 – 50%. Vì vậy, năm 2015 chỉ xuất hiện lũ nhỏ, dẫn đến dòng chảy chuyển tiếp đầu mùa khô từ thượng lưu chảy về ĐBSCL ở mức thấp nhất trong lịch sử.

Rừng tràm U Minh sẽ bị xóa sổ nếu như tình trạng người dân tự ý đưa nước mặn vào nuôi tôm vẫn còn tiếp diễn.

Hạn hán tác động đến môi trường và sức khỏe con người; là nguyên nhân dẫn đến đói nghèo, bệnh tật, gây ra những thiệt hại to lớn đối với kinh tế – xã hội.

Toàn tuyến ven biển Cà Mau dài khoảng 254km, bao gồm ven biển Đông và ven biển Tây đều bị xâm mặn, phổ biến là xâm mặn từ đê biển vào đất liền từ 1 – 2km, thậm chí có nơi xâm mặn vào sâu tới 3km.

Hệ thống cống, đập ở các địa phương ven biển được đóng kín để ngăn mặn, trữ nước ngọt. Ảnh: Cống Biện Nhị thuộc xã Khánh Hội, huyện U Minh.

Mới đây, ngày 17/2, tại TP. Cần Thơ, Bộ Nông ngiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND TP. Cần Thơ tổ chức Hội nghị “Phòng chống hạn và xâm nhập mặn các tỉnh ĐBSCL”. Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Tình hình hạn hán, xâm nhập mặn ở khu vực ĐBSCL là rất nghiêm trọng và hậu quả của nó rất lớn, ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp, thủy sản, cung cấp nước sinh hoạt cho người dân. Chính vì thế, các Bộ, ngành Trung ương, các địa phương phải vào cuộc quyết liệt, xem công tác phòng, chống hạn mặn là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu. Từng địa phương phải có kế hoạch cụ thể, phù hợp và huy động sức mạnh tổng lực để phòng chống hạn, mặn; đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân hiểu về hạn, mặn năm nay để cùng vào cuộc.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *