Chất lượng soạn thảo văn bản quy phạm phám luật còn hạn chế

Năm 2016 là năm thực hiện đề án đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC), song công tác ban hành, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL đã thực hiện chưa đạt mục tiêu đặt ra. Trong năm, UBND tỉnh đã ban hành 43/53 văn bản, đạt tỷ lệ 81,13%; tham mưu HĐND tỉnh 12/14 nghị quyết, tỷ lệ 85,7%. Năm 2017, UBND tỉnh ban hành 33/36 văn bản QPPL, tỷ lệ 91,6%; tham mưu HĐND tỉnh ban hành 26/30 nghị quyết, tỷ lệ 86,6%.

Văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan hành chính nhà nước ban hành, không chỉ là công cụ để triển khai đưa pháp luật vào đời sống thực tế, mà còn là công cụ để tổ chức các hoạt động cụ thể của các cơ quan nhà nước. Chính vì thế việc ban hành cần đảm bảo chất lượng và thời gian.

Thực hiện rà soát 636 văn bản do HĐND, UBND tỉnh ban hành, phát hiện 94 văn bản không phù hợp, đã xử lý 32 văn bản, các văn bản còn lại đang tiến hành xử lý; thực hiện 4 đợt kiểm tra, tự kiểm tra văn bản QPPL, qua đó phát hiện 18/98 văn bản do HĐND, UBND cấp huyện ban hành không phù hợp, các văn bản đã được xử lý xong, cụ thể: Đính chính 7 văn bản; bãi bỏ 4 văn bản; thay thế 6 văn bản; sửa đổi, bổ sung 1 văn bản.

Theo UBND tỉnh, một số mục tiêu chưa đạt theo yêu cầu của Đề án gồm: Ban hành văn bản QPPL chỉ đạt từ 81,13 – 91,6%; xử lý văn bản QPPL không phù hợp được phát hiện sau rà soát chỉ đạt 34,04% (mục tiêu của Đề án là 100%). Một số sở, ngành tỉnh chậm tham mưu, xây dựng văn bản QPPL theo chủ trương đã được phê duyệt; chất lượng dự thảo văn bản QPPL còn hạn chế, nguyên nhân là do năng lực và kỹ năng nghiệp vụ của đội ngũ công chức làm công tác tham mưu xây dựng, ban hành văn bản từ khâu soạn thảo, góp ý đến thẩm định còn hạn chế. Công tác kiểm tra, rà soát và xử lý văn bản sau kiểm tra, rà soát chưa được quan tâm đúng mức, việc triển khai thực hiện còn chậm, số lượng không đầy đủ.

Theo UBND tỉnh, đã qua công tác ban hành văn bản QPPL trên địa bàn chưa nhận được sự quan tâm đúng mức từ các cấp, các ngành. Các sở, ban, ngành được giao tham mưu UBND tỉnh ban hành hoặc trình HĐND tỉnh ban hành không đạt chất lượng, tính khả thi chưa cao, nội dung văn bản chưa phù hợp với tình hình thực tế địa phương, còn có nội dung chưa đúng quy định pháp luật và không đảm bảo thời gian, dẫn đến nhiều văn bản phải dừng hoặc lùi thời gian ban hành.

Trước tình hình trên, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu nêu cao trách nhiệm, chất lượng tham mưu, ban hành văn bản QPPL trên địa bàn tỉnh. Trong đó chú trọng làm thay đổi nhận thức, trình độ cán bộ, công chức, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị, cán bộ làm công tác pháp chế về các quy định, trình tự, thủ tục xây dựng và ban hành văn bản QPPL. Xác định công tác xây dựng, ban hành văn bản QPPL là nhiệm vụ trọng tâm trong chương trình công tác của cơ quan, đơn vị.

Ngoài ra tỉnh Cà Mau cũng sẽ xem xét, xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu các cơ quan, đơn vị chủ trì soạn thảo, thẩm định trong trường hợp văn bản không đảm bảo về chất lượng, chậm tiến độ, không đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất với hệ thống pháp luật…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *