Chế tài “mạnh” cho tin giả

Đăng thông tin sai sự thật về tình hình nhiễm COVID-19 trên địa bàn, một chủ tài khoản đã bị xử lý nghiêm.

Ông Nguyễn Văn Đen, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông: “Bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử là loại hình thông tin và truyền thông đã và đang phát triển một cách nhanh chóng, hiệu quả, được nhiều người sử dụng, đóng vai trò ngày càng quan trọng trong đời sống xã hội hiện đại, giúp tăng cường khả năng giao lưu, trao đổi thông tin giữa mọi người với nhau, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế tri thức, tăng tính dân chủ, minh bạch và công khai trong xã hội.

Bên cạnh mặt tích cực, quá trình khai thác, sử dụng các loại hình thông tin và truyền thông này cũng tồn tại không ít những yếu tố tiêu cực, ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường xã hội, lợi ích cộng đồng, thậm chí cả an ninh quốc gia phải được quản lý chặt chẽ và có chế tài cụ thể, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất mặt tiêu cực. Điển hình là các hoạt động tung tin thất thiệt, xuyên tạc, bịa đặt, gây nhiễu loạn thông tin trên môi trường mạng; phát ngôn gây thù ghét, vu khống, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của tổ chức, cá nhân; thông tin, hình ảnh trái với thuần phong mỹ tục; thông tin kích động hận thù dân tộc, tôn giáo, chống phá nhà nước, phát tán virus, phần mềm độc hại, thực hiện do thám, tình báo mạng, phá hoại quốc phòng, an ninh của đất nước.

Không gian mạng mang lại nhiều giá trị tích cực, nhưng cũng có thể gây ra nhiều hệ lụy không mong muốn: Người dùng có thể bị xâm phạm đời tư, bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản và nhiều nguy cơ khác. Nếu chủ quan, đơn giản có thể dẫn tới vô tình hoặc cố ý phát tán những thông tin xấu, độc, gây hại cho cộng đồng, xã hội, thậm chí tiếp tay cho các đối tượng chống phá Đảng, Nhà nước. 

Một thực tế đáng lo ngại là môi trường mạng đang bị vẩn đục bởi các hành vi thiếu văn hóa, đặc biệt trong giới trẻ. Có thể thấy tràn lan những lời nói tục, chửi thề, phát ngôn gây sốc, những lời bình luận miệt thị, “ném đá” tập thể, những “anh hùng bàn phím”…, đặc biệt là thông tin sai sự thật ngày càng gia tăng. 

Biểu hiện gần đây nhất, lợi dụng diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, nhiều cá nhân đưa thông tin không chính xác hoặc bịa đặt, làm nhiễu loạn, gây tâm lý hoang mang, gây khó khăn cho công tác phòng, chống dịch. Tại Cà Mau, trong thời gian cao điểm phòng dịch, lực lượng thanh tra sở đã xử lý vi phạm hành chính 5 trường hợp thông tin sai sự thật về công tác phòng, chống dịch COVID-19 với số tiền 55 triệu đồng. Ngoài ra, buộc gỡ bài và cam kết không tái phạm 7 trường hợp.

Nghị định 15 thay thế Nghị định 174 có những thay đổi về mức xử phạt đối với thuê bao di động trả trước dành cho doanh nghiệp viễn thông di động và quy định mức xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi tung thông tin giả mạo, gây hoang mang dư luận trên mạng xã hội.

Theo đó, Điều 101, quy định phạt tiền từ 10 – 20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội, đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc.

Các hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin cổ xúy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc; cung cấp, chia sẻ thông tin miêu tả tỉ mỉ hành động chém, giết, tai nạn, kinh dị, rùng rợn cũng bị phạt tiền từ 10 – 20 triệu đồng.

Mức phạt này cũng áp dụng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ hình ảnh bản đồ Việt Nam nhưng không thể hiện hoặc thể hiện không đúng chủ quyền quốc gia; quảng cáo, tuyên truyền, chia sẻ thông tin về hàng hóa, dịch vụ bị cấm; cung cấp, chia sẻ đường dẫn đến thông tin có nội dung bị cấm; cung cấp, chia sẻ các tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật, xuất bản phẩm mà không được sự đồng ý của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ hoặc chưa được phép lưu hành hoặc đã có quyết định cấm lưu hành hoặc tịch thu.

Nghị định cũng quy định mức phạt tiền từ 20 – 30 triệu đồng đối với hành vi tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Ngoài ra, Nghị định cũng quy định biện pháp khắc phục hậu quả, buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật do thực hiện hành vi vi phạm nêu trên.

Liên quan đến vấn đề này, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Cà Mau lưu ý: Trong sử dụng mạng xã hội, mỗi người cần trang bị cho mình những kiến thức nhất định. Không nên đăng tải thông tin một cách vô tội vạ. Khi tiếp nhận một thông tin, một vụ việc cụ thể thì người dân nên thông báo đến cơ quan chức năng. Để cơ quan chức năng có thẩm quyền xác minh làm rõ, có kết luận chính thức vụ việc thì sao đó mới thông tin cũng không muộn. Không nên vội vàng đưa thông tin lên mạng xã hội, đặc biệt là những tin “nóng” mang tính chất nhạy cảm mà chưa được kiểm chứng. Đặc biệt là việc sử dụng tài khoản cá nhân trên mạng xã hội để dẫn nguồn từ các cơ quan báo chí, trang thông tin điện tử không chính thống kèm với những lời bình luận tiêu cực là những việc làm không nên. Hành động này sẽ gây nhiễu loạn thông tin, tạo dư luận không tốt.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *