GIZ cam kết phối hợp chặt chẽ, toàn diện và hiệu quả hơn

Tác động của BĐKH gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi phương diện tại tỉnh Cà Mau, nhất là tại các vùng ven biển, làm suy thoái hệ sinh thái, sinh kế người dân ngày càng khó khăn hơn.

Các chương trình do GIZ hỗ trợ từ nguồn ODA không hoàn lại từ Chính phủ Đức và Úc, hỗ trợ kỹ thuật nhằm giúp các địa phương khôi phục rừng phòng hộ, xây dựng kè bảo vệ đê biển, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp – thủy sản, các giải pháp thích ứng BĐKH…

Từ điều kiện tự nhiên và lợi thế địa lý, tại buổi làm việc, Cà Mau đề xuất cần có dự án nghiên cứu phát triển nguồn năng lượng điện gió để quy hoạch, đầu tư, chuyển giao kỹ thuật, đào tạo nghề trên lĩnh vực này.

Bà Cornelia Richter, Giám đốc điều hành GIZ Cộng hòa Liên bang Đức (thứ 3 từ phải sang) cam kết thực hiện các hợp phần tài trợ của tổ chức tại Cà Mau thời gian tới thêm chặt chẽ, toàn diện và hiệu quả hơn.

Trước đó, GIZ đã hỗ trợ đầu tư giai đoạn I của Dự án (2011 – 2014) với các hợp phần: Quản trị vùng ven biển, các giải pháp kỹ thuật, sinh kế bền vững, nâng cao nhận thức môi trường và hợp phần về Giới, với tổng nguồn trên 20 triệu Euro, trong đó Cà Mau được hỗ trợ gần 7 tỷ đồng.

BĐKH tác động toàn diện và sâu sắc đến mọi mặt đời sống của người dân Cà Mau, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử nhận định tại buổi làm việc với GIZ và cho biết địa phương buộc phải thực hiện giải pháp công trình ven biển bằng hệ thống kè tạo bãi với chiều dài khoảng 22km, tổng nguồn trên 640 tỷ đồng.

BĐKH năm qua đã gây thiệt hại cho địa phương trên 1.500 tỷ đồng, để lại hậu quả lâu dài và nghiêm trọng, làm cho tình hình sản xuất ngày càng khó khăn hơn, cần có hành động quyết liệt hơn trong thực hiện các giải pháp công trình, nhằm thích ứng BĐKH.

Trước thực tế trên, tỉnh Cà Mau đã phải điều chỉnh lại quy hoạch kinh tế – xã hội, từng ngành cụ thể nhằm thích ứng.

Thừa nhận việc thực hiện tái định cư, nhất là tại các vùng ven biển, vùng chịu nhiều ảnh hưởng của BĐKH đã qua chưa mang lại hiệu quả, ông Lê Văn Sử cho rằng chính vấn đề giải quyết sinh kế sau tái định cư là nguyên nhân chính, dẫn đến đời sống cư dân còn gặp nhiều khó khăn, gây lãng phí trong đầu tư.

“Giải quyết sinh kế còn tốn nhiều thời gian, nguồn lực hơn việc bố trí nơi ở cho cư dân tái định cư”, ông Lê Văn Sử nhận định.

Với điều kiện và năng lực của GIZ cũng như các tổ chức quốc tế, ông Lê Văn Sử cho rằng sẽ có nhiều thuận lợi hợp tác trong thời gian tới, bởi các bên luôn có sự quyết tâm, cùng hành động vì mục tiêu chung cho cộng đồng phát triển bền vững. Toàn diện, hiệu quả là vấn đề mà ông Lê Văn Sử mong muốn có được, từ sự hợp tác chặt chẽ hơn nữa với GIZ cũng như các tổ chức quốc tế trong thực hiện các giải pháp ứng phó, thích ứng BĐKH thời gian tới, song đề nghị cần tập trung vào các lĩnh vực nghiên cứu cơ bản, nguồn lực đầu tư…

Bà Cornelia Richter, Giám đốc điều hành GIZ Cộng hòa Liên bang Đức, đánh giá cao sự cam kết và quyết tâm của chính phủ Việt Nam và Cà Mau trong thực hiện các giải pháp ứng phó và thích ứng trước tác động của BĐKH, góp phần quan trọng thúc đẩy thực hiện các cam kết chương trình hợp phần mà GIZ đã và đang triển khai, không những giúp địa phương hay Việt Nam mà cùng với thế giới hành động ứng phó, thích ứng trước tác động ngày càng nghiêm trọng của BĐKH.

Bà Cornelia Richter cam kết thời gian tới giữa GIZ với Việt Nam, các tỉnh ĐBSCL cũng như Cà Mau nói riêng sẽ phối hợp chặt chẽ, cụ thể hơn trong thực hiện các hợp phần, cần thiết sẽ có sự bổ sung về nguồn lực, nhằm phù hợp trước những diễn biến của tác động của BĐKH ngày càng nghiêm trọng, nặng nề, gây áp lực lớn đến kinh tế – xã hội cũng như môi trường sinh thái ở địa phương và toàn cầu.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *