Gỡ khó trong thực hiện giải ngân vốn đầu tư công

Khối lượng giải ngân tính đến giữa tháng 5 đạt trên 1.100 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 30,8% kế hoạch vốn.

Trong đó, vốn ngân sách tập trung giải ngân bằng 56,8% kế hoạch; vốn ngân sách huyện, thành phố cân đối và ngân sách tỉnh hỗ trợ giải ngân bằng 21,5% kế hoạch; vốn Xổ số kiến thiết giải ngân bằng 14% kế hoạch; vốn Chương trình mục tiêu và các khoản chi cụ thể giải ngân bằng 24,7% kế hoạch; vốn nước ngoài (ODA) giải ngân bằng 7,3% kế hoạch; vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia giải ngân bằng 1,4% kế hoạch…

Diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 thời gian qua đã ảnh hưởng đến tiến độ thi công các dự án, công trình.

Vẫn còn tồn tại một số nguyên nhân chủ quan thuộc về các chủ đầu tư và chính quyền địa phương

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư thì số dự án đầu tư mới năm 2020 thấp hơn so với cùng kỳ.

Tính đến nay, tỉnh chỉ mới thu hút được 6 dự án mới với tổng vốn đăng ký 3.394 tỷ đồng (cùng kỳ thu hút 14 dự án mới với tổng vốn 19.188 tỷ đồng).

Ngoài ra, số lượng doanh nghiệp thành lập mới giảm khoảng 7% và bình quân vốn đăng ký giảm khoảng 45% so với cùng kỳ năm 2019.

Theo phân tích của UBND tỉnh, so với cùng kỳ năm 2019 thì khối lượng giải ngân của năm nay đạt lỷ lệ cao hơn khoảng 9,4%. Tuy nhiên, tiến độ thực hiện và khối lượng giải ngân vẫn chưa đạt theo yêu cầu, kế hoạch đề ra.

Điều này do một số nguyên nhân khách quan như ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến một số công trình, dự án phải tạm hoãn thi công để thực hiện chủ trương giãn cách xã hội.

Tình hình hạn hán, sụt lún các tuyến đường giao thông ở vùng ngọt đã gây nhiều khó khăn cho việc vận chuyển trang thiết bị, vật liệu phục vụ cho việc thi công các công trình trong khu vực.

Một số dự án ODA bị vướng mắc trong khâu thủ tục hồ sơ, cơ chế giải ngân. Một số dự án thuộc kế hoạch vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia phải căn cứ hướng dẫn của một số Bộ, ngành Trung ương mới có thể phân khai, sử dụng…

Tuy nhiên, bên cạnh đó là một số nguyên nhân chủ quan vẫn còn tồn tại thuộc về các chủ đầu tư và chính quyền địa phương, đặc biệt là việc chậm trễ từ khâu lập phương án, xác định giá đất cụ thể đến khâu triển khai bồi thường, giải phóng mặt bằng. 

Với những dự án chuyển tiếp có tỷ lệ giải ngân đến cuối quý I dưới 30%, đề nghị chủ đầu tư kiểm điểm, phê bình những tổ chức, cá nhân có liên quan

Để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành tỉnh, các địa phương, đơn vị và các chủ đầu tư có liên quan đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2020.

Trong đó rà soát tình hình thực hiện từng dự án, phân nhóm các dự án gặp vướng mắc về thủ tục đầu tư, xây dựng, đấu thầu; vướng mắc về thủ tục đất đai, giải phóng mặt bằng; vướng mắc về kế hoạch vốn và thủ tục giải ngân.

Đồng thời phân công lãnh đạo phụ trách dự án trọng điểm, dự án còn khó khăn nêu trên để chỉ đạo, giải quyết, tháo gỡ kịp thời, nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đạt kế hoạch giao… Từ đó kịp thời tham mưu, đề xuất điều chỉnh kế hoạch vốn của các dự án không giải ngân được hoặc chậm triển khai cho các dự án khác có khả năng giải ngân cao; có giải pháp sớm hoàn thành dự án, công trình chậm tiến độ.

UBND tỉnh yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư tiến hành rà soát kết quả giải ngân theo Kế hoạch 01/KH-UBND. Trong đó, đối với những dự án chuyển tiếp có tỷ lệ giải ngân đến cuối quý I/2020 dưới 30% thì đề nghị chủ đầu tư kiểm điểm, phê bình những tổ chức, cá nhân có liên quan và có báo cáo kết quả kiểm điểm ngay trong tháng 5 này.

Đến cuối tháng 6 phải tiếp tục rà soát, nếu dự án chuyển tiếp có tỷ lệ giải ngân dưới 60% kế hoạch vốn thì tiếp tục có hình thức kiểm điểm nặng hơn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *